MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải quyết nợ xấu: Không thể vội vàng

24-10-2014 - 08:16 AM | Tài chính - ngân hàng

Việc xử lý nợ xấu sẽ bắt đầu từ các ngân hàng, nhưng để giải quyết nợ xấu thì phải có nguồn lực. Giải quyết nợ xấu phải bình tĩnh, không thể vội vàng!

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBNH, Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - ông Mai Xuân Hùng cho rằng, giải quyết nợ xấu phải bình tĩnh, không thể vội vàng. Việc xử lý nợ xấu sẽ bắt đầu từ các ngân hàng, nhưng để giải quyết nợ xấu thì phải có nguồn lực.



Ông Mai Xuân Hùng

Ông đánh giá gì về hoạt động ngân hàng trong thời gian qua?

Trong giai đoạn vừa qua, chúng ta đã chứng kiến được những thành công của NHNN trong việc ban hành một số chính sách quản lý và điều hành chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối, quản lý thị trường vàng... Những chính sách này ra đời đã góp phần kiềm chế lạm phát, tạo điều kiện hỗ trợ cho hồi phục kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô.

Đặc biệt, trong tái cấu trúc nền kinh tế với 3 trụ cột quan trọng là tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu hệ thống TCTD, ngành Ngân hàng đã luôn nỗ lực và luôn đi trước một bước. Về lâu dài, các chính sách của ngành Ngân hàng đang hướng đến hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển bền vững, ổn định hơn trong những năm tới.

Mặc dù đạt được kết quả như vậy, nhưng trong thời gian vừa qua nổi lên rất nhiều việc, đặc biệt là vấn đề nợ xấu. Có thể nói, nợ xấu tác động tới nền kinh tế non trẻ như Việt Nam trong giai đoạn vừa qua là không nhỏ. Lý do là vì chúng ta chưa có kinh nghiệm khi xử lý vấn đề này, trong khi các định chế tài chính của nước ta lại chưa đạt yêu cầu so với các nước và sức chịu đựng trước các biến động lớn của nền kinh tế còn yếu. Trong khi tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa vào tăng trưởng vốn đầu tư và tăng trưởng tín dụng.

Thực tế cho thấy, từ năm 2000-2007 tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên tục cao, bình quân ở mức 8%/năm, khi đó, vốn đầu tư cho phát triển cũng đạt bình quân trên 40% GDP. Từ năm 2008, tăng trưởng kinh tế đạt dưới 6% và vốn đầu tư phát triển chỉ đạt trên dưới 30%; năm 2014, GDP ước sẽ tăng khoảng 5,8% và vốn đầu tư phát triển là 30,1% GDP.

Theo một số chuyên gia kinh tế, vai trò của chính sách tiền tệ, hoạt động tín dụng của ngân hàng ở Việt Nam đối với tăng trưởng kinh tế là rất lớn, thậm chí gần 60% GDP là do chính sách tiền tệ quyết định. Con số này chưa thể đo đếm được, tuy nhiên tôi cũng hình dung là có thể chúng ta tăng trưởng trong một thời gian dài, cơ bản phụ thuộc vào vốn đầu tư, tăng trưởng tín dụng và cùng với chính sách tiền tệ tốt cũng góp phần rất quan trọng hỗ trợ cho tăng trưởng.

Theo ông nguyên nhân dẫn đến nợ xấu do đâu?

Nguyên nhân thứ nhất là do hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngày càng giảm: hệ số ICOR của Việt Nam từ năm 2005-2011 là rất cao (7-8), nhưng từ 2011 đến nay, hệ số này đã giảm (dưới 6). Tuy vậy, nói rằng nền kinh tế phát triển bền vững thì hệ số ICOR thường mức dưới 3. Rõ ràng hiệu quả sử dụng vốn trong đầu tư của Việt Nam là rất thấp, điều đó cũng đồng nghĩa với năng suất lao động của Việt Nam còn thấp.

Thứ hai, trong một thời gian dài, khi nền kinh tế phát triển, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng quá cao, có năm lên tới 35 đến 37% trong khi hai năm gần đây, phấn đấu tăng trưởng tín dụng 10% đã là khó. Rõ ràng tổng cầu của nền kinh tế là quá yếu. Việc giải quyết nợ xấu hiện nay khó nhất là xử lý tài sản đảm bảo, bởi thủ tục khá phức tạp, trong khi thanh khoản của thị trường này rất yếu.

Việc nới lỏng tín dụng trong nhiều năm, dẫn đến nhiều siêu dự án, đặc biệt là các dự án BĐS xuất hiện khiến thị trường phát triển quá nóng, các dự án BĐS được cấp phép theo đánh giá của Bộ Xây dựng thì có thể đủ cho cả nước đến năm 2050. Từ năm 2009, suy thoái kinh tế xuất hiện, Việt Nam buộc phải thắt chặt tín dụng, các dự án dở dang không có tiền để triển khai, hoặc nếu có triển khai cũng không thể bán cho ai được. Đây cũng là nguyên nhân của việc phát sinh nợ xấu.

Thứ ba, cả nước có gần 700 nghìn DN được thành lập, nhưng đến năm 2013 trở lại đây, số DN còn hoạt động thật sự chỉ gần 400 nghìn. Như vậy, hơn 300 nghìn DN không hoạt động cùng với số nợ của các DN này, TCTD không thu hồi được. Đây cũng là nguyên nhân làm cho nợ xấu ngày càng xấu hơn mặc dù các NHTM đã sử dụng nguồn trích lập dự phòng của nhiều năm để xử lý.

Một nguyên nhân khác là nợ đầu tư của các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của chính quyền địa phương các tỉnh. Khi nền kinh tế phát triển, các địa phương đua nhau huy động hoặc động viên các DN tham gia khởi công dự án. Tính đến cuối năm 2012, số nợ từ ngân sách với các DN lúc cao nhất lên tới 93 nghìn tỷ đồng. Số tiền này chủ yếu là vay từ các TCTD. Một phần số tiền này biến thành nợ xấu, DN tiếp tục khó khăn.

Như vậy nợ xấu cuối cùng dồn lên vai các NHTM phải gánh chịu. Mặc dù năm 2013 chúng ta đã thành lập VAMC, song chính quan điểm cho rằng, nợ xấu là việc của ngân hàng và giao cho ngân hàng đơn độc xử lý nên việc xử lý nợ xấu ngày càng khó khăn hơn. Ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế, một khi các ngân hàng gặp khó thì việc cung ứng vốn cho nền kinh tế cũng sẽ gặp khó khăn. Thực tế, việc xử lý nợ xấu thời gian qua mới chỉ là “nhốt nợ” mà chưa tìm được lối thoát cho nợ xấu.

Như vậy, tình hình nợ xấu hiện nay ở mức nào?

Tôi cho rằng, nợ xấu đang ở mức nguy hiểm. Nếu chúng ta giải quyết sớm được nợ xấu, kéo về dưới 3% thì có nghĩa tổng cầu bắt đầu hồi phục. Còn hiện nay, tổng cầu của chúng ta rất yếu vì nợ xấu còn tồn tại. Nợ xấu là nguyên nhân chính khiến tổng cầu yếu. Khi tổng cầu yếu, DN không còn sức sống, sản xuất ra không tiêu thụ được, người dân, người tiêu dùng chắt bóp chi tiêu và cất giữ tiền, vàng thì nền kinh tế không phát triển được.

Vì vậy, bản chất cốt lõi của nợ xấu không riêng của hệ thống ngân hàng, mà nó là vấn đề chung của cả nền kinh tế. Như vậy, trách nhiệm của nền kinh tế là phải đứng ra để giải quyết nợ xấu.

Vậy giải pháp nào là hữu hiệu nhất để giải quyết nợ xấu trong giai đoạn hiện nay, thưa ông?

Việc giải quyết nợ xấu là việc khó vì vậy chúng ta phải bình tĩnh, không thể vội vàng.

Thời gian qua, việc nới lỏng tín dụng đang là một bài học đắt giá, vì vậy, việc đưa hoạt động của các TCTD tuân theo các chuẩn mực quốc tế là cần thiết. Các tiêu chí cho vay và đánh giá tài sản đảm bảo cũng phải tuân theo chuẩn mực như vậy.

Mặt khác việc giải quyết nợ xấu cũng cần phải có nguồn lực. Nguồn lực ít, xử lý nợ sẽ kéo dài, nguồn lực nhiều thì sẽ nhanh hơn. Giống như bài học Nhật Bản, khi bong bóng thị trường BĐS và ngân hàng bị đổ vỡ vào năm 1993 thì nền kinh tế Nhật phải mất 18 năm liền trồi sụt, GDP tăng giảm trên dưới 1%/năm.

Năm 1995, Chính phủ Nhật Bản đã bỏ tiền mua các ngân hàng đổ vỡ. Nguồn tiền này được huy động từ trái phiếu Chính phủ và các nguồn khác. Chính phủ đã vực dậy các ngân hàng này sau 5 năm. Khi các ngân hàng này phục hồi và phát triển, họ lần lượt trả các ngân hàng này cho thị trường thông qua TTCK.

Thực tế, Chính phủ Nhật Bản đã thu được rất nhiều lợi nhuận so với phần vốn bỏ ra để mua các ngân hàng đổ vỡ và tái cơ cấu lại các ngân hàng. Mặc dù 18 năm trồi sụt như vậy, nhưng nguồn tiền dự trữ của Chính phủ Nhật vẫn rất lớn. Có thể đây cũng là bài học kinh nghiệm thiết thực cho quá trình xử lý nợ xấu ở nước ta hiện nay.

Liệu giải pháp này có khả thi hay không vì NSNN đang rất khó khăn. Hơn nữa, quan điểm rất rõ là chúng ta không chi NSNN để xử lý nợ xấu?

Hiện nay nợ công cao, thâm hụt ngân sách lớn, song tôi cho rằng, việc bỏ ra một số tiền không nhiều lắm sẽ không ảnh hưởng đến NSNN. Chúng ta vẫn có thể giải quyết nợ xấu bằng cách trích một phần số tiền từ cổ phần hóa các DNNN, hay tiết kiệm đầu tư…

Việc mua lại các TCTD yếu kém cũng là nhiệm vụ để Nhà nước hỗ trợ thị trường trong quá trình tái cơ cấu lại nó. Vấn đề là phải tái cơ cấu lại các TCTD này để phát triển lành mạnh, để phục vụ tốt hơn cho nền kinh tế.

Rõ ràng, với nguồn vốn không nhiều, chúng ta vẫn có thể xử lý được nợ xấu. Tuy nhiên, đi đôi với tiết kiệm của cả nền kinh tế, các ngân hàng giải quyết nợ xấu thì chúng ta phải chấn chỉnh lại đầu tư công, chấn chỉnh lại các DNNN yếu kém.

Tôi biết, tại Kỳ họp Quốc hội trước, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng thể hiện quan điểm là sẽ không dùng tiền ngân sách để giải quyết nợ xấu. Nhưng tôi cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, việc sử dụng các nguồn lực từ cổ phần hóa DNNN và tiết kiệm đầu tư là để đổi cái không hiệu quả lấy cái hiệu quả hơn cho nền kinh tế và là việc làm cần thiết. Không có hạnh phúc nào mà không có sự hy sinh. Nhưng câu chuyện ở đây hy sinh không phải là mất hết mà là để sống tốt hơn và phát triển hơn.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bỏ kiến nghị dùng ngân sách “cứu” nợ xấu

Theo Trần Hương

huongtt

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên