MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải quyết nợ xấu ngân hàng: Đường còn dài

19-12-2013 - 16:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Lợi ích của VAMC chưa được gắn kết chặt chẽ với ngân hàng, dựa trên mục tiêu lợi nhuận nên thước đo để đánh giá hiệu quả hoạt động của VAMC không được chính xác.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến ngày 16/12/2013, Công ty quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được gần 28.170 tỷ đồng dư nợ gốc, 22.863 tỷ đồng giá mua của 26 tổ chức tín dụng. Dự kiến đến cuối năm 2013, VAMC sẽ mua được khoảng 30 - 35 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Đây là một con số đáng khích lệ, góp phần thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu diễn ra nhanh hơn, tạo ra sự ổn định cho nền kinh tế.

Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã chính thức cho phép VAMC được phát hành trái phiếu đặc biệt để xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và được kỳ vọng sẽ tạo nên chuyển biến tích cực trên thị trường mua bán nợ xấu. Tuy nhiên, xử lý nợ xấu là một quá trình lâu dài và vô cùng khó khăn, vì vậy, có nhiều ý kiến cho rằng, VAMC không nên trở thành phương tiện hỗ trợ thanh khoản kéo dài cho các ngân hàng mất khả năng thanh toán. Điều này sẽ làm yếu đi động cơ tái cơ cấu và trì hoãn việc cấp vốn bổ sung cần thiết trong khu vực ngân hàng.

Bên cạnh đó, hiện nay vẫn còn những ý kiến trái chiều, thậm chí hoài nghi về hiệu quả của VAMC. Theo TS. Trần Du Lịch, hiện nay VAMC đang mua nợ xấu theo giá trị sổ sách và cách này không phải xử lý nợ về chất mà chỉ về danh nghĩa. Hay nói cách khác sau khi tạm chuyển nợ cho VAMC, bảng tài sản của ngân hàng không còn nợ xấu, ngân hàng trở nên lành mạnh hơn về bề ngoài nhưng nợ xấu trong nền kinh tế không hề mất đi. Theo đó, để xử lý một cách triệt để nợ xấu về chất phải có dòng tiền thật, mà dòng tiền này phải được tạo từ con nợ chứ không phải từ nguồn thứ cấp nào khác.

TS. Trần Du Lịch cũng cho biết, theo nguyên tắc, ngân hàng bán nợ cho VAMC để lấy tiền nhưng VAMC không đưa tiền mà đưa giấy nhận nợ. Như vậy, VAMC đáng ra phải trả lãi cho ngân hàng thương mại nhưng trong trường hợp này lãi suất lại bằng 0%, nghĩa là không phải trả lãi. Đây chính là lý do chủ quan khiến cho VAMC thiếu động lực trong việc triển khai xử lý nợ để trả tiền lãi, tạo tâm lý ỷ lại và chờ đợi.

Bên cạnh đó, lợi ích của VAMC chưa được gắn kết chặt chẽ với ngân hàng, dựa trên mục tiêu lợi nhuận nên thước đo để đánh giá hiệu quả hoạt động của VAMC không được chính xác. Có thể nói, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng chỉ được cất trữ trong “kho” VAMC trong khoảng thời gian 5 năm mà chưa thể tính toán chính xác về được liệu khoản nợ đó có được xử lý triệt để hay không.

Như vậy, có thể nói, muốn xử lý triệt để nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, không thể chỉ trông chờ vào VAMC mà cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt của nền kinhh tế để đạt được hiệu quả cao nhất.

Mới đây, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã đề xuất giải pháp “chứng khoán hóa” các khoản nợ khó đòi. Theo đó, đối với những doanh nghiệp có khả năng quản trị kinh doanh tốt nhưng đang gặp khó khăn về nghĩa vụ trả nợ gốc do tình hình kinh tế khó khăn, các dự án đầu tư đang triển khai chưa đi vào hoạt động…thì có thể chuyển một phần nợ gốc thành trái phiếu trung hạn, nhằm hỗ trợ thanh khoản cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp tồn tại phát triển.

Bên cạnh đó, ngân hàng có thể chuyển nợ quá hạn, nợ xấu thành cổ phần và chuyển vị thế các ngân hàng đang là chủ nợ thành cổ đông lớn, cổ đông nắm đa số cổ phần nếu nhận thấy sau tái cấu trúc doanh nghiệp có khả năng tồn tại và phát triển.

Ông Hải chia sẻ, đây là biện pháp giải quyết nợ xấu trong hệ thống ngân hàng bởi không chỉ cứu được doanh nghiệp khỏi nguy cơ phá sản mà còn bảo toàn được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại. Với cách làm này, sau khi chuyển đổi, các ngân hàng thương mại rất dễ dàng tìm được người mua là các nhà đầu tư chiến lược.

Ngoài ra, để kiểm soát chặt chẽ và ngăn chặn sự bùng phát trở lại của nợ xấu, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần có cơ chế thanh tra, giám sát ngân hàng chặt chẽ để nâng cao chức năng quản lý hệ thống ngân hàng, cùng với đó là các chỉ số an toàn về vốn, hoạt động đầu tư tài chính nhằm ngăn chặn sự bùng nổ các khoản nợ xấu trong tương lại.

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, dự kiến từ ngày 1/6/2014, các ngân hàng thương mại sẽ phải áp dụng quy định mới, phù hợp với chuẩn mực quốc tế về trích lập dự phòng rủi ro. Mặc dù điều này khiến nhiều ngân hàng lo ngại nợ xấu gia tăng và lợi nhuận giảm sút khi phải thực hiện trích lập dự phòng rủi ro nhiều hơn, nhưng đây là điều cần thiết để đảm bảo cho sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính dài hạn.


Theo Hồng Nhung

hangnt

Tạp chí tài chính

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên