MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lãi suất cho vay: Món nợ của Ngân hàng Nhà nước?

13-01-2012 - 10:23 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãi suất đang biến các doanh nghiệp sản xuất, người lao động và một phần không nhỏ nền kinh tế quốc dân thành... "con tin".

Vẫn mập mờ lãi suất

Khi kinh doanh, doanh nghiệp nếu chủ yếu chỉ dựa vào vốn ngân hàng thì hoạt động này hoàn toàn không lành mạnh. "Chúng ta rút tiền thì kêu ngân hàng nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận lại chúng ta là ai? Nếu doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh thì kể cả lãi suất lên tới 25% thì cũng không phải vấn đề quá lớn", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nói tại buổi giao lưu trực tuyến sáng 12/1 và được báo giới trích dẫn.

Rõ ràng, những thông tin mà Thống đốc đưa ra tiếp tục đem lại sự thất vọng lớn cho những người đang hàng ngày mong mỏi việc hạ lãi suất cho vay càng sớm càng tốt.

Vẫn không hề có một lộ trình giảm lãi suất nào, ít ra cũng cho hàng quý, được thống đốc NHNN thông báo. Lãi suất cũng chỉ được đề cập như một khái niệm trừu tượng, trong khi điều cần phải rạch ròi chứ không thể cứ mập mờ là tiến trình kéo giảm lãi suất huy động khác biệt như thế nào so với lộ trình hạ lãi suất cho vay.

Những gì mà NHNN biểu hiện trong gần 6 tháng qua thật khác xa với mong đợi của giới DN và người kinh doanh.

Trong hoàn cảnh khó khăn của nền kinh tế, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), vào những ngày cuối năm 2011đã đã đứng ra công bố lãi suất và lộ trình vận động của lãi suất và cũng là động thái trấn an một cách thực chất đối với khối doanh nghiệp sản xuất và người lao động quan tâm đến chính sách điều hành vĩ mô của chính thể.

Nhưng kể từ tháng 8/2011 khi chỉ số lạm phát lập đỉnh, những gì mà các kinh tế gia Việt Nam đã không thể mơ ước trong nửa năm đầu 2011 lại dần trở nên một điều kiện khá tốt lành, với mức lạm phát không những nằm dưới mức 1%/tháng mà chỉ dao động trong vùng 0,4-0,7%/tháng.

Còn gì nữa mà không thể giảm lãi suất cho vay?

Từ tháng 10/2011, đã bắt đầu xuất hiện ý kiến của một số chuyên gia, trong đó có cả thành viên của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia và Hội đồng tư vấn chính sách tài chính và tiền tệ quốc gia thể hiện tâm trạng sốt ruột khi tình trạng lãi suất treo cao ngất ngưởng tại hầu hết các ngân hàng thương mại vẫn diễn ra rất phổ biến, cho dù khi tái thiết lập trần lãi suất cho vay ở mức 14%/năm, NHNN cũng đã hứa hẹn về động thái tiếp theo là sẽ "giúp cho các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay giá rẻ".

Song thực chất của "nguồn vốn vay giá rẻ" đó lại vẫn là cái giá cắt cổ cho đến tận bây giờ. So với thời hoàng kim "ăn trên đầu trên cổ" doanh nghiệp với mức 25-27%, dù thời gian qua mức lãi suất cho vay "được" hạ xuống còn 21-23% thì vẫn là một thực tế mà DN và nền kinh tế khó nuốt.

Thực tế chua chát trên luôn trái nghịch với hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp. Trong bối cảnh suy thoái kinh tế trầm trọng trong năm 2011, một năm mà ở góc độ nào đó còn được xem là khó khăn hơn cả năm khủng hoảng kinh tế 2009, tỷ suất lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp làm sao có thể vươn đến mức bình quân 20%?

Bởi nếu chỉ cần một nửa số doanh nghiệp sản xuất đạt tỷ suất lợi nhuận đến 30% thì đã không xảy ra cái tỷ lệ gần một phần mười số doanh nghiệp bị khai tử trong năm 2011.

Mặt khác, với tỷ lệ tăng trưởng tín dụng được NHNN "siết" chỉ 15-17%/năm, rõ ràng mức lãi suất cho vay trên 20% của các ngân hàng thương mại là một sự thách thức đối với thế ổn định của nền kinh tế. Nói cách khác, đó cũng là thách thức đối với các vấn đề xã hội, bởi việc ngày càng nhiều doanh nghiệp phải chọn phương cách đóng cửa đã đẩy không ít công nhân ra đường.

Nghịch lý và thảm cảnh

Những ngày sát Tết Nhâm Thìn, trong khi nhân viên ngân hàng lũ lượt nhận tiền thưởng Tết thì tại nhiều doanh nghiệp, công nhân còn chưa được trả lương cho 3 tháng gần nhất.

Lại đã có một nghịch lý khó hình dung khi với mức khó khăn gần tương đương như nhau, năm 2011 cũng tương đồng với năm 2008 về tình trạng bất công giữa lợi nhuận của khối ngân hàng so với khối doanh nghiệp.

Nhưng điều đáng nói hơn là từ dấu ấn tháng 8/2011 khi lạm phát lập đỉnh và mặt bằng giá cả hàng tiêu dùng bắt đầu xuống dốc cho đến nay tình trạng hoạt động của khối doanh nghiệp sản xuất vẫn còn nguyên trạng thái được xem là "chết lâm sàng".

Nếu không muốn nói là còn có thể tệ hơn trong 6 tháng tới.

Sụ thật về vấn nạn đình đốn sản xuất, đã được cảnh báo từ lâu, sẽ lại có cơ hội để tái hiện hình ảnh bi đát hơn nhiều nữa nếu toàn bộ các vấn đề điều hành kinh tế không được nhận thức lại theo hướng bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và người lao động, thay cho chuyện nền kinh tế phải cung cúc phục vụ cho các nhóm lợi ích.

Trong những nhóm lợi ích đó, ngân hàng và vàng là hai nhóm nổi bật hơn cả trong 6 tháng qua. Tạm gác lại những hình ảnh "sống động" về nạn đầu cơ làm giá vàng không hề bị suy xuyển trong thời gian qua, một hình ảnh khác không kém "linh hoạt và uyển chuyển" là cái mà dân gian thường gọi là "chợ" lãi suất.

Mới đây, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành bức xúc cho rằng NHNN đã có đủ cơ sở pháp lý để kéo giảm lãi suất. Chẳng hạn, để không cho lãi suất huy động trên 10%, Nhà nước có thể dùng luật pháp, bởi pháp luật dân sự đã chỉ rõ: không cho bất kỳ tổ chức tín dụng nào huy động với lãi suất cao hơn 150% lãi suất cơ bản. Thay vì để lãi suất thị trường, NHNN áp dụng lãi suất cơ bản mức 5-6% thì các tổ chức tín dụng chỉ được áp dụng lãi suất ở mức 9%. Nếu tổ chức tín dụng nào vượt quá thì sẽ phạt cảnh cáo, truy tố, rút giấy phép...

Tuy nhiên, xem ra những gì mà vị chuyên gia trên mong muốn lại đã trở thành một nghịch lý trong quá khứ gần và có thể cả trong tương lai không xa.

NHNN đã làm gì để giữ nghiêm trần lãi suất 14% từ tháng 11/2011 đến nay? Câu trả lời diễn ra ở một chiều kích khác: thực ra việc duy trì trần lãi suất 14% đã chỉ được thực thi nghiêm minh từ đầu tháng 9 cho đến cuối tháng 10. Còn sau đó, "chợ" lại tự phát tái hiện. Gần đây, đã có khá nhiều xác nhận về mức huy động của một số ngân hàng thương mại lên đến 19-20%, thậm chí 21%.

Song vì lý do gì mà NHNN vẫn để cho "chợ lãi suất" tái phát một khi đã biết rõ? Vì sao cùng vào thời điều hành của thống đốc Nguyễn Văn Bình, không chỉ "chợ lãi suất" mà cả "chợ vàng" đều hoạt động nhộn nhịp?

Chỉ có chính thống đốc mới có thể trả lời được những câu hỏi trên. Nhưng NHNN có trả lời hay không, và trả lời vào lúc nào thì cũng chỉ có NHNN biết được.

Cũng như lộ trình công khai giảm lãi suất và cơ cấu giảm lãi suất ra sao, dù cho tới nay vẫn là một sự mập mờ đánh đố, nhưng có thể cả trong thời gian tới vẫn không rõ ràng hơn chút nào. Đó hẳn là một món nợ của Ngân hàng Nhà nước.

Do lạm phát hay nguyên do nào khác?

Trong khi đó, những con số thống kê vào cuối năm 2011 lại cho biết một hiện thực khác hẳn với tỷ lệ tăng trưởng GDP: chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 21% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành có chỉ số tổn kho tăng cao là sản xuất xi măng, vôi, vữa - 84%; sản xuất bột giấy, giấy và bìa - 82%, sản xuất giường, tủ, bàn ghế - 77%, sản xuất giày dép - 50%... Chưa kể đến hàng triệu tấn thép bị tồn kho.

Cũng chưa kể con số thất nghiệp thực chất và bán thời gian cứ dôi ra mãi, còn con số thống kê chính thức chỉ chưa đầy 5% về tỷ lệ thất nghiệp đã không thể lý giải được vì sao vào thời điểm cuối năm 2011, số người lao động bị đẩy ra đường gấp ít ra hai lần so với đầu năm.

Bài học cay đắng của nước Mỹ vào những năm 30 của thế kỷ trước là đã duy trì lãi suất cơ bản cao liên tục, đến mức nền kinh tế quốc gia này bị rơi vào suy thoái kép năm 1937-1938, sau giai đoạn Đại khủng hoảng.

Còn giờ đây, Việt Nam đang có điều kiện để hồi phục phần nào sức lực cho nền kinh tế của mình, sau một năm suy thoái vật vã. Những điều kiện đó còn được hỗ trợ bởi đà phục hồi chớm xuất hiện từ nền kinh tế Mỹ và các quốc gia châu Âu.

Thế nhưng việc duy trì lãi suất cho vay quá cao, hơn nữa lãi suất cho vay còn được duy trì như một cái "chợ", rất có thể sẽ là nguồn cơn bắt nền kinh tế nước ta phải trả một cái giá rất đắt.

Nếu việc giảm lãi suất huy động có thể làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người gửi tiết kiệm và thanh khoản của một số ngân hàng, thì tại sao NHNN lại không thể áp trần lãi suất cho vay như đã từng áp trần đối với lãi suất huy động?

Còn việc duy trì lãi suất cho vay quá cao có phải xuất phát từ thiện chí của NHNN muốn kéo giảm lạm phát, hay còn bởi một nguyên do khác không được công bố?

Phải chăng lãi suất và các nhóm lợi ích nào đó đứng đằng sau nó đang biến các doanh nghiệp sản xuất, người lao động và một phần không nhỏ nền kinh tế quốc dân thành con tin?

Theo Lê Viết Quân

VEF

tungns1

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên