MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giữ chân khách bằng việc gia hạn nợ

27-12-2014 - 19:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Có thể thấy, trong suốt 3 năm qua, một trong những hiệu ứng tích cực ít được nhắc đến là việc gia hạn nợ đã tạo điều kiện lớn cho các tổ chức tín dụng giữ chân khách hàng cũ của mình.

Đến ngày 23.12.2014, Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua được 123 nghìn tỷ đồng nợ gốc, dự kiến đến cuối năm số nợ gốc mua được sẽ vào khoảng 125 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý trong kết quả thu nợ, bán nợ trong năm 2014 của VAMC đã có 33,5 nghìn tỷ đồng là những khoản nợ khách hàng tự nguyện trả. 

Điều này cho thấy, trong số những khoản nợ xấu VAMC đã mua có nhiều doanh nghiệp vẫn tiếp tục làm ăn tốt và trả được nợ xấu. Và mặc dù chưa có những thống kê chính thức về số lượng các doanh nghiệp có nợ xấu đã tiếp tục được vay bao nhiêu vốn mới để sản xuất kinh doanh, nhưng trong số 4.600 doanh nghiệp liên quan đến khoản nợ xấu đã bán cho VAMC, không ít doanh nghiệp đã có lại quan hệ tín dụng với ngân hàng và được vay vốn mới.

Lắp ghép những sự tiếp nối của chính sách xử lý nợ, có thể thấy, trong suốt 3 năm qua, một trong những hiệu ứng tích cực ít được nhắc đến là việc gia hạn nợ đã tạo điều kiện lớn cho các tổ chức tín dụng giữ chân khách hàng cũ của mình.

Thực tế, cuối tháng 4.2012 NHNN đã ban hành Quyết định 780/QĐ-NHNN về việc phân loại nợ. Quyết định này đã giúp cho các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ cho hàng chục nghìn doanh nghiệp. Nhiều món nợ không bị xếp vào nợ xấu. Từ tháng 6.2014, Thông tư 09/2014/TT-NHNN tiếp nối sứ mệnh này, giúp cho các tổ chức tín dụng tiếp tục có cơ sở để cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho những khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn, nhưng có phương án trả nợ mới khả thi, có triển vọng phục hồi sản xuất kinh doanh…

Ghi nhận tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến tháng 10.2014, bằng việc cơ cấu lại nợ theo Quyết định 780 và Thông tư 09, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã gia hạn nợ và điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với 160.000 DN với tổng số nợ được cơ cấu là 613.900 tỷ đồng. Điều này chứng minh chính sách xử lý nợ tồn đọng và nợ xấu trong thời gian qua đã giúp cho các tổ chức tín dụng giữ lại được một lượng khách hàng vô cùng lớn.

Trong tương lai, đến ngày 1.4.2015, việc gia hạn nợ theo Thông tư 09 sẽ đến hạn định. Tuy nhiên, nỗ lực giữ khách hàng là doanh nghiệp cũ để hỗ trợ từ phía ngành ngân hàng vẫn tiếp tục, bởi từ 1.2.2015, Thông tư 36/2014/TT-NHNN bắt đầu có hiệu lực. Nếu theo Thông tư 09, các ngân hàng được phép cơ cấu lại các khoản nợ ngắn hạn thành trung dài hạn, nhưng phải đảm bảo giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn huy động ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa 30%, thì Thông tư 36 đã cho phép nâng lên mức 60%.

Những thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến hết tháng 11.2014, tổng số nợ xấu của các tổ chức tín dụng trên địa bàn khoảng 68,5 nghìn tỷ đồng, trong đó 44,3 nghìn tỷ đồng là nợ xấu ngắn hạn. Điều này hé mở khả năng các ngân hàng sẽ có thêm điều kiện để mở rộng cơ cấu lại nợ bằng cách chuyển đổi các khoản vay ngắn hạn thành trung dài hạn, nếu xét thấy doanh nghiệp có triển vọng phục hồi sản xuất kinh doanh và trả được nợ. Trong khi đó, doanh nghiệp rõ ràng tránh được gánh nặng phải chịu lãi phạt nợ quá hạn, có thêm thời gian để làm ăn và trả nợ, giãn được áp lực có thể bị đóng dấu tín nhiệm nếu vẫn theo kỳ trả nợ ngắn hạn trước đó.

>>> Đến 22/12: Tăng trưởng tín dụng đã "cán  đích"

Theo Thạch Bình

hangnt

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên