Ngoài ra, dịch vụ repo bất động sản và ứng trước tiền bán xe cũng có thể được cung cấp cho các khách hàng thông qua hệ thống showroom và dựa trên hàng loạt các dự án bất động sản của TTG.
TTG xuất hiện trong cả 4 sản phẩm tín dụng mà VNCB vừa công bố.
"Vùng tối" của VNCB
Cần nói thêm một chút về VNCB. Tiền thân của VNCB là Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trustbank). Đây là một trong 9 ngân hàng yếu kém cần tái cơ cấu trong danh sách của Ngân hàng Nhà nước từ năm 2012.
Cái tên Thiên Thanh chính thức xuất hiện từ đầu năm 2013, khi Trustbank tổ chức đại hội cổ đông và thông báo tập đoàn này sẽ là đối tác trong kế hoạch tái cấu trúc của ngân hàng. Theo đó, 85% vốn của ngân hàng sẽ được nắm giữ bởi TTG (10%) và 20 cá nhân khác.
Đáng chú ý, không lâu sau đó, ông Phạm Công Danh, Tổng giám đốc của Tập đoàn Thiên Thanh, được bầu giữ chức Chủ tịch HĐQT của Trustbank (nay là VNCB).
Tháng 7/2013, VNCB tổ chức đại hội cổ đông thường niên 2013, với rất ít thông tin về tình hình hoạt động, tài chính của ngân hàng này được công bố. Hàng loạt các nghị quyết được thông qua tại đại hội nhưng không cho biết nhiều về kết quả kinh doanh, tình hình tài sản của ngân hàng. Đến thời điểm này (1/4/2014) ngân hàng vẫn chưa công bố báo cáo tài chính, báo cáo thường niên năm 2012 theo thông lệ của một ngân hàng đại chúng.
Đặc biệt, VNCB đã thực hiện tăng vốn từ 3.000 tỷ lên 7.500 tỷ đồng vào tháng 12/2013, theo hình thức chào báo cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên ngân hàng. Nhưng không có bản cáo bạch hay bất kỳ thông tin nào về đợt chào bán được công bố trên website của ngân hàng này cho đến khi công bố kết quả chào bán thành công.
Với việc nhiều cổ đông lớn của VNCB không lộ diện (20 nhà đầu tư còn lại là ai?) và tình hình hoạt động chưa được công khai, minh bạch như các ngân hàng khác, có lẽ, sẽ khiến công chúng đặt ra nhiều thắc mắc.
Theo Anh Tuấn - Hồng Hải