Hệ thống thừa tiền, NHNN phải trả lãi hơn 770 tỷ đồng cho tín phiếu phát hành trong 1 tháng
NHNN phải hút bớt lượng tiền trong lưu thông nhằm kiềm chế lạm phát. Quy mô phát hành tín phiếu ngày càng một tăng đồng nghĩa với việc tiền lãi phải trả ngày càng lớn.
Trong năm 2013, NHNN đã tổ chức tổng cộng 76 phiên đấu thầu bán vàng miếng. Kết quả là gần 70 tấn vàng miếng đã được tung ra thị trường và ước tính NHNN thu về khoản tiền khoảng 7.618 tỷ đồng từ chênh lệch giá vàng. Kể từ đầu năm 2014, NHNN vẫn chưa thực hiện thêm một phiên đấu thầu vàng miếng nào.
Để có thể cung cấp vàng miếng, NHNH buộc phải sử dụng ngoại tệ (mua USD để nhập khẩu vàng và bán vàng thu tiền VND về). Vì vậy, nhằm trung hòa lượng tiền đã bỏ ra để mua USD để thực hiện nhập khẩu vàng miếng, tăng dự trữ ngoại hối… NHNN liên tục phát hành tín phiếu để điều hòa lượng tiền trong lưu thông và thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát.
Thống kê cho thấy, kể từ ngày 15/3/2012 đến ngày 7/3/2014, NHNN đã phát hành tổng cộng 562.257 tỷ đồng tín phiếu NHNN. Ước tính, NHNN phải trả tổng cộng 8.383,6 tỷ đồng tiền lãi tín phiếu cho toàn bộ số tín phiếu phát hành nêu trên.
Thống kê khối lượng tín phiếu phát hành (Số liệu tính đến ngày 7/3/2014)
Trong năm 2014, thống kê cũng cho thấy NHNN đang tiếp tục sử dụng công cụ bán tín phiếu để hút tiền trong lưu thông về và nhiều khả năng NHNN vẫn tiếp tục sử dụng công cụ này do dư nợ tín phiếu NHNN tăng đột biến kể từ đầu năm.
Cụ thể, kể từ đầu năm, chính xác là kể từ ngày 7/2 cho đến ngày 7/3/2014, NHNN đã phát hành tổng cộng 132.378 tỷ đồng tín phiếu. Quy mô đợt phát hành lần này lớn hơn nhiều so với các quý trước đó (hình trên) và tiền lãi phải trả cho đợt phát hành tín phiếu kể từ đầu năm 2014 đã lên tới 771,75 tỷ đồng. Số tiền lãi phải trả cho tín phiếu này chưa phải thanh toán ngay nhưng phải thực hiện hết trong vòng 3 tháng do các kỳ hạn của tín phiếu là 28 ngày và 91 ngày.
Dự kiến, trong thời gian tới, NHNN vẫn phải sử dụng công cụ tín phiếu để hút tiền khỏi lưu thông vì những lý do sau: Thứ nhất, do lượng tín phiếu phát hành kể từ đầu năm chủ yếu là kỳ hạn ngắn (28 ngày và 91 ngày) nên toàn bộ số tín phiếu phát hành sẽ đáo hạn trong 1 và 3 tháng tới. Thống kê cũng cho thấy, lượng tín phiếu đáo hạn ngay trong tháng 3 tương đối lớn, lên tới 75.849 tỷ đồng.
Thứ hai, theo đánh giá, nhận định của nhiều chuyên gia, lượng tiền đang đổ về ngân hàng nhiều, ngoài việc tiền từ huy động vốn trên thị trường 1 còn có tiền đáo hạn của tín phiếu và trái phiếu chính phủ) trong khi tín dụng vẫn đang chưa được khơi thông. Vì vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới tiếp tục căng thẳng và chi phí bỏ ra sẽ tiếp tục tăng theo.
Nguyễn Lê