MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hiệu ứng chính sách tiền tệ không thể nhìn trong ngắn hạn

16-10-2013 - 10:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Sau nhiều năm, đường cong lãi suất vốn mới được “tái tạo” thay vì “kẻ thẳng” như trước đó.

Với vai trò vừa là một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính tiền tệ, vừa là người thực thi, thụ hưởng chính sách, Chủ tịch HĐQT VietinBank Ts. Phạm Huy Hùng chia sẻ việc điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) hai năm qua không chỉ đáp ứng một mục tiêu mà còn đảm bảo kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý đều là những vấn đề trọng yếu của nền kinh tế.

Là người đứng mũi chịu sào của một ngân hàng lớn trong nền kinh tế, ông cảm nhận gì về những tác động của CSTT lên hoạt động của ngành Ngân hàng cũng như đơn vị ông và những khách hàng của VietinBank?

Tôi cho rằng, việc điều chỉnh giảm lãi suất của NHNN hai năm qua đã phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến của lạm phát. Dù các biện pháp điều hành lãi suất thời gian qua mang tính hành chính, nhưng không thể phủ nhận hiệu quả của nó trong điều kiện thực tế của Việt Nam.

Điều dễ thấy nhất là lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng nguồn huy động tiền gửi của dân cư vẫn tăng, với kỳ hạn dài hơn. Tính đến 20/9/2013, tiền gửi VND của dân cư vẫn tăng 13,78% so với cuối năm 2012.

Sau nhiều năm, đường cong lãi suất vốn mới được “tái tạo” thay vì “kẻ thẳng” như trước đó. Điều đó cũng có nghĩa là phân bổ nguồn vốn trong nền kinh tế đã từng bước hợp lý hơn, các TCTD có thể huy động được nguồn vốn dài hạn và ổn định hơn, giảm chênh lệch kỳ hạn giữa các loại tài sản nợ.

Thông qua diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cho thấy vai trò của NHNN trong dẫn dắt thị trường đã thể hiện rõ hơn, tính thanh khoản của các TCTD được cải thiện. Có thể coi đây là thành công bước đầu về điều hành chính sách lãi suất thời gian qua.

Có nhiều DN cho rằng, việc “bó hẹp” các chỉ tiêu an toàn vốn đã làm cho họ khó tiếp cận nguồn vốn để phát triển? Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Như chúng ta đã thấy, tăng trưởng tín dụng nóng với các điều kiện tín dụng được nới lỏng là một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu và lạm phát tăng cao trong những năm 2007 - 2011. Vì thế, nhiệm vụ đặt ra năm 2011 - 2012 là phải giảm quy mô tăng trưởng tín dụng, cải thiện về chất lượng tăng trưởng gắn với an toàn hệ thống.

Sang năm 2013, các giải pháp tín dụng tiếp tục được điều hành linh hoạt hơn theo hướng nới tín dụng gắn với an toàn hoạt động, phù hợp với mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ, đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý.

Cho đến nay, cơ cấu tín dụng từng bước hợp lý, đã hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên, các ngành kinh tế trọng điểm, đẩy mạnh xuất khẩu, như thu mua, chế biến lúa gạo và thủy sản là những sản phẩm có thế mạnh của đất nước.

Tuy nhiên, không ít ý kiến cho rằng cần nới thêm chính sách tiền tệ cũng như điều kiện vay vốn để vốn đến được doanh nghiệp. Nhưng nếu chỉ nhìn vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, tăng trưởng tín dụng mà không đặt chúng trong mối quan hệ với tổng thể nền kinh tế thì có thể tạo nên những tác động ngược chiều.

Vấn đề lộ trình và chất lượng tái cơ cấu ngành Ngân hàng được dư luận nói đến nhiều trong thời gian qua. Là người trong cuộc ông có thể chia sẻ cho độc giả suy nghĩ và cảm nhận của mình về vấn đề này?

Tôi cho rằng hệ thống các TCTD đang từng bước được tái cơ cấu theo hướng phát triển ổn định và lành mạnh. Năm 2013 về cơ bản là sắp xếp xong 9 ngân hàng yếu kém này.

Đây mới chỉ là kết quả bước đầu, còn việc nâng cao chất lượng sau tái cấu trúc như lành mạnh tài chính, nâng cao năng lực quản trị nội bộ, quản trị rủi ro, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động... là những bước tiếp theo mà NHNN sẽ chỉ đạo sát các TCTD phải thực hiện trong năm 2014 và những năm tiếp theo.

Về xử lý nợ xấu, các TCTD triển khai quyết liệt, bằng cách tiết giảm chi phí hoạt động, chi phí tiền lương, hạn chế chia cổ tức, lợi nhuận, nâng cao chất lượng nợ, kiểm soát rủi ro tín dụng; cơ cấu lại nợ đối với một số khoản vay của các khách hàng có triển vọng phục hồi và phát triển.

Còn xử lý nợ xấu qua VAMC, đây là vấn đề mới, mặc dù VAMC đã chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7 năm 2013 với nguyên tắc lấy thu bù chi, không vì mục tiêu lợi nhuận, dự kiến sẽ xử lý khoảng 35.000 tỷ đến 40.000 tỷ đồng nợ xấu trong quí 4 năm 2013, là những điểm nhấn về xử lý nợ xấu của hệ thống Ngân hàng Việt Nam.

Chính sách tỷ giá và vàng thời gian qua đi giữa hai luồng quan điểm khen nhiều nhưng cũng có chỗ chưa vừa ý. Ông đánh giá thế nào về sự điều hành của NHNN?

Không thể phủ nhận thị trường ngoại tệ và thị trường vàng đã ghi nhận nhiều cải thiện nhờ chính sách tỷ giá hối đoái hợp lý.

Những biến động bất lợi về tỷ giá, giá vàng trên thị trường ngoại hối đã dần được khắc phục, các giao dịch ngoại hối đã được thông suốt, tình trạng đô la hóa giảm dần (đến cuối tháng 6/2013, tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ/tổng phương tiện thanh toán khoảng 11,82%, giảm so với mức 12,36% vào cuối năm 2012 và 15,84% vào thời điểm cuối năm 2011).

Cung cầu ngoại tệ trên thị trường cơ bản được giữ ở trạng thái cân bằng, chỉ có một vài thời điểm trong tháng 5 và 6 tỷ giá tăng do yếu tố tâm lý.

Diễn biến của thị trường ngoại hối cho thấy, các biện pháp điều hành của NHNN đã đi đúng hướng, nhất quán kết hợp đồng bộ giữa chính sách tỷ giá với chính sách lãi suất cùng các biện pháp hạn chế đối tượng vay ngoại tệ cũng như thực hiện kỷ cương trên thị trường ngoại hối, dự trữ ngoại hối tăng lớn, đạt 2,7 tháng nhập khẩu. Nhập siêu 9 tháng đầu năm 2013 là 124 triệu USD.

Thị trường vàng cũng đã ghi nhận những thành công bước đầu. Thị trường vàng miếng đã dần ổn định, không còn xảy ra các cơn sốt giá vàng.

Việc chấm dứt huy động, cho vay bằng vàng, sang quan hệ mua bán vàng đã giúp loại bỏ một số rủi ro liên quan đến cho vay vàng của các TCTD. Khi thị trường vàng dần đi vào ổn định, cũng giúp loại trừ các tác động tiêu cực của thị trường này tới tỷ giá và thị trường ngoại hối.

Theo ông, có những thách thức lớn nào sẽ được đặt ra đối với chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới?

Tôi cho rằng thách thức đáng lo nhất là tăng trưởng kinh tế chậm lại, dễ tạo sức ép tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, sẽ tạo áp lực lạm phát và làm xói mòn các kết quả mong manh mới đạt được thời gian qua.

Nhìn lại 8 tháng qua, tuy tăng trưởng tín dụng đã khá hơn mức tháng 7/2013, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán là 8,2%, nhưng cũng chưa được như kỳ vọng của nền kinh tế. Nguyên nhân của thực trạng này là do cầu tín dụng thấp, trong khi hàng tồn kho dù đã có cải thiện song vẫn còn rất lớn.

Hiện lãi suất cho vay đã giảm rất nhiều, ví dụ lãi suất trung, dài hạn một số ngân hàng hiện chào chỉ còn 10-12%/năm nhưng khả năng hấp thụ vốn rất thấp.

Sự luân chuyển vốn chưa thông suốt, do mắc nợ xấu với ngân hàng không dễ trả được, kể cả phát mại tài sản bảo đảm, khiến cho các ngân hàng cũng thận trọng hơn trong việc mở rộng tín dụng.

Tính đến 31/8/2013, dư nợ tín dụng ngân hàng chỉ tăng 6,45%, mặc dù các NHTM đã hạ thấp mức lãi suất cho vay, thiết kế nhiều gói lãi suất cho vay ưu đãi để cung cấp cho các đối tượng khách hàng, song việc mở rộng tín dụng gắn với nâng cao chất lượng khoản vay vẫn rất khó khăn.

Trong bối cảnh này, những tháng còn lại của năm 2013 và năm 2014 tiếp theo, các công cụ chính sách tiền tệ sẽ cần được điều hành một cách chủ động nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tiếp tục kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tỷ giá, đẩy mạnh tái cơ cấu các NHTM, nâng cao năng lực tài chính cho các NHTM hoạt động tốt, xử lý nợ xấu để đẩy nhanh dòng vốn trên thị trường,

Về chính sách lãi suất và tỷ giá, cần đảm bảo điều hành các mức lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, điều kiện của thị trường tiền tệ, đặc biệt là diễn biến lạm phát. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa điều hành tỷ giá và lãi suất theo hướng khuyến khích nắm giữ VND, hạn chế sự dịch chuyển sang USD, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp xuất khẩu.

Xin cảm ơn ông!

Theo Minh Ngọc

hanhle

Thời báo Ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên