Gói kích cầu thứ hai về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức,
cá nhân vay vốn trung, dài hạn ngân hàng bằng đồng Việt Nam để thực hiện đầu tư
mới phát triển sản xuất - kinh doanh, kết cấu hạ tầng được Chính phủ đưa ra sau
khi nhận thấy nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp còn khá lớn.
Tuy nhiên, hiện có
ý kiến cho rằng, không nên tiếp tục nâng đỡ những doanh nghiệp đang hấp hối
thông qua gói hỗ trợ lãi suất, mà nên chấp nhận loại bỏ doanh nghiệp yếu kém khỏi
"cuộc chơi" bằng cách cho giải thể hoặc phá sản…, nên sàng lọc doanh
nghiệp trước khi quyết định cho vay.
Theo ông Nguyễn Hữu Lãm, Trường đại học kinh tế TP. HCM,
doanh nghiệp hiện nay vẫn còn tư duy không rời Chính phủ, vì vậy gói kích cầu
hiện nay không nên giúp doanh nghiệp yếu kém do bản chất yếu kém; nếu tạm thời
yếu kém thì mới hỗ trợ, chứ không nên hỗ trợ dàn đều, bởi như thế rất dễ nảy
sinh tiêu cực.
TS. Đinh Văn Ân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế
Trung ương cũng cho rằng, trong cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải chấp nhận
loại bỏ những doanh nghiệp yếu kém ra khỏi thị trường thông qua giải thể, phá sản.
Theo ông Ân, sẽ rất sai lầm nếu chúng ta tiếp tục nâng đỡ để các doanh nghiệp
này thoi thóp thêm một thời gian nữa…
Trao đổi về vấn đề này, ông Trương Đình Tuyển, thành viên Hội
đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia chia sẻ, có một số ý kiến
cho rằng, thời điểm này giống như sự "phá hoại mang tính sáng tạo", tức
là để vượt qua khó khăn, nhất thiết phải có doanh nghiệp phá sản.
"Tôi
không hoàn toàn đồng ý với quan điểm này", ông Tuyển nói và cho biết, đúng
là doanh nghiệp yếu kém thì chúng ta không nên hỗ trợ, nhưng chúng ta phải đánh
giá, doanh nghiệp yếu kém do cơ chế, chính sách của chúng ta không?
Thời điểm
trước đây, để giảm lạm phát, chúng ta thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ
khiến lãi suất cho vay bị đẩy lên 21%/năm. Với mức lãi suất này thì doanh nghiệp
không thể sống được. Nếu để doanh nghiệp chết trong tình huống này là chúng ta
đã đẩy trách nhiệm về phía họ.
"Quan điểm của tôi là nếu có sự phá hoại sáng tạo thì
phải làm trong một cơ chế cạnh tranh lành mạnh. Tôi đồng ý với cách thức của
Chính phủ là hỗ trợ doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng của đợt thắt chặt tiền tệ
trước đây và hậu quả của cuộc suy thoái kinh tế đang diễn ra", ông Tuyển
nói.
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách
tài chính - tiền tệ quốc gia, nếu doanh nghiệp "còn nước" thì chúng
ta "còn tát", nếu không hỗ trợ được nữa thì thôi, chứ sắp chết rồi
cũng phải cố cứu.
Vì vậy, doanh nghiệp nào đáp ứng đủ điều kiện vay vốn thì
ngân hàng cho vay; vay qua kênh ngân hàng với các điều kiện khắt khe như hiện
nay cũng là sàng lọc rồi.
Không hạ thấp điều kiện cấp tín dụng cho bất kỳ gói lãi suất
nào vẫn là yêu cầu tiên quyết của ngân hàng trong bối cảnh hiện nay. Theo ông
Nguyễn Viết Mạnh, Phó tổng giám đốc Vietinbank, hỗ trợ lãi suất để đầu tư mới
phát triển sản xuất - kinh doanh là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm hạn chế
suy giảm kinh tế, kích thích phát triển sản xuất - kinh doanh, giảm chi phí đầu
tư, tăng tài sản cố định và năng lực cạnh tranh, tạo việc làm…
Tuy nhiên, các
đơn vị trong hệ thống của Vietinbank phải xác định đúng đối tượng khách hàng được
vay vốn hỗ trợ lãi suất, thẩm định kỹ dự án để tránh trường hợp lợi dụng vốn
vay để triển khai dự án kém hiệu quả và tuyệt đối không được hạ thấp điều kiện
cấp tín dụng.
Ông Nguyễn Đức Hưởng,
Tổng giám đốc LienVietBank cũng yêu cầu Sở giao dịch và các chi nhánh từ chối
khoản vay không đúng đối tượng và sai mục đích.
Ngân hàng này nghiêm cấm việc
cho vay mới để trả nợ khoản vay cũ và yêu cầu toàn thể chi nhánh và Sở giao dịch
phải thực hiện kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo cho vay hỗ
trợ lãi suất theo đúng quy định của pháp luật.
Đặc biệt, các chi nhánh và Sở
giao dịch phải thường xuyên kiểm tra sau khi cho vay để phát hiện kịp thời những
trường hợp sử dụng vốn vay không đúng mục đích.
Theo Gia Linh
ĐTCK