MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hồi hộp đón làn sóng vốn mới

12-01-2014 - 07:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Nếu như làm công tác điểm danh đầu năm, ngân hàng GP bank sẽ khai mào cho làn sóng M&A năm 2014.

Tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài được nâng lên 20% thay vì 15% như cũ. Nhiều chuyên gia kỳ vọng việc nới room vốn ngoại (khối lượng chứng khoán mà nhà đầu tư nước ngoài được phép mua) có thể giúp ngân hàng nội đón được một làn sóng vốn mới. Từ đây, để nâng cao chất lượng quản trị ngân hàng.

Làm nóng M&A - mua bán và sáp nhập

Theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP, về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần của tối đa một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước đã được nâng lên 20%vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng Việt Nam. Theo quy định cũ, tỷ lệ này là 15%, trong trường hợp đặc biệt, con số này là 20% với điều kiện được sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ. Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng nội. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, để phục vụ mục đích tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, tỷ lệ này sẽ được cho phép vượt quá giới hạn quy định. Mức vượt cụ thể sẽ được Thủ tướng quy định trong từng trường hợp cụ thể.

Nhiều ý kiến lạc quan, việc tăng room vốn ngoại này sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng nội, góp phần xử lý nợ xấu. Trong bối cảnh nợ xấu sắp tăng lên do NHNN thực hiện Thông tư 02 về phân loại nợ xấu vào giữa năm 2014, bán vốn cho nhà đầu tư ngoại để có thêm nguồn lực xử lý nợ xấu cũng là mong muốn của nhiều ngân hàng nội.

Hoạt động mua bán, góp cổ phần của nhà đầu tư ngoại đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng vẫn được xem là khá mới mẻ ở Việt Nam. Thương vụ đình đám nhất được nhắc đến là Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) bán 645 triệu cổ phiếu cho đối tác Bank of Tokyo – Mitsubishi UFJ (BTMU) của Nhật Bản, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) phát hành 30% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài là Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) và Ngân hàng Maybank… Ngoài ra, trong con mắt của giới đầu tư, việc tham gia liên kết với ngân hàng được nhìn nhận gia tăng hiệu quả kinh doanh.

Ngân hàng ngoại có thể giúp ngân hàng nội xử lý được nợ xấu hiệu quả hơn, nhanh hơn.Các chuyên gia phân tích, muốn xử lý nợ xấu cần rất nhiều nguồn vốn, cần kinh nghiệm. Các ngân hàng ngoại khi tham gia sâu vào hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ dần hình thành lối kinh doanh và quản trị hoàn toàn mới. Điều này sẽ giúp giảm tính rủi ro của hệ thống ngân hàng.

Theo dự báo của Công ty Stox Plus, hoạt động M&A năm 2014 ngân hàng sẽ tiếp tục sôi động do số lượng ngân hàng thương mại sẽ được giảm còn 13 - 15 vào năm 2017. Quan trọng hơn việc nới room cổ phần sở hữu của đối tác ngoại với các ngân hàng yếu kém sẽ thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài trong thị trường mua bán – sáp nhập Việt Nam.

Và nếu như làm công tác điểm danh đầu năm, ngân hàng GP bank sẽ khai mào cho làn sóng M&A năm 2014. Khi Tập đoàn UOB (Singapore) đã được NHNN cho phép tiếp cận để nắm bắt tình hình sức khỏe của GPBank trước khi thảo luận về giá cả. Đến thời điểm này, khâu đàm phán đã cơ bản hoàn tất.

Sẽ có nhiều ông chủ mới

Mới đây, sau khi sạch bóng vốn ngoại (do ngân hàng Oversea-Chinese bán toàn bộ 15% vốn điều lệ), VPBank tuyên bố đang tìm kiếm cổ đông chiến lược nước ngoài mới. Tổng giám đốc VPBank Nguyễn Đức Vinh cho biết, hiện đã có một số nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng quan tâm, tiếp xúc và thương thảo với VPBank.

Một trường hợp khác cũng đang xúc tiến bán 30% vốn cho nước ngoài là HDBank. Với số vốn điều lệ lên tới 8.100 tỷ đồng (sau khi sáp nhập DaiAbank), nếu bán 30% vốn cho nước ngoài, đây sẽ là thương vụ khủng. HDBank sẽ bán cổ phần chiến lược cho nhà đầu tư đến từ Nhật Bản. Có khả năng, thương vụ sẽ diễn ra trong năm 2014. Nhiều ngân hàng khác cũng đang lặng lẽ tìm đối tác ngoại.

Xu hướng mượn lực cũng là cách mà nhiều doanh nghiệp nói chung cũng như hệ thống tổ chức tín dụng đang thực hiện. Từ chuyện tìm nhà đầu tư chiến lược, sẽ mở ra những cơ hội mới trong chuyển giao công nghệ, lẫn con người. Tận dụng lợi thế nhà đầu tư ngoại là việc được ưu tiên.

TS Vũ Đình Ánh nói, hệ thống tài chính đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nhưng khá nhạy cảm nên việc chọn nhà đầu tư ngoại nào cũng cần được cân nhắc. Theo đó phải đảm bảo tính an toàn cho hệ thống và lợi ích người gửi tiền.

Theo Hồ Hương

hangnt

Đại đoàn kết

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên