MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hội nhập trong ngành ngân hàng với Cộng đồng kinh tế ASEAN

10-11-2014 - 16:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Cũng giống như với hội nhập trong các ngành nghề và lĩnh vực khác, việc cho phép các ngân hàng hoạt động xuyên khu vực sẽ giúp chúng có được lợi thế kinh tế quy mô để tăng tính hiệu quả và giảm chi phí hoạt động.

TS. Phan Minh Ngọc
TS. Phan Minh Ngọc
Công tác tại Singapore
211 bài viết

Theo kế hoạch, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) sẽ có hiệu lực vào năm 2015. AEC sẽ tự do hóa lưu chuyển lao động lành nghề, vốn và hàng hóa trong khu vực ASEAN. Các rào cản pháp lý về ngăn cản ngân hàng của một nước thành viên ASEAN khác hoạt động trên lãnh thổ của nước thành viên ASEAN khác cũng sẽ được dỡ bỏ.

Cũng giống như với hội nhập trong các ngành nghề và lĩnh vực khác, việc cho phép các ngân hàng hoạt động xuyên khu vực sẽ giúp chúng có được lợi thế kinh tế quy mô để tăng tính hiệu quả và giảm chi phí hoạt động. Sự thâm nhập của các ngân hàng trong khối vào thị trường nội địa của một quốc gia sẽ làm tăng mức độ cạnh tranh, dẫn đến giảm giá phí và đa dạng hóa các loại sản phẩm và dịch vụ ngân hàng ở quốc gia đó. Đồng thời, cạnh tranh khốc liệt hơn sẽ buộc các ngân hàng phải tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, bằng cách mở rộng hoạt động về nông thôn, vùng sâu và vùng xa, vốn thường là những “điểm trắng” về dịch vụ ngân hàng. Đến lượt mình, sự hiện diện nhiều hơn của các ngân hàng ở nông thôn, vùng sâu và vùng xa sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương nói riêng và cả nước nói chung.

Tuy vậy, trong khi lĩnh vực thương mại đã có những bước tiến đáng kể hướng đến AEC, hội nhập trong ngành ngân hàng vẫn khá chậm chạp, và mức độ hội nhập cũng còn rất hạn chế. Thị phần tài sản ngân hàng của khối ASEAN do các ngân hàng nội khối nắm giữ nhìn chung vẫn còn nhỏ hơn thị phần nắm giữ bởi các ngân hàng nước ngoài. Ví dụ, chỉ có 15% tài sản ngân hàng của Indonesia được nắm giữ bởi các ngân hàng trong khối ASEAN. Con số này ở các nước khác thấp hơn nhiều, trong trường hợp đáng kể nhất là Malaysia thì cũng chỉ có 9% tài sản ngân hàng nước này có chủ sở hữu là các ngân hàng trong khối ASEAN.

Trong nội bộ khối thì các ngân hàng của Singapore và Malaysia rất tích cực mở rộng phạm vi hoạt động của mình ở các nước thành viên ASEAN khác. Trong khi đó thì mức độ thâm nhập thị trường ngân hàng nội khối bởi ngân hàng của các nước ASEAN khác, gồm có Việt Nam, có thể nói là không đáng kể, với số lượng chi nhánh ở các nước khác có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhưng có thể kỳ vọng rằng khi thương mại và đầu tư nội khối tăng lên sẽ kích thích nhiều ngân hàng khác mở rộng hoạt động của mình ra phạm vi khối để phục vụ khách hàng của mình tốt hơn và đồng thời nắm bắt thêm được nhiều cơ hội kinh doanh mới.

Dẫu vậy, cũng cần lưu ý rằng mặc dù thị phần tài sản ngân hàng do các ngân hàng nội khối nắm giữ vẫn còn tương đối nhỏ, thị phần này không phải là nhỏ nếu so với của các ngân hàng châu Âu hoạt động trong 5 nước EU chính, là những ngân hàng được hưởng lợi lớn từ thị trường chung EU. Điều này cho thấy nếu chỉ hạ thấp hoặc bãi bỏ rào cản pháp lý trong hoạt động ngân hàng nội khối thì việc này cũng chưa đủ để mang lại sự hội nhập nội khối sâu hơn.

Thông thường, những ngân hàng đã bắt rễ sâu rộng trong nền kinh tế một nước nào đó thì vị trí của nó trên thị trường thường khó có thể bị thách thức bởi những đối thủ mới, nhất là từ nước khác đến. Trên giác độ này thì các ngân hàng Singapore có thể nói là bất khả chiến bại do đã thống trị hệ thống ngân hàng phát triển ở trình độ rất cao của nước này, với 3 ngân hàng lớn nhất Singapore cùng nhau kiểm soát tới khoảng 80% tổng tài sản ngân hàng của Singapore.

Ngược lại, các ngân hàng ở trình độ phát triển thấp hơn trong một thị trường có quy mô dân số lớn hơn, như của Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam, chưa kể các ngân hàng ở những nước yếu nhất trong khối như Lào, Campuchia và Myanmar, chắc chắn sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn từ các ngân hàng trong khác trong khối. Cho dù có tăng trưởng khá nhanh với một số ngân hàng dẫn đầu nhưng nhìn chung hệ thống ngân hàng của các nước này khá phân tán với 3 ngân hàng lớn nhất trong hệ thống thường chỉ chiếm khoảng 1/3 tài sản toàn hệ thống.

Khi các rào cản pháp lý được dỡ bỏ, sự cạnh tranh lớn hơn đến từ các ngân hàng nội khối khác sẽ buộc các ngân hàng trong nước phải sáp nhập, hợp nhất để trở nên mạnh hơn, chiếm được thị phần cao hơn nhằm bảo vệ được vị trí của mình trước sức lấn lướt từ các ngân hàng khác trong khối. Làn sóng sáp nhập và hợp nhất đã, đang và sẽ không chỉ diễn ra ở những nước thành viên yếu hơn như Việt Nam với hệ thống ngân hàng cần phải và đang được tích cực dọn dẹp, mà còn ở những nước ở tốp đầu trong khối như Malaysia với một vài vụ sáp nhập mà gần đây nhất là giữa CIMB Bank, RHB Bank và Malaysian Building Society để tạo ra một ngân hàng còn lớn hơn cả Maybank, hiện đang là ngân hàng lớn nhất Malaysia. Tầm vóc mới của ngân hàng sau sáp nhập không những sẽ giúp nó kiểm soát và bảo vệ được thị phần của mình trong nước mà còn tạo thêm nguồn lực để bành trướng ra các nước khác trong khối.

Nhưng cần lưu ý, hội nhập kinh tế với sự ra đời của AEC không chỉ mang đến những lợi ích như thêm cơ hội kinh doanh, giảm chi phí và giá, đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ ngân hàng, tăng cường độ bao phủ về mặt địa lý của hệ thống ngân hàng lên khắp các vùng trong cả nước và ở cả nước ngoài, hội nhập sâu rộng hơn trong ngành ngân hàng còn mang đến nhiều rủi ro hơn. Dễ thấy trước nhất là rủi ro của đổ vỡ hệ thống khi một ngân hàng nào đó ở nước nào đó đối mặt với khủng hoảng, cơn khủng hoảng có thể dễ dàng lan tỏa xa hơn và sâu hơn đến hệ thống ngân hàng ở các nước khác trong khối. Bởi vậy, chính phủ của các nước thành viên ASEAN chắc chắn sẽ phải phối hợp và làm việc chặt chẽ với nhau để hoàn thiện khuôn khổ giám sát và chế tài để xử lý tình huống lây lan khủng hoảng. Về phần mình, mỗi chính phủ phải sẵn sàng đương đầu với những thách thức mới và phức tạp trong việc giám sát các ngân hàng có hoạt động trên khắp lãnh thổ ASEAN.


TS PHAN MINH NGỌC

hangnt

Tài chính Plus

Trở lên trên