MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hy sinh lãi suất có “cứu” được tỷ giá?

23-12-2015 - 09:25 AM | Tài chính - ngân hàng

Quyết định đưa lãi suất tiền gửi USD xuống 0% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sau quyết định tăng lãi suất của Fed đã không làm giảm áp lực tăng tỷ giá của thị trường mà còn phát sinh thêm hệ lụy khác, đó là lãi suất VND đang tăng lên.

Tuyên bố “cứng” về việc tỷ giá sẽ không điều chỉnh trong trước quý I/2016 khiến cho NHNN tự đẩy mình vào thế khó khi phải đối mặt với hai áp lực của thị trường, đó là áp lực điều chỉnh tỷ giá và tăng lãi suất . Theo nhận định của nhiều chuyên gia, thời điểm này, NHNN sẽ chọn tỷ giá và chấp nhận hy sinh lãi suất.

Sở dĩ NHNN chọn tỷ giá vì trong năm 2015 mức độ điều chỉnh thực tế của tỷ giá đã lên 5% (điều chỉnh tỷ giá 3% và nới biên độ lên +/-3), trong khi quota đặt ra là 2%. Có nghĩa NHNN đã vượt trần.

Lãi suất huy động “vào mùa” tăng giá

Trong khi đó, lãi suất lại đang ở mức thấp và trở về mặt bằng của năm 2007 với lãi suất huy động VND ở mức 4- 7%, cho vay ngắn hạn từ 7- 9%, vay trung và dài hạn 9 - 11%/năm. Nên để tăng lãi suất một chút vào thời điểm cuối năm cũng có thể chấp nhận được. Đằng nào lãi suất cuối năm cũng tăng lên do nhu cầu vốn của thị trường tăng mạnh theo chu kỳ.

Diễn biến lãi suất huy động trên thị trường mấy ngày qua cũng cho thấy xu hướng đó. Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động lên một cách chính thức hoặc không chính thức.

Theo báo cáo của NHNN, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND đang phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Tuy nhiên, nhiều ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động. Cụ thể, ngày 21/12, VPBank đã điều chỉnh tăng thêm 0,3%/năm đối với lãi suất huy động ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, ở kỳ hạn 1 -2 tháng lên 5,1%/năm, 3 tháng lên mức 5,3%/năm, 12 tháng lên mức 7%/năm.

Trước đó, Sacombank cũng đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động với mức tăng khoảng 0,3% ởkỳ hạn gửi từ 1-2 tháng, tăng 0,1%/năm đối với kỳ hạn 3-5 tháng.

Eximbank cũng đã điều chỉnh tăng thêm 0,1% lãi suất huy động ở các kỳ hạn 1, 2 và 6 tháng, lên lần lượt 4,5%/năm, 4,6%/năm và 5,5%/năm.

ABBank cũng điều chỉnh tăng thêm 0,2% lãi suất huy động ở các kỳ hạn 1, 2, 3 và 12 tháng với mức tương ứng là 4,9%/năm, 5,1%/năm và 6,9%/năm.

Ngoài ra, một số ngân hàng còn khuyến khích cộng thêm 0,2% lãi suất khi gửi tiết kiệm trực tuyến so với lãi suất hiện hành.

Cụ thể như Eximbank vừa tăng lãi suất vừa cộng thêm lãi cho khách hàng bán vàng và USD chuyển sang VND và gửi tại ngân hàng với mức thưởng từ 0,1-0,3%/năm tùy theo mức gửi và kỳ hạn gửi.

Lãi suất khó cứu được tỷ giá

Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng dù NHNN có chấp nhận "hy sinh" lãi suất cũng khó cứu được tỷ giá vì áp lực điều chỉnh quá lớn. Sau mấy phiên giảm nhiệt, hôm qua, ngày 22/12 tỷ giá lại tiếp tục tăng trần, trong đó tỷ giá liên ngân hàng tăng 0,15% lên 22.580; cao hơn tỷ giá trần 0,15%. Đây là mức cao nhất của tỷ giá từ đầu năm, cao hơn 5,87% so với mức đáy là 21.329 vào ngày 12/2.

Theo nhận định của CTCK TP.HCM (HSC), hiện tỷ giá đang tăng và khó lòng giảm trở lại; và điều này cho thấy có lẽ NHNN sẽ phải có biện pháp trong những tuần tới trước việc tỷ giá liên tục tăng.

“Việc giảm lãi suất huy động USD về 0% gần đây đã không làm giảm áp lực lên tỷ giá. Có vẻ tỷ giá đồng Nhân dân tệ đang được theo dõi sát sao. Cho dù vậy NHNN vẫn muốn giữ ổn định tỷ giá vào cuối năm và do đó trước mắt chúng tôi cho rằng sẽ chưa có động thái (điều chỉnh tỷ giá) đáng kể nào”, HSC bình luận.

Thay vào đó, NHNN có lẽ sẽ tiếp tục chính sách bơm thanh khoản ngoại tệ và sử dụng biện pháp hành chính nhằm giữ cho tỷ giá không biến động quá mạnh.

“Tuy nhiên nếu tỷ giá tiếp tục vượt trần trong những tuần tới thì có lẽ chênh lệch giữa tỷ giá liên ngân hàng với tỷ giá trần sẽ nới rộng thêm. Và điều này cho thấy NHNN sẽ có những động thái (điều chỉnh tỷ giá) nhất định vào đầu năm sau”, HSC nhận định.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng việc hiện tượng tăng lãi suất là do yếu tố mùa vụ và diễn ra ở một vài ngân hàng. Hơn nữa, tăng trưởng tín dụng năm nay cũng cao nên ngân hàng cần phải đẩy mạnh huy động.

“Việc tăng lãi suất không liên quan tới áp lực điều chỉnh tỷ giá. Thực tế, việc điều chỉnh lãi suất USD xuống 0% có làm giảm một chút nhưng áp lực tỷ điều chỉnh tỷ giá vẫn còn khá cao. Tuy vậy, đây chỉ là áp lực từ vấn đề tâm lý, chứ quan hệ cung cầu trên thị trường trong nước hiện vẫn đang ổn”, ông Lực phân tích.

Theo TRẦN GIANG

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên