MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khả năng giảm lãi suất đang lớn dần

08-09-2014 - 12:16 PM | Tài chính - ngân hàng

Động thái điều chỉnh giảm lãi suất huy động của một loạt NHTM lớn cũng như các điều kiện hỗ trợ từ môi trường vĩ mô cho thấy khả năng giảm thêm lãi suất đang ngày càng lớn dần.

Khó cho vay, ngân hàng giảm thêm lãi suất

Diễn biến đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây xuất phát từ thực tế một số ngân hàng như Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank đồng loạt công bố giảm lãi suất huy động tiền gửi từ dân cư. Điều đáng nói, đây là lần giảm lãi suất thứ 2 trong năm kể từ đầu tháng 3.2014 trở lại đây. Với các điều chỉnh giảm này, mức lãi suất thấp nhất được BIDV niêm yết chỉ còn 4,5% cho kỳ hạn 1 tháng, tương đương mức giảm tới 1,3% so với đầu năm 2014.

Ở lần điều chỉnh giảm mới đây, động lực điều chỉnh đối với các ngân hàng xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố quan trọng từ kỳ vọng lạm phát cả năm. Cho đến cuối tháng 8.2014, CPI trong tháng này chỉ tăng nhẹ 0,22% và là tháng có mức tăng thấp nhất trong vòng 9 năm gần đây. Với diễn biến này, lạm phát chỉ tăng 4,3% so với cùng kỳ.

Theo đó, đông đảo giới đầu tư cho rằng, kỳ vọng lạm phát cả năm ở mức thấp là cơ sở để các ngân hàng kỳ vọng vào việc giảm lãi suất điều hành của NHNN, trên cơ sở đó điều chỉnh lãi suất đầu vào và giảm dần lãi suất cho vay để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh lãi suất huy động cũng xuất phát từ vấn đề nội tại của các ngân hàng hiện nay, trong đó có thực tế tăng trưởng huy động cao gần gấp 2 lần so với tăng trưởng tín dụng.

Kỳ vọng lớn dần

Chính với các yếu tố trên đây, nhiều tổ chức đầu tư cũng như rất nhiều ngân hàng kỳ vọng rằng, có khả năng rất lớn NHNN sẽ tiếp tục giảm lãi suất với mức giảm từ 0,25-0,5% nhằm kéo giảm mặt bằng lãi suất cho vay, giúp các doanh nghiệp dễ tiếp cận vốn hơn. Kỳ vọng này, theo các đánh giá, có thể dựa trên các cơ sở về môi trường vĩ mô cũng như tình hình thanh khoản hiện tại của các ngân hàng. Cụ thể, môi trường vĩ mô đang hỗ trợ cho tiến trình giảm lãi suất với GDP đang cải thiện theo từng quý, tuy nhiên lạm phát dự tính cho cả năm khoảng 5,5-6% và tỉ giá vẫn nằm trong tầm kiểm soát của NHNN.

Một điểm quan trọng khác, thanh khoản hệ thống hiện đang trong trạng thái khá dồi dào với tỉ lệ cấp tín dụng so với nguồn vốn huy động (tỉ lệ sử dụng LDR) tính đến ngày 30.6.2014 giảm mạnh xuống 82,3% từ mức 91,6% vào cuối năm 2013. “Do đó việc hạ lãi suất có thể được xem xét nhằm giảm lãi suất cho vay, kích thích tăng trưởng tín dụng” – một tổ chức tài chính đưa đánh giá.

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia khi đánh giá về tình hình kinh tế 8 tháng đầu năm cũng nhìn nhận rằng, trái ngược với mức tăng thấp của huy động vốn, tăng trưởng tín dụng mặc dù có chuyển biến song vẫn thấp và tính đến cuối tháng 7, mức tăng cho vay toàn hệ thống mới đạt được con số 3,7% và thấp hơn mức tăng cùng kỳ 2013 là 4,7%. Cơ quan giám sát cũng cho rằng, do giữa tăng đầu tư tư nhân và tăng tín dụng có mối quan hệ chặt chẽ nên việc tín dụng tăng thấp có thể xem là nguyên nhân quan trọng khiến đầu tư tư nhân ở mức thấp.

Đối với khả năng giảm lãi suất trong tương lai gần, tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia chỉ ra rằng, trong tháng 8, lạm phát cơ bản là 3,34%, thấp hơn lạm phát tổng thể 4,31% và cũng thấp hơn lạm phát cơ bản của cùng kỳ năm ngoái là 4,43%. Theo đó cơ quan này đề xuất, căn cứ vào diễn biến của lạm phát, có thể điều chỉnh mặt bằng lãi suất sao cho vừa tạo điều kiện để doanh nghiệp cắt giảm chi phí vốn, vừa không làm suy giảm năng lực tài chính của các TCTD. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu trong hệ thống ngân hàng, cùng với việc sử dụng các quỹ hỗ trợ bảo lãnh doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh việc thực hiện mục tiêu tín dụng của cả năm 2014.


>>> "Tỉnh" với lãi suất vay ngân hàng

Theo Văn Nguyễn

hangnt

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên