MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khó hạ lãi suất vì xăng tăng, điện tăng, tỷ giá tăng

26-05-2015 - 08:20 AM | Tài chính - ngân hàng

Giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp trung dài hạn thêm 1 – 1,5% là nhiệm vụ được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đặt ra trong năm nay. Tuy nhiên, với các diễn biến kinh tế vĩ mô gần đây, nhiệm vụ này liệu có khả thi hay không?

  • Việc độc quyền cho SJC làm thương hiệu vàng quốc gia dẫn đến thiếu sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Cụ thể, người dân phải bán vàng miếng các thương hiệu vàng khác mà họ đã mua nắm giữ từ bao lâu với giá rẻ hơn vàng SJC, mặc dù chất lượng như nhau
  • “Việc đầu tư tài chính hiện nay càng phải thận trọng hơn bao giờ hết. Nhà đầu tư chưa am hiểu chứng khoán, còn trái phiếu doanh nghiệp chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, bất động sản đóng băng; nếu lựa chọn an toàn, nhà đầu tư có thể chọn gửi tiết kiệm ngân hàng

Giá xăng, giá điện tăng ảnh hưởng trực tiếp đến hạ lãi suất

Tại Việt Nam có một thực trạng khá phổ biến, đó là sự tăng giá của những loại mặt hàng, vật tư quan trọng như điện hoặc xăng dầu sẽ tác động tới tâm lý chung của xã hội khiến giá cả các mặt hàng khác tăng theo và tác động làm tăng lạm phát. Theo lý thuyết, khả năng giảm lãi suất lại tỷ lệ nghịch với đà tăng của lạm phát.

Để có thể giảm lãi  cho vay doanh nghiệp thì lãi suất huy động cũng cần được giảm theo. Từ đầu năm, việc lạm phát của Việt Nam ở mức thấp được đánh giá là điều kiện quan trọng để giảm mặt bằng lãi suất bởi hai yếu tố này luôn có mối quan hệ mật thiết. Tuy nhiên, trong hai tháng trở lại đây, CPI đang có những dấu hiệu tăng trưởng trở lại, đến cuối tháng 4 tăng 0.99% sv cùng kỳ. Nguyên nhân chính trong đó là do giá điện và giá xăng tăng.

Bên cạnh hai yếu tố này, thì tỷ giá cũng đã được điều chỉnh tăng 1% vào đầu tháng 5. Và để hiểu rõ hơn tác động của những yếu tố này đến khả năng giảm lãi suất. Ông Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế cho biết: “Khi giá thế giới tăng cao, đồng thời chúng ta không lường tính được giá tăng cao như vậy, lại tăng thuế bảo vệ môi trường với mức cao lên 3.000 đồng, đã đẩy giá xăng dầu trong nước lên. Mà trong bối cảnh hiện nay giá dầu và giá điện tăng thì chắc chắn tác động đến lạm phát, mà điều hành lãi suất là theo lạm phát, lạm phát bao nhiêu sẽ điều hành lãi suất tương ứng bấy nhiêu”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long. 

Áp lực lạm phát gần đây đến đặc biệt từ giá điện và giá xăng dầu được điều chỉnh tăng lên. Vì vậy mà việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN từ nay đến cuối năm sẽ khó khăn hơn, đặc biệt về mặt lãi suất. Bên cạnh sự tăng giá của hai loại mặt hàng này, việc tăng tỷ giá vừa qua cũng tác động không tích cực lên khả năng giảm lãi suất, cũng như làm tăng giá hàng hóa nhập khẩu tính bằng VND (trong đó có cả xăng dầu nhập khẩu). Động thái này sẽ buộc NHNN phải thận trọng trong việc hạ lãi suất.

Ông Nguyễn Đức Độ, Phó viện trưởng viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính nói: “Ảnh hưởng của tỷ giá đến lãi suất thì tôi nghĩ là có, theo tính toán của tôi thì điều chỉnh tỷ giá 1% thì mặt bằng lãi suất sẽ tăng lên cỡ khoảng 0,3 – 0,4%, trong điều kiện các yếu tố hiện nay không thay đổi. Giá xăng dầu sẽ phụ thuộc vào tỷ giá, bởi vì xăng dầu của chúng ta là nhập khẩu, cho nên khi tỷ giá tăng thì cũng gầy áp lực lên giá xăng dầu phải tăng lên”.

Không những vậy trong thời gian tới, nếu áp lực phá giá VND còn tiếp tục dồn nén do nhập siêu tiếp diễn, USD tiếp tục lên giá so với các bản tệ trên thế giới thì khả năng phá giá VND là không thể loại trừ. Nếu như vậy, mặt bằng lãi suất khó có cơ hội điều chỉnh giảm.Tại thời điểm hiện tại, những diễn biến từ thị trường thế giới cũng như thị trường trong nước đang khiến cho nhiệm vụ giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn với hệ thống ngân hàng Việt Nam và đặt thêm một gánh nặng lên sự điều hành chính sách tiền tệ.

Giảm lãi suất – cần thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp

Trước hết đối với tình trạng giá cả leo thang do ảnh hưởng tâm lý từ việc tăng giá xăng dầu và giá điện, Bộ Tài chính cần phải sớm ban hành những cơ chế xử lý và quản lý thật chặt chẽ việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí đối với những hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, kiên quyết dừng các trường hợp kê khai tăng giá không phù hợp với tác động của yếu tố đầu vào và mặt bằng giá cả thị trường.

Khi điện tăng, xăng tăng sẽ có rất nhiều các mặt hàng khác tăng, đấy là một hệ quả tất yếu của thị trường Việt Nam. Ông Ngô Trí Long cho rằng: “Ví dụ điện, xăng tăng thì người ta sẽ té nước theo mưa, đó là một hiện tượng phổ biến hiện nay. Vì vậy các cơ quan chức năng phải có trách nhiệm kiểm soát, thanh tra. Loại mặt hàng nào tăng bất hợp lý thì phải có chế tài xử phạt thật nghiêm, kiểm soát chặt chẽ. Có như vậy mới ngăn được lạm phát có những biến động mạnh”.

Riêng đối với hệ thống ngân hàng, để có thể giảm lãi suất cho vay, bản thân các ngân hàng thương mại cần tiết giảm chi phí hoạt động, hoặc NHNN cần áp dụng những biện pháp để tăng cường thanh khoản cho hệ thống.

Câu hỏi được đặt ra vào lúc này làm thế nào để có thể hạ lãi suất? được sự quan tâm rất lớn từ phía người dân và doanh nghiệp. Theo ông Nguyễn Đức Độ: "Mặt bằng lãi suất trong thời gian tới vẫn có thể giảm nhờ vào những chính sách khác của NHNN, chẳng hạn như NHNN có thể mua nhiều trái phiếu hơn, qua đó giảm lãi suất trên thị trường mở và từ đó tạo ảnh hưởng để các tổ chức tín dụng dư dả thanh khoản hơn thì họ sẽ hạ lãi suất huy động và lãi suất cho vay, còn các ngân hàng tiết giản được chi phí quản lý thì họ cũng sẽ có thể có điều kiện để giảm lãi suất”.

Mục tiêu giảm lãi suất cho vay thêm 1 – 1,5% không phải không thể một khi các giải pháp điều hành đồng bộ được kỳ vọng sẽ giúp ổn định các yếu tố kinh tế vĩ mô từ nay tới cuối năm. Khi thanh khoản của các ngân hàng thương mại trở lại một cái sức khỏe như xưa thì lãi suất lúc đó sẽ có những điều chỉnh hợp lý. Điều quan trọng nhất là nợ xấu, đây là sự cản trở rất lớn đối với việc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN mà đặc biệt trực tiếp đến điều hành lãi suất.

Kỳ vọng giảm lãi suất: Chuyện khó!

Theo Duy Khương

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên