Không vội được đâu!
Sức ép giải ngân gói tín dụng hỗ trợ nhà ở xã hội 30 nghìn tỷ đang lớn dần. Trên các diễn đàn, phát biểu của quan chức Chính phủ, bộ, ngành liên tục được phát đi trong ít ngày gần đây.
Ở phía ngành Ngân hàng, một số chuyên gia bắt đầu lo lắng hơn với khả năng tín dụng có thể khó kiểm soát nếu dòng tiền đi ra chỉ vì không chịu được sức ép nói trên. Bởi lịch sử đã từng ghi nhận những bài học khi ngành Ngân hàng nỗ lực đẩy nhanh gói kích thích kinh tế năm 2009. Khi đó, một số ngân hàng đã bị “xuất toán” khoản vay, thu hồi phần hỗ trợ lãi suất do “cho vay không đúng quy định”.
4 năm trước, ngày 23/1/2009 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 131/QĐ-TTg về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất kinh doanh. Khi đó, khả năng can thiệp chính sách còn lớn, việc nền kinh tế tăng trưởng chậm lại quá nhiều là chuyện khó chấp nhận với cả xã hội. Vì vậy, các quyết sách được ban hành rất nhanh chóng. Rất nhanh sau đó, ngày 3/2/2009, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có Thông tư số 02/2009/TT-NHNN quy định chi tiết thi hành quyết định nói trên.
Theo đó, các tổ chức, cá nhân vay vốn ngắn hạn để lưu động sản xuất kinh doanh sẽ được vay vốn tối đa 8 tháng với mức lãi suất hỗ trợ là 4%/năm cho thời hạn vay trong năm 2009 và được giảm trừ ngay trong quá trình trả lãi. Với khoảng 1 tỷ USD dành cho việc này, tương đương 17.000 tỷ đồng, ước tính có khoảng 640.000 tỷ đồng vốn vay được hỗ trợ lãi suất. Đây gần như là toàn bộ số vốn vay ngắn hạn mà các tổ chức, cá nhân cần làm vốn lưu động sản xuất kinh doanh lúc bấy giờ.
Sang năm 2010, kết quả nghiên cứu “Ảnh hưởng của chính sách hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động của các doanh nghiệp” của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đưa kết luận về tác động có thể đo đếm được của gói kích thích kinh tế khi đó. Các tác giả..., Tô Trung Thành, Edmund Malesky, Nguyễn Đức Thành cho rằng, gói hỗ trợ lãi suất 4% đã giúp các doanh nghiệp giải quyết được sự khan hiếm vốn lưu động, mạnh dạn vay vốn sản xuất, mở rộng đầu tư và nhờ đó đạt được kết quả kinh doanh khả quan hơn.
Tuy nhiên, khoảng cuối năm 2010, đầu năm 2011, Thanh tra Chính phủ đã kết luận sai phạm trong cho vay hỗ trợ lãi suất tại 5 NHTM.
Đáng chú ý là tại kết luận thanh tra khi đó xác định có tình trạng DN vay hỗ trợ lãi suất nhưng mang đi gửi tiết kiệm lấy chênh lệch lãi suất (hơn 15.235 tỷ đồng và gần 31 triệu USD); một số DN vay vốn để kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng có nguồn gốc nhập khẩu; một số DN vay hỗ trợ lãi suất tại nhiều ngân hàng; DN vay thanh toán mua hàng nhưng không thực hiện giao dịch này...
Theo một lãnh đạo ngân hàng vi phạm ngày đó, việc có tổ chức, DN “lách luật” khi vay vốn và sử dụng sai mục đích khiến ngân hàng “chịu trận”. Đây cũng là trăn trở của các ngân hàng thuộc nhóm thực hiện gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng lần này. Trong một sự kiện gần đây, ông Nguyễn Viết Mạnh - Vụ trưởng Vụ Tín dụng (NHNN) khẳng định, với gói hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng, nếu các cán bộ ngân hàng chỉ sơ suất thôi cũng có thể phải đối mặt với rủi ro pháp lý.
Trong khi đó, với vị thế là người quyết định cho vay, ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm không chỉ về độ chính xác, tính hiệu lực của văn bản, thủ tục, giấy tờ... mà cả cách thức sử dụng khoản vay của người đi vay. Ngược lại, nhiều thủ tục lại đang gặp khó khăn trong khâu hoàn thiện, hầu như đều thuộc trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức khác.
Chẳng hạn như việc xác nhận hộ khẩu và thực trạng nhà ở; công chứng tài sản đảm bảo hình thành từ vốn vay mua, thuê mua nhà ở xã hội; dự án người vay mua nhà ở xã hội tại đó có thuộc diện được phép thế chấp, xác nhận thu nhập đối với người lao động không hưởng lương Nhà nước thuộc thẩm quyền chính quyền địa phương…
Nhưng điều đáng nói là có những vi phạm có thể xảy ra sau khi khoản vay đúng quy định được thực hiện, như thu nhập thực tế của người mua nhà ở xã hội cao hơn nhiều lần mức được xác nhận? người mua nhà ở xã hội có vay vốn ngân hàng nhưng bán đi không đúng quy định? DN có lách luật chia căn hộ bán một phần theo chế độ ưu đãi lãi suất và một phần theo dạng giao dịch thương mại?… Và trước sức ép xã hội đang rất lớn, yêu cầu ngành Ngân hàng giải ngân nhanh gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30 nghìn tỷ đồng, chuyện các ngân hàng nọ “run” là khó tránh khỏi. Nên điều cần nhất lúc này là cần tuân thủ tuyệt đối quy định về cho vay hỗ trợ nhà ở, không có cách nào khác.
Theo Anh Quân