Đề án này nhằm hiện thực hoá quyết định 443 mà Chính phủ ký
đầu tháng này để hỗ trợ lãi suất 4% cho doanh nghiệp trong hai năm tới, và mở rộng
diện các doanh nghiệp được hưởng lợi từ chương trình này.
Bên cạnh đó, quan trọng
hơn, theo một nguồn đáng tin cậy, đề án sẽ tập trung vào ba hạng mục chính bao
gồm: hỗ trợ cho khu vực nông thôn (như phát triển làng nghề, xây dựng hạ tầng
tưới tiêu), phát triển các công trình hạ tầng quy mô lớn, và bảo lãnh cho các
doanh nghiệp mua thiết bị sản xuất.
Theo phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, các gói tài chính bổ
sung cho hai năm tới có thể lên tới 160 – 170 ngàn tỉ đồng (9 – 10 tỉ USD),
trong đó khoảng 60 ngàn tỉ đồng là rót trực tiếp từ ngân sách. Tuy nhiên, chi
tiết dự kiến sẽ được trình bày cụ thể trong đề án nói trên.
Câu hỏi đặt ra là nguồn ngân sách lấy từ đâu ra cho các gói
kích thích đó?
Một thành viên của uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia tiết lộ
rằng, dự kiến sẽ có khoảng năm nguồn chính bao gồm: lấy từ dự trữ quốc gia, huy
động thêm trái phiếu chính phủ, tăng bội chi ngân sách, kết chuyển các khoản
ngân sách chưa tiêu và tiếp tục miễn, hoãn thuế (doanh nghiệp và thu nhập cá
nhân). Ông nói thêm rằng, phần lớn các nguồn để kích thích lần này chỉ có thể
hiện thực hoá nếu được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5 tới.
Chính phủ dự kiến sẽ trình Quốc hội tăng bội chi ngân sách
năm nay lên 8% GDP từ mức 4,82% GDP, và phát hành thêm trái phiếu trị giá 20
ngàn tỉ đồng, từ hạn mức 36 ngàn tỉ đồng được phê duyệt trước đây.
“Đây chính
là các nguồn chính để kích thích kinh tế, nhưng vẫn còn phải chờ xin ý kiến quốc
hội… Tuy nhiên, dứt khoát là Chính phủ phải có tiền mới chi được. Để phát hành
trái phiếu thành công, Chính phủ có thể phải tính đến chuyện tăng lãi suất
lên”, ông nói.
Trong khi đó, bộ Xây dựng đang xem xét đề án xây dựng nhà ở
xã hội trị giá 49 ngàn tỉ đồng, bộ Công thương đang xem xét đề án trị giá 17
ngàn tỉ đồng nhằm kích cầu khu vực nông thôn, và bộ Nông nghiệp và phát triển
nông thôn xem xét đề án đào tạo một triệu lao đông nông thôn. Tuy nhiên, đến
nay chưa rõ nguồn của các đề án này.
Trong bối cảnh dự kiến sẽ có cung tiền nhiều hơn vào nền
kinh tế, nhưng chưa thấy có tín hiệu ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh hai chỉ
tiêu quan trọng là tổng phương tiện thanh toán (dự kiến tăng 16 – 17%), và tổng
dư nợ tín dụng (dự kiến tăng 21 – 22%) trong năm nay.
Cuối năm ngoái, Chính phủ đã tuyên bố kích thích tài chính lần
thứ nhất, tương đương với 6 tỉ USD bao gồm: các gói hỗ trợ lãi suất; kết chuyển
từ tài khoá 2008; phát hành thêm trái phiếu; miễn và hoãn thuế; và bảo lãnh
doanh nghiệp vay vốn. Tuy vậy, ngân hàng Thế giới ghi nhận rằng, các gói kích
thích này vào khoảng 16 ngàn tỉ đồng.
Theo Tư Giang
SGTT