MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng gì ở thị trường M&A ngân hàng 2014?

01-02-2014 - 08:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Trên nền tảng những kết quả đã đạt được trong năm 2013 cũng như quyết tâm của NHNN cùng với quyết định nới “room” cho khối ngoại từ 15% lên 20%, hoạt động M&A ngân hàng năm nay sẽ còn sôi động hơn.

Năm 2013 được đánh giá là năm thành công của chính sách tiền tệ cùng nhiều dấu ấn quan trọng của ngành ngân hàng.

Năm “đại thắng”

Đầu tiên phải kể đến sự ổn định của tỷ giá giúp ổn định kinh tế vĩ mô và tăng niềm tin vào tiền đồng. Tỷ giá ổn định góp phần làm tăng kho dự trữ ngoại hối lên gấp rưỡi so với 2012, đạt khoảng 30 tỷ USD. Chính sách của NHNN về việc quản lý thị trường vàng miếng đã giúp các Tổ chức tín dụng (TCTD) hoàn thành tất toán trạng thái theo quy định. Tình trạng vàng hóa, đô la hóa được đẩy lùi rõ rệt.

Thành công tiếp theo là sự ra đời của Công ty quản lý tài sản của các TCTD (VAMC) – công ty xử lý nợ xấu quốc gia lần đầu tiên được thành lập và hoạt động tích cực với gần 40.000 tỷ đồng nợ xấu được mua lại từ các TCTD chỉ sau 3 tháng hoạt động.

Bên cạnh đó, lãi suất cho vay giảm mạnh, hầu hết các khoản vay cũ được đưa về dưới 13%, các khoản vay mới được hưởng lãi suất thấp nhất kể từ năm 2005 – 2006. Lãi suất huy động cũng được NHNN cho thả nổi với các kỳ hạn 6 tháng trở lên, còn dưới 6 tháng chỉ ở mức 5 – 7%/năm. Tín dụng tăng trưởng tích cực hơn 12% và vượt chỉ tiêu đề ra (tính cả phần VAMC mua 39.800 tỷ đồng nợ xấu); huy động vốn tăng hơn 18%, thanh khoản của các tổ chức tín dụng được giữ ổn định ngay cả dịp cao điểm cuối năm.

Đặc biệt, dấu ấn quan trọng của năm 2013 đó là hoạt động tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng như quá trình mua bán & sáp nhập (M&A) sôi động.

Làn sóng tái cơ cấu mạnh mẽ

Năm 2013 chứng kiến việc WesternBank hợp nhất với Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí (PVFC) trở thành Ngân hàng TMCP Đại chúng (PVComBank); TrustBank đổi tên thành Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB). Trước đó, SCB, TinNghiaBank và FicomBank hợp nhất thành SCB; Habubank sáp nhập vào SHB; TienPhongBank đón nhận nhà đầu tư mới từ DOJI và gần đây đổi tên thành TPBank. Navibank cũng đã tìm được phương án tái cơ cấu đó là hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Quốc Dân. GPBank chính thức đón nhận đối tác UOB của Singapore vào tìm hiểu và khảo sát.

Hệ thống ngân hàng cũng ghi nhận các tổ chức tín dụng tự nguyện và chủ động tái cơ cấu. Nhiều đơn vị cũng bày tỏ mong muốn sẽ tìm đối tác chiến lược để phát triển vì mục tiêu lâu dài như Sacombank, ABBank, MB, HDBank, MaritimeBank, SouthernBank, Eximbank…

Trong số những cái tên kể trên thì hầu hết vẫn còn đang trong giai đoạn tìm hiểu đối tác. Duy có HDBank là đã mạnh dạn đi đầu và đạt được những thành công về M&A. Lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng Việt Nam, một ngân hàng nội đã mua đứt một công ty tài chính nước ngoài - Công ty TNHH Một thành viên tài chính Việt- Societe (SGVF) trực thuộc tập đoàn Societé Générale (Cộng hòa Pháp) để trở thành công ty con của HDBank và đổi tên thành HDFinance. Còn với việc sáp nhập DaiABank vào HDBank, lần đầu tiên ở Việt Nam, hai ngân hàng đang hoạt động ổn định, khỏe mạnh đã tự nguyện sáp nhập để tạo nên một định chế tài chính vững mạnh hơn với vốn điều lệ 8.100 tỷ đồng, tổng tài sản gần 90.000 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động hơn 210 điểm giao dịch, tổng số nhân viên hơn 5.500 người.

Việc sáp nhập DaiABank vào HDBank và kết nạp SGVF là hoạt động mua bán sáp nhập tự nguyện, tiên phong theo xu hướng quốc tế tại Việt Nam. Cả hai thương vụ này đều diễn ra thuận lợi và êm đẹp.

Kỳ vọng 2014

Sau 2 thương vụ hoàn tất trong năm 2013, HDBank đã đề ra mục tiêu cho năm 2014 sẽ nâng tổng tài sản thêm 20% lên 105.000 tỷ đồng; huy động vốn tăng trưởng 25%, tín dụng tăng 30%, và lợi nhuận trước thuế 1.140 tỷ đồng kèm theo 4 chương trình hành động: tín dụng hiệu quả; vận hành an toàn; nâng cao chất lượng dịch vụ và kiểm soát chi phí.

Với toàn hệ thống, NHNN đã đặt mục tiêu năm 2014 tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 16 – 18%, tín dụng toàn hệ thống tăng trưởng 12 – 14% và điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, lãi suất và tỷ giá ở mức hợp lý, phù hợp với các cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Đối với hoạt động tái cơ cấu các TCTD, NHNN vẫn giữ quan điểm sẽ quyết liệt với các tổ chức tín dụng yếu kém và yêu cầu các đơn vị tái cơ cấu theo đúng lộ trình của Đề án 254 (Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD giai đoạn 2011 – 2015). Với các TCTD khác, NHNN khuyến khích các đơn vị tiến hành M&A. Tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2014 ban hành ngày 3/1/2014, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục chỉ đạo thực hiện tái cơ cấu toàn diện các TCTD, nhất là các NHTMCP yếu kém; trình Thủ tướng Chính phủ cơ chế khuyến khích các TCTD sáp nhập, hợp nhất.

Ngoài ra, trong năm 2014, NHNN cũng sẽ tiếp tục tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD; nâng cao trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động ngân hàng.

Các chuyên gia cho rằng, trên nền tảng những kết quả đã đạt được trong năm 2013 cũng như quyết tâm của NHNN cùng với quyết định nới “room” cho khối ngoại tại ngân hàng từ 15% lên 20% kể từ 20/2/2014, hoạt động tái cấu trúc ngành ngân hàng năm 2014 sẽ còn sôi động hơn nữa với định hướng hội nhập cùng phát triển.

Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên