Sau khi Ngân hàng (NH) Nhà nước ban hành Thông tư 19 điều chỉnh
một số quy định của Thông tư 13 về các tỉ lệ an toàn vốn, giải quyết một phần
tình trạng ách tắc trong lưu thông vốn, nhiều người kỳ vọng thị trường lãi suất
tiết kiệm lẫn cho vay sẽ giảm trong thời gian tới.
Minh bạch hóa thị trường
Theo Thông tư 19, các NH được tính tiền gửi Kho bạc Nhà nước
vào nguồn vốn huy động. Như vậy, với số tiền gửi không kỳ hạn từ Kho bạc Nhà nước
khoảng 57.000 tỉ đồng (số liệu ước tính năm 2010), các NH vẫn duy trì được nguồn
vốn giá rẻ để cân đối với số vốn huy động lãi suất cao, từ đó có thêm điều kiện
hạ lãi suất cho vay. Mặt khác, do số tiền gửi không kỳ hạn tương đối ổn định ở
mức 20%-30% nên Thông tư 19 cũng cho phép các NH được sử dụng 25% số tiền gửi không kỳ hạn của
tổ chức kinh tế để cho vay...
Đặc biệt, Thông tư 19 còn cho phép các NH sử dụng tiền vay từ
NH bạn có kỳ hạn 3 tháng để cho vay. Điều này đã triệt tiêu quy định cũ là NH
không được vay vốn NH bạn quá 20% so với số vốn đã huy động từ dân cư và tổ chức
kinh tế. Thị trường lãi suất sẽ không còn hiện tượng NH mạnh vốn núp bóng cho
vay NH bạn thông qua doanh nghiệp hoặc người nhà. NH nhỏ có thể dễ dàng tiếp cận
vốn của NH lớn với lãi suất chỉ khoảng 8%-9%, giảm áp lực tăng lãi suất huy động
vốn bằng mọi giá khi nguồn vốn ra vào mất cân đối, tạo điều kiện cho mặt bằng
lãi suất đầu vào đi xuống.
Tín hiệu tích cực
Sau khi các quy định trên có hiệu lực (ngày 1-10), thị trường
lãi suất đã phản ứng tích cực. NH Đại Á giảm lãi suất tiết kiệm VNĐ từ 0,14% đến
0,2%/năm. Lãi suất tiền gửi VNĐ kỳ hạn 1 tháng chỉ còn 10,95%/năm; lãi suất USD
kỳ hạn 1 và 2 tháng cũng xuống còn 3,75%/năm. Trong khi đó, NH Nam Á dành 1.000
tỉ đồng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay vốn lưu động, lãi suất 13%/năm đối với
VNĐ và 5%/năm đối với USD. NH Phương Tây giảm 1% lãi suất cho vay doanh nghiệp
nhỏ, đồng thời giảm 30% phí chuyển tiền trong 3 tháng đầu, miễn phí trả nợ trước
hạn. NH An Bình áp lãi suất cho vay doanh nghiệp nhỏ thấp hơn 1%/năm so với lãi
suất cho vay thông thường. NH Phương Đông giảm 0,5% lãi suất cho khách hàng vay
tiền mua ô tô. Nhiều NH khác cũng đang tính toán để hạ lãi suất đầu vào lẫn đầu
ra.
Để giảm dần lãi suất, mới đây, Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA) đề
nghị các NH thương mại giảm lãi suất huy động từ 11,2%/năm xuống còn 11%/năm.
Riêng lãi suất không kỳ hạn, một số NH đang áp dụng ở mức 4,8%/năm, do vậy VNBA đề nghị những NH này giảm lãi suất tiền
gửi không kỳ hạn để giảm chi phí kinh doanh, từ đó giảm lãi suất cho vay.
Về huy động vốn bằng ngoại tệ, VNBA cho rằng mặt bằng lãi suất
huy động USD đang có xu hướng tăng, phổ biến ở mức 4,7%-5,2%/năm là quá cao so
với thị trường quốc tế. Vì vậy, để mặt bằng lãi suất huy động VNĐ đi xuống, tạo
sự cân đối giữa lãi suất USD với VNĐ, các NH cũng nên giảm lãi suất đầu vào
USD.
Nên giảm lãi suất trái phiếu Chính phủ
Theo TS Lê Thẩm Dương, Trưởng Khoa Quản trị Kinh doanh Trường
ĐH Ngân hàng TPHCM, để đạt mục tiêu giảm lãi suất, trước mắt, Nhà nước phải
tăng cung tiền, giảm ngay lãi suất trái phiếu Chính phủ xuống dưới 10%/năm, bởi
lãi suất của trái phiếu Chính phủ thường là thước đo của nhiều kênh đầu tư
khác, trong đó có lãi suất tiết kiệm. Khi đó, các NH sẽ hạn chế đầu tư vào trái
phiếu Chính phủ, dồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, tăng trưởng tín
dụng VNĐ lại chậm nên cuộc đua về đầu ra giữa các NH ngày càng khốc liệt hơn,
lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới.
VNBA cũng kiến nghị NH Nhà nước giảm nhẹ lãi suất giao dịch
trên thị trường mở; lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu tiếp tục ổn định ở mức
thấp; mở rộng nghiệp vụ giao dịch ngoại tệ...
Theo Thy Thơ
Người Lao động