MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất giằng co từ trên xuống dưới

28-10-2015 - 14:43 PM | Tài chính - ngân hàng

Đầu tháng này, “binh đoàn” chuyên trách của một ngân hàng thương mại nhà nước đổ bộ xuống Quảng Ninh. Lập tức, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nhận được đề nghị của cấp dưới xin chỉ đạo hỗ trợ.

“Binh đoàn” là cách nói bức xúc của vị tổng giám đốc trên. Họ đổ bộ đến các doanh nghiệp ngành than, được đánh giá tốt và chào lãi vay cực thấp để kết nối quan hệ.

“So găng” mà không phục

Chi nhánh trên địa bàn báo về, qua tìm hiểu, lãi suất mà ngân hàng thương mại nhà nước kia chào vay chỉ 4%/năm, trong khi những doanh nghiệp đó đang vay từ 6-7%/năm vốn lưu động.

Một là vay mới, hai là vay để tất toán khoản cũ lãi suất cao hơn ở ngân hàng thương mại cổ phần rồi chuyển quan hệ.

“Đau lắm. Đã cho vay lãi cạnh tranh 6%/năm, nay chúng tôi buộc chỉ đạo gấp chi nhánh chấp nhận lỗ, hạ xuống 4%/năm, để giữ chân khách hàng tốt, tránh bị ông kia lấy mất. Vấn đề là nó tạo ra những tiền lệ, có thể gây “hiệu ứng xao xuyến” sang những khách hàng tốt khác”, tổng giám đốc ngân hàng trên cho biết.

Vì sao chấp nhận lỗ? Vì 4%/năm thấp hơn lãi suất huy động bình quân hiện nay. Tuy nhiên, với những ngân hàng thương mại nhà nước có lợi thế gần như độc quyền về nguồn vốn rẻ, có thể họ không lỗ khi đi săn và “giật” khách hàng với mức lãi suất đó.

Theo lý giải của người trong cuộc trên, các ngân hàng thương mại nhà nước luôn có nguồn tiền gửi không kỳ hạn từ ngân sách, từ các tổ chức nhà nước lớn như kho bạc, bảo hiểm… Dù không kỳ hạn, nhưng quy mô lớn và khá ổn định với lãi suất cực thấp tạo nên lợi thế nguồn vốn rẻ. Bao năm qua khối ngân hàng thương mại cổ phần gần như không xen vào được.

Chính lợi thế cạnh tranh đó, cụ thể hóa bằng lãi suất, nên vị tổng giám đốc trên cho rằng ông không phục trong cuộc “so găng” này.

Khi tra soát báo cáo tài chính của các ngân hàng thương mại nhà nước, quả thực số dư tiền gửi loại trên thể hiện rõ, nhưng mức độ những kỳ gần đây không quá lớn.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngân hàng cổ phần trên lưu ý, con số chốt kỳ báo cáo không phản ánh toàn diện được, quan trọng là quy mô phát sinh trong kỳ.

Ông cũng lưu ý thêm, về lý thuyết và nguyên tắc, khi cho vay ngân hàng giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích, nhưng ở các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn, không loại trừ tình huống vay vốn lãi suất thấp chuyển thành tiền gửi hưởng lãi cao, tay trái qua tay phải.

Nếu có vậy, sự luẩn quẩn của dòng vốn trong hệ thống sẽ ảnh hưởng bất lợi cho cân đối và điều hành chính sách.

Thượng tầng cũng giằng co

Điều hành chính sách, năm nay, mục tiêu giảm tiếp lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước đang ở thế khó.

Ngay từ đầu năm, tại hội nghị triển khai kế hoạch năm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã nhận định: mục tiêu tiếp tục giảm lãi suất cho vay vẫn đặt ra, nhưng về tổng thể giữ được mặt bằng hiện có cũng đã khó.

Lùi lại một năm trước, tại một hội thảo chuyên đề, TS. Trịnh Quang Anh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Tập đoàn Đầu tư phát triển Việt Nam, đã từng cảnh báo, lãi suất từ năm 2015 sẽ khó giảm thêm nữa, do hiện tượng chèn lấn giữa các dòng vốn, cụ thể là từ chính sách tài khóa, đứng trước áp lực lớn.

Đến nay, áp lực đó đã thể hiện rõ nét bằng khó khăn cân đối ngân sách trong huy động vốn qua trái phiếu với đảo nợ và trả nợ. Ngoài quy mô cần huy động qua trái phiếu Chính phủ rất lớn, lãi suất trái phiếu tăng mạnh cũng cản trở mục tiêu, yêu cầu giảm được tiếp lãi suất cho vay cho doanh nghiệp.

Trước loạt phiên phát hành thất bại và kéo dài, lãi suất trái phiếu Chính phủ đã tăng khá nhanh trong hơn nửa đầu năm nay. Như ở kỳ hạn 5 năm, mức 5,3%/năm đã nhảy lên 6,4%/năm.

Cách đây vài tháng, khi trao đổi với PV, một số nhà đầu tư từng tính toán rằng, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước hẳn đã có “thỏa thuận riêng” khi nâng lãi suất trái phiếu Chính phủ lên mức 6,4%/năm đó; bởi nếu tiếp tục gia tăng nữa sẽ càng phá vỡ mặt bằng chung, cản trở khả năng giảm tiếp lãi suất cho vay.

Tính toán này, tại thời điểm đó, được cho là khá hợp lý, khi Bộ Tài chính đã nối lại hoạt động phát hành tín phiếu Kho bạc Nhà nước, với quy mô khá lớn, như một biện pháp xoa dịu tình hình.

Nhưng, sự giằng co lãi suất trong điều hành giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ lại tiếp tục có biểu hiện căng hơn. Đến tận đầu tháng 10 này, tổng lượng vốn huy động qua trái phiếu Chính phủ mới chỉ nhỉnh hơn 50% kế hoạch, trong bối cảnh cân đối ngân sách dường như nóng bỏng hơn trong dư luận.

Cụ thể, lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm lại tiếp tục dâng lên 6,65%/năm. Và không chừng sẽ chưa dừng lại (?).

Tại buổi tọa đàm đầu tuần này, chuyên gia Lê Xuân Nghĩa nói với các đại biểu Quốc hội rằng: năm 2011, lãi suất cho vay ngột ngạt tới 25%/năm, trên liên ngân hàng ngất ngưởng tới cả 35%/năm…, đến nay lãi vay phổ biến chỉ còn từ 7-8%/năm với doanh nghiệp tốt, từ 9-11%/năm là bình thường.

Thế nhưng, theo ông Nghĩa, vẫn còn nhiều phản ánh, lãi suất cho vay dù đã giảm sâu như vậy, nhưng vẫn còn quá cao, khiến doanh nghiệp vay vốn khó khăn.

Dù không phân tích sâu do khuôn khổ buổi tọa đàm, nhưng chuyên gia Lê Xuân Nghĩa dẫn chiếu: trái phiếu Chính phủ, gần như không có rủi ro mà lãi suất còn liên tục tăng cao như vậy thì bảo làm sao lãi suất cho vay doanh nghiệp giảm cho sâu được nữa.

Theo Minh Đức

VnEconomy

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên