MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất không còn là mối bận tâm quá lớn

09-04-2015 - 08:33 AM | Tài chính - ngân hàng

Trong nghị quyết tháng 3 vừa ban hành ngày 7/4, Chính phủ một lần nữa giao NHNN phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1-1,5%/năm bằng biện pháp thị trường.

Nội dung nổi bật

- Hiện nay lãi suất cho vay trung và dài hạn dao động từ 9,5 - 11%. Chính phủ yêu cầu NHNN phấn đấu giảm thêm mặt bằng lãi suất từ 1-1,5%

- Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó TGĐ ABBank, việc hạ lãi suất còn phải cân nhắc giữa yếu tố đầu vào và đầu ra, bản thân ngân hàng không phải tự có tiền để muốn áp lãi suất bao nhiêu cũng được.

- Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Giám đốc Ban Phát triển Ngân hàng bán lẻ BIDV cho rằng, bên cạnh lãi suất thì cách thức phục vụ, sự tận tụy của cán bộ ngân hàng mang yếu tố quyết định hơn

- Nhiều ý kiến cho rằng lãi suất sẽ khó giảm mạnh vì áp lực lạm phát khi mục tiêu của năm nay là 5%, thay vì chưa đến 2% thực hiện của năm trước.


Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), hiện nay, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 7%/năm đối với ngắn hạn, các NHTM nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,5-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình đầu năm nay cho biết sẽ cố gắng giảm thêm 1 – 1,5% lãi suất trung và dài hạn và việc này phụ thuộc vào các ngân hàng. Trong các cuộc họp thường kỳ, Chính phủ cũng đôn đốc NHNN cố gắng giảm thêm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận vốn dễ dàng hơn. Trong nghị quyết tháng 3 vừa ban hành ngày 7/4, Chính phủ một lần nữa giao NHNN phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 1-1,5%/năm bằng biện pháp thị trường.

Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng, mặt bằng lãi suất đã xuống rất thấp nên khó có thể giảm thêm nữa. Việc giảm lãi suất vấp phải khó khăn do nguồn vốn huy động của các ngân hàng phần lớn là vốn ngắn hạn trong khi nhu cầu vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng cao hơn, bên cạnh biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng cũng xuống rất thấp. Đó là chưa kể đến áp lực từ lạm phát sẽ ảnh hưởng lên lãi suất thời gian tới khi mục tiêu lạm phát năm nay là 5%, thay vì mức chưa đến 2% của năm ngoái.

Các quan điểm khác nhau về hạ lãi suất vẫn tồn tại, và trong bất cứ trường hợp nào thì người đi vay luôn muốn một mức chi phí càng thấp càng tốt. Song, một số ý kiến của doanh nghiệp và ngân hàng đều thừa nhận rằng, trong bối cảnh hiện nay, lãi suất đã không còn là mối bận tâm quá lớn của người vay mà các tiện ích, chất lương dịch vụ đi kèm mới là yếu tố quyết định.

Theo Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), lãi suất cho vay thế nào là việc phải cân đối giữa đầu vào đầu ra. Ngân hàng không phải tự có tiền để quyết định lãi suất bao nhiêu mà chỉ đóng vai trò vận chuyển vốn, làm sao để vận chuyển nguồn vốn cho xã hội tốt nhất.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó TGĐ ABBank
Bà Nguyễn Thị Ngọc Mai, Phó TGĐ ABBank

“Chúng tôi phải cân nhắc lợi ích của người gửi tiền, người dùng tiền và lợi ích tổng thể của nền kinh tế như thế nào để hiệu quả nhất” bà Mai nói. Cũng theo Phó Tổng giám đốc của ABBank, đó là một bài toán nan giải đối với NHNN vì lãi suất có liên quan chặt chẽ đến lạm phát.

Đề cập đến nhu cầu vay vốn của khách hàng tại ABBank, bà Mai cho biết hiện tín dụng doanh nghiệp chiếm hơn 70%, trong đó nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm hơn một nửa. Về lãi suất cũng tùy thuộc vào khách hàng, nếu đó là các khách hàng có tính ổn định cao, truyền thống, tiềm năng, khách hàng mà ngân hàng đang nhắm tới với những chương trình riêng thì sẽ có lãi suất khá ưu đãi hoặc  ở mức kỳ vọng phù hợp giữa ngân hàng và doanh nghiệp.

Còn theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Giám đốc Ban Phát triển Ngân hàng bán lẻ của BIDV, về cạnh tranh lãi suất thì rõ ràng các ngân hàng lớn như BIDV có lợi thế vì đầu vào thấp. Tuy nhiên, việc cho vay không chỉ phụ thuộc lãi suất mà còn phụ thuộc vào thái độ, cách thức tư vấn của cán bộ ngân hàng với khách hàng.

Nói về hoạt động cho vay ở BIDV, bà Giao cho biết BIDV có lợi thế về đầu vào lớn và giá rẻ, hơn 4.000 nhân sự mảng này đều cam kết bằng sự tận tụy, cách thức tư vấn để khách hàng hài lòng với dịch vụ. Đó là chưa kể BIDV luôn duy trì quan điểm chia sẻ với khách hàng win – win, lãi suất cho vay được công khai, minh bạch chứ không phải sử dụng kỹ thuật để tính lãi với khách hàng.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao
Bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao

Chính vì thế ngân hàng đạt được những kết quả khá ấn tượng, chẳng hạn huy động tiền gửi từ dân cư của BIDV đứng thứ hai trên thị trường, tín dụng cá nhân tăng 2,7 lần trong vòng 3 năm qua, mức tăng trưởng bình quân 31%/năm. Dịch vụ bán lẻ như chuyển tiền, thẻ, chứng minh tài chính du học... cũng được đầu tư, nâng cấp và ngày càng đa dạng hóa sản phẩm.

Đồng tình với quan điểm thái độ phục vụ sẽ được khách hàng lựa chon nhiều hơn các yếu tố khác, trong đó có yếu tố địa lý, bà Nguyễn Thị Ngọc Mai của ABBank cho rằng, trong bối cảnh giao thông đã trở nên thuận tiện như hiện nay thì dù một ngân hàng gần nhưng thủ tục lâu, quá trình thẩm định  rườm rà, rắc rối chưa chắc đã hơn ngân hàng xa có phục vụ tốt.

Ông Nguyễn Xuân Thắng, giám đốc doanh nghiệp tư nhân Xuân Thắng (Thanh Xuân - Hà Nội) cũng thừa nhận, các doanh nghiệp vẫn mong mỏi được tiếp cận vốn với mức lãi suất trung và dài hạn khoảng 10%, thay vì mức 11 - 12% như hiện nay. Tuy nhiên lãi suất đã không còn là ưu tiên số 1 khi doanh nghiệp có ý định vay vốn, mà họ quan tâm hơn cả đó là các dịch vụ đi kèm, những điều kiện thuận lợi hơn về phê duyệt hồ sơ và tài sản thế chấp.

 

Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay

Ngân hàng HDBank quyết định dành 6.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay ưu đãi từ nay đến hết 30/6/2015. Trong đó, với các khoản vay ngắn hạn dưới 6 tháng hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,6%/năm có tổng hạn mức 6.000 tỷ đồng. Riêng các khoản vay trung và dài hạn, HDBank áp dụng lãi suất cho vay cố định 12 tháng đầu tối thiểu là 9,69%/năm. Lãi suất cho vay các năm tiếp theo áp dụng theo lãi suất do HDBank ban hành cho từng thời kỳ.

Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) cũng triển khai chương trình tín dụng ngắn hạn ưu đãi với tổng trị giá 1.000 tỷ đồng dành cho khách hàng doanh nghiệp với lãi suất cho vay ưu đãi thấp nhất chỉ từ 5,5%/năm kể từ ngày 01/04/2015 đến hết ngày 30/6/2015 hoặc khi giải ngân hết giá trị chương trình.

Ngân hàng BIDV bên cạnh các chương trình ưu đãi lãi suất, mới đây còn đẩy mạnh tiếp cận khách hàng thông qua việc thành lập Trung tâm điều hành mạng xã hội (SMCC), chăm sóc khách hàng qua mạng xã hội, trước hết là qua 3 kênh Facebook, Linkedin, Youtube.

Ngân hàng ABBank trong khi đó phối hợp với IFC triển khai dự án “Nâng cao năng lực cạnh tranh phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME)” nhằm đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ của ABBANK trong việc phục vụ khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng với mục tiêu nâng thị phần cho vay khách hàng SME ở nhà băng này lên 60% thay vì hơn 40% hiện tại.

VPBank triển khai chương trình cho vay ưu đãi dành riêng cho khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) kinh doanh đảm bảo bằng bất động sản. Khi tiếp cận vốn vay, khách hàng có thể được vay tối đa đến 90% trên giá trị tài sản bảo đảm với tổng hạn mức vay lên đến 20 tỷ đồng trong vòng 25 năm. Thời hạn cho vay dài chính là một ưu điểm đặc biệt của chương trình. Nhờ vậy, khách hàng tăng khả năng chủ động cân đối tài chính và hoạt động kinh doanh một cách linh hoạt trong suốt thời gian vay vốn tại VPBank.

 

Tùng Lâm

Nguyễn Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên