MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất không còn là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp

15-07-2013 - 09:03 AM | Tài chính - ngân hàng

Thông thường, lãi suất là yếu tố quan trọng và được quan tâm đầu tiên khi doanh nghiệp muốn vay ngân hàng, nhưng hiện nay tình hình đã có nhiều thay đổi.

Thời gian gần đây, hàng loạt ngân hàng liên tục đưa ra các chính sách ưu đãi về lãi suất nhằm giải quyết tình trạng ứ đọng vốn. Trong lĩnh vực tiêu dùng cá nhân, nhiều ngân hàng đưa ra các gói tín dụng với lãi suất rất thấp, khoảng 6% đến 9%/năm, còn lãi suất đối với lĩnh vực bất động sản thậm chí thấp hơn, có nơi áp dụng mức lãi suất 0% cho khách hàng.

Lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp cũng giảm đáng kể. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, lãi suất cho vay ngắn hạn trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường hiện dao động từ 9 – 11,5%/năm, lãi suất trung và dài hạn từ 11,5 – 13%/năm. So với hồi cuối tháng 4, lãi suất đã giảm khoảng 2%.

Trước đây, chi phí đi vay là yếu tố quan trọng và được quan tâm đầu tiên khi doanh nghiệp muốn vay vốn ngân hàng, nhưng hiện nay, với mặt bằng lãi suất mới, tình hình đã có nhiều thay đổi.

Trao đổi với chúng tôi bên lề buổi Tọa đàm về quản trị tài chính – cơ hội và thách thức do Techcombank phối hợp với Ernst & Young tổ chức cuối tuần qua tại Hà Nội, chị Hương, đại diện đến từ Công ty TNHH Tập đoàn khoáng sản VQB cho biết, hiện nay, mối quan tâm đầu tiên để doanh nghiệp xác định vay vốn của ngân hàng A hay ngân hàng B không phải là vấn đề lãi suất, bởi lẽ mặt bằng lãi suất đã khá cân bằng và hợp lý. Cái quan trọng nhất mà doanh nghiệp quan tâm đó là cách thức triển khai, quy trình cho vay, đối tượng cho vay của ngân hàng như thế nào.

Đề cập đến vấn đề khó khăn nhất khi tiếp cận vốn ngân hàng hiện nay ra sao, chị Hương cho rằng đó chính là tài sản đảm bảo. Theo chị, nếu doanh nghiệp đã lên sàn chứng khoán thì ít lo ngại hơn, còn với các doanh nghiệp chưa niêm yết thì tính minh bạch còn chưa cao, thông tin doanh nghiệp chưa rõ ràng, báo cáo tài chính thiếu chặt chẽ, chưa bài bản nên ngân hàng khó thẩm định giá trị tài sản đảm bảo. Ngoài ra, các ngân hàng cũng dè dặt hơn trong việc xét duyệt hồ sơ cho vay vì lo sợ nợ xấu.

“Tôi cho rằng, các ngân hàng nên có những đánh giá, phân nhóm doanh nghiệp để phân biệt doanh nghiệp tốt và không tốt rồi đưa ra các hạn mức cho vay phù hợp, đặc biệt là các gói ưu đãi”, đại diện công ty VQB đề xuất.

Anh Kiều Phương, đại diện đến từ Công ty TNHH Một thành viên Đạm Ninh Bình trong khi đó tiết lộ, mức lãi suất bình quân mà công ty đang vay được hiện khoảng 8,3%/năm bởi sản xuất kinh doanh phân bón cũng là đảm bảo an ninh lương thực nên công ty được hưởng lãi suất ưu tiên.

Vị đại diện Đạm Ninh Bình đồng thời cho rằng, lãi suất là quan trọng nhưng không phải xếp hạng nhất. Ngoài lãi suất thì doanh nghiệp còn muốn tìm hiểu tầm nhìn dài hạn của các đối tác, từ hỗ trợ chính sách, sự thay đổi chính sách, nguồn lãi suất đảm bảo trong một khoảng thời gian đủ dài để doanh nghiệp tự chủ về tài chính và phi tài chính. Hay nói cách khác, doanh nghiệp mong muốn có một chính sách dài hơn để chủ động được hoạt động sản xuất kinh doanh, thay vì các chương trình, các gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất thấp chỉ vài tháng như hiện nay.

Lãnh đạo một số doanh nghiệp khác lại đưa ra ý kiến cho rằng, ngoài những yếu tố về lãi suất, đối tượng cho vay thì một bộ giải pháp kết hợp nhiều sản phẩm, nhiều yếu tố, chẳng hạn như tích hợp giữa huy động với cho vay, liên quan đến hoán đổi lãi suất, hoán đổi ngoại tệ, đến mua bán kỳ hạn trong tương lai…,kèm theo đó là những chính sách hợp lý về trả lãi trước hạn, về xếp hạng tín dụng doanh nghiệp thì sẽ thu hút được sự quan tâm của khách hàng nhiều hơn.


Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên