MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Làm ngân hàng sẽ rất khác

01-01-2016 - 12:23 PM | Tài chính - ngân hàng

Hoạt động ngân hàng sẽ chuyển sang chất, thay vì lượng như trước đây. Công tác quản trị sẽ giữ vai trò chủ đạo trong khi các “thuyền trưởng” phải vừa có tầm, vừa có tâm mới đủ sức đưa ngân hàng đứng vững và đi lên.

Bức tranh tối dần chuyển màu

Giai đoạn từ 2011 tới nay, hoạt động ngân hàng đã trải qua nhiều "sóng gió" và phủ lên đó là màu xám với hàng loạt các vụ bắt bớ lãnh đạo ngân hàng, lợi nhuận sụt giảm, nhiều ngân hàng yếu kém bị kiểm soát đặc biệt, bị bắt buộc phải tái cơ cấu và tệ hơn nữa là toàn bộ cổ phần bị mua lại với giá 0 đồng... Khắp nơi nơi ở đâu cũng thấy khẩu hiệu tái cơ cấu từ nhân sự tới hoạt động một cách toàn diện.

Bức tranh tối ấy, theo lời các chuyên gia là bởi việc quản trị, điều hành chưa được chú trọng đúng mức, không mang tính kỷ luật. Nhưng sau quá trình tái cơ cấu, tình hình đã từng bước ổn định trở lại và đang có nhiều khởi sắc.

Trong các vấn đề mà ngân hàng gặp phải không thể không nhắc tới đó là nợ xấu. "Cục máu đông" làm tắc nghẽn mạch chảy của nền kinh tế, là khối u khổng lồ có thể giết chết nền kinh tế đã được xử lý mạnh và đến nay hơn 96% số nợ xấu phát hiện 4 năm trước đã được loại bỏ, tỷ lệ nợ xấu chỉ còn chiếm 2,72% trên tổng dư nợ (dù còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng số liệu này được thừa nhận theo các báo cáo chính thức).

Khép lại năm 2015, cùng với nợ xấu được làm sạch (dù trên sổ sách) thì vẫn còn không ít những điểm tối, song cũng phải ghi nhận nhiều dấu ấn của ngành như tín dụng tăng trưởng mạnh nhất trong 5 năm, mặt bằng lãi suất xuống thấp và chỉ bằng một nửa so với năm 2011, hệ thống ngân hàng được tái cơ cấu mạnh mẽ trở nên tinh gọn hơn, nợ xấu được xử lý triệt để, thanh khoản của các tổ chức tín dụng vẫn ổn định ngay cả trong những giai đoạn cao điểm, niềm tin của người dân vào tiền đồng tăng lên…

Triển vọng năm 2016, chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng đều cho rằng tình hình sẽ có nhiều thay đổi. Bên cạnh những thành quả đã đạt được có thể tiếp tục được phát huy, nhưng hoạt động điều hành chính sách có thể sẽ khó khăn hơn do nhiều áp lực từ bên ngoài. Nội tại các ngân hàng cũng sẽ đối mặt với nhiều áp lực trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng và cạnh tranh lẫn nhau.

Làm ngân hàng sẽ khác trước

Tiến sĩ Lê Thành Trung, Phó Tổng giám đốc ngân hàng HDBank nhận định, hoạt động ngân hàng trong thời gian tới sẽ khác hơn trước nhiều, có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn.

Thuận lợi lớn nhất là các ngân hàng trong các năm vừa qua dưới sự chỉ đạo sát sao của NHNN đã thay đổi một cách căn bản, rút ra nhiều kinh nghiệm trong quá trình tái cấu trúc và đã trở nên mạnh khỏe hơn nhiều, hoạt động bài bản và dần tiệm cận với các chuẩn mực ngân hàng quốc tế.

Còn khó khăn là những biến động của tình hình kinh tế thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới Việt Nam. Việc chúng ta ngày càng hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế thế giới cũng tạo ra các áp lực cạnh tranh không nhỏ, giữa các nhà băng với nhau và giữa các ngân hàng Việt Nam với các ngân hàng nước ngoài.

Các dư địa về lãi suất ngày càng ít, lãi suất huy động và cho vay đã ở mức hợp lý và khó có thể điều chỉnh nhiều hơn. Giá cả hàng hóa kể cả giá dầu trong các năm qua đã xuống rất thấp, dự báo trong thời gian tới sẽ có thể tăng. Các ngân hàng vì thế sẽ phải tập trung phát triển về chất thay vì phát triển về lượng.

Ông Trung phân tích, thay vì tập trung tăng quy mô, mở rộng mạng lưới, tăng tổng tài sản thì các ngân hàng cần tăng cường năng lực quản trị điều hành, quản trị rủi ro, chất lượng tín dụng, chất lượng tài sản, chất lượng dịch vụ, tính chuyên nghiệp và năng động. Mở rộng tín dụng phải luôn đi đôi với chất lượng tín dụng. Việc tăng cường năng lực quản trị điều hành trên nền tảng ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại để mang lại hiệu quả cao sẽ là yếu tố quan trọng nhất để có thể phát triển và có lợi nhuận cao. Bên cạnh các dịch vụ truyền thống như cho vay cần phát triển mạnh các dịch vụ khác liên quan tới ngân hàng bán lẻ, lấy thị trường nội địa làm chủ đạo.

Cùng chung nhận định về tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực quản trị, các chuyên gia cho rằng sau những sóng gió vừa qua, các nhà băng giờ đây đã ý thức được rất rõ về quản trị ngân hàng. Nếu quản trị yếu kém và không ý thức được điều này thì không thể điều hành và tồn tại được. Thị trường sẽ sớm loại bỏ những ngân hàng có quản trị yếu kém bởi chính việc điều hành kém, quản trị yếu sẽ tạo ra nợ xấu và kéo theo thua lỗ, đưa ngân hàng quay về thời kỳ tối tăm như trước.

Nói như ông Trần Ngô Phúc Vũ, nguyên Tổng giám đốc Nam A Bank thì làm ngân hàng trong bối cảnh hiện nay không có cơ hội cho những người không chuyên nghiệp, các nhà băng cần người lãnh đạo phải vừa có tâm, vừa có tầm mới có thể đưa ngân hàng đứng vững và phát triển.

Nhìn ở khía cạnh hội nhập sâu rộng khiến hoạt động ngân hàng phải thay đổi so với trước đây, theo TS. Bùi Quang Tín, Giảng viên trường Đại học Ngân hàng Tp. Hồ Chí Minh, sắp tới khi chúng ta hội nhập sâu hơn, rộng hơn thì các chuẩn mực trong quản trị và điều hành của ngân hàng thương mại cũng phải nâng lên cho phù hợp với chuẩn mực quốc tế.

Ví dụ như khi tham gia TPP, dù việc quản trị rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành, thanh khoản, rủi ro kinh doanh ngoại hối, ...đã có quy định từ trước, nhưng nay các ngân hàng phải rà soát lại hết để “update” và đối chiếu với chuẩn mực và cam kết trong TPP cũng như các quy định khác cho phù hợp.

Các chuẩn mực này, theo TS Tín, chắc chắn phải cao hơn trước. Ví dụ về quản trị rủi ro tín dụng, từ trước đến nay chúng ta vẫn có đầy đủ quy trình và quy định nhưng tính thực thi rất kém khiến cho nợ xấu tràn lan, gây thất thoát nhiều tài sản của ngân hàng và Nhà nước.

Ngoài ra về bộ máy quản trị, cần tuân thủ các tiêu chuẩn của bộ máy quản trị quốc tế tức là giảm mô hình quản trị gia đình và tăng tính độc lập trong bộ máy quản trị và điều hành. Cuối cùng, việc quản trị và điều hành phải tuyệt đối tuân thủ các quy định của pháp luật trong nước và các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã và sẽ tham gia bởi nếu vi phạm sẽ bị xử phạt một cách nghiệm minh “vì chúng ta đang chơi trên một sân chơi mới, tức là có đối thủ trong và ngoài nước, chứ không phải chỉ có một mình ta”, ông Tín nói.

Muốn cạnh tranh với ngân hàng ngoại phải đứng vững ở thị trường nội

Hoạt động của các ngân hàng nước ngoài tuy chưa thực sự đáng lo ngại đối với ngân hàng trong nước ngay lúc này nhưng các chuyên gia đều khuyến cáo không vì thế mà có thể chủ quan.

Theo TS. Lê Thành Trung, chúng ta phải thừa nhận rằng, quản trị của ngân hàng nước ngoài rất tốt mà các ngân hàng trong nước có thể học hỏi để quản trị tốt hơn.

Các ngân hàng nước ngoài có lợi thế trong việc phục vụ cho những doanh nghiệp FDI của nước sở tại đi theo, nhưng điều này đã có từ trước khi các ngân hàng nước ngoài xuất hiện chứ không phải hiện nay. Nhưng các ngân hàng nước ngoài lại không có mạng lưới phủ khắp trên toàn quốc nên cũng phải cần đến các ngân hàng trong nước.

Hội nhập của nền kinh tế sẽ mang lại cơ hội cho các ngân hàng nhưng cũng có những thách thức. Chẳng hạn như với Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP), tham gia vào sẽ có lợi nhưng chúng ta cũng phải biết vận dụng như thế nào để hiệu quả. TPP sẽ tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn ngoại, nhưng khi các doanh nghiệp nước ngoài đi vào sẽ sử dụng được nguồn vốn của ngân hàng nước ngoài có giá rẻ hơn. Đó cũng là một trong những cạnh tranh đối với ngân hàng trong nước.

Ông Trung lưu ý, hiện nay, việc vươn ra thị trường quốc tế của các ngân hàng trong nước cũng là điều tất yếu vì xu hướng hội nhập các doanh nghiệp trong nước cũng mở rộng hoạt động ra thế giới. Tuy nhiên, trước mắt các ngân hàng cần phải tập trung đẩy mạnh hoạt động ở thị trường nội, có vững ở thị trường nội địa mới có được thế chủ động để cạnh tranh với các đối thủ.

 

 

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên