MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

LienVietPostBank: Năm 2015 đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế 936 tỷ đồng

28-03-2015 - 23:14 PM | Tài chính - ngân hàng

Sau năm 2014 tăng vốn điều lệ bất thành (lên 6.647 tỷ đồng) nhưng LienVietPostBank vẫn tiếp tục đặt mục tiêu nâng vốn lên mức 9.000 tỷ đồng trong năm nay qua việc chào bán 254 triệu cổ phần.

Tóm tắt:

- Năm 2014 tăng trưởng tín dụng của LienVietPostBank đạt 31%, tỷ lệ nợ xấu về mức 1,1%; Lợi nhuận trước thuế đạt 535 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2013.

- Theo lý giải của lãnh đạo LienVietPostBank lợi nhuận giảm là do phần vì trích lập dự phòng rủi ro tăng...

- Năm 2015 ngân hàng này có kế hoạch tăng vốn điều lệ lên mức 9.000 tỷ đồng và đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 936 tỷ đồng, tăng 75% so với năm trước.


Chiều ngày 28/2015 Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt – LienVietPostBank đã tổ chức họp Đại hội đồng cổ đông năm 2015.

Năm 2014 lợi nhuận sụt giảm mạnh

Theo báo cáo của Hội đồng quản trị tại đại hội về kết quả kinh doanh năm 2014, tổng tài sản của ngân hàng này trong năm qua đạt 100.802 tỷ đồng, huy động vốn trên thị trường 1 là 77.820 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý là tăng trưởng tín dụng năm 2014 của LietVietPostBank tăng khá cao 31% với tổng dư nợ 46.399 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh từ 2,48% năm 2013 xuống còn 1,1% trong năm 2014.

Lợi nhuận trước thuế năm 2014 là 535 tỷ đồng (trong khi năm 2013 lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này là 664 tỷ đồng). Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị LienVietPostBank, nguyên do của lợi nhuận giảm một phần từ bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế.

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, song cũng như nhiều ngân hàng thương mại khác, LienVietPostBank tập trung cho việc trích lập dự phòng rủi ro, cũng như sẵn sàng cho việc thực hiện các tiêu chuẩn cao hơn, chặt chẽ hơn trong phân loại nợ và trích lập dự phòng theo Thông tư 09 - cơ chế mới áp dụng toàn diện từ năm 2015.

Mặt khác, từ khi thành lập đến nay, ngân hàng luôn xác định nền tảng khách hàng lớn là khu vực nông nghiệp nông thôn, bằng việc luôn duy trì tối thiểu 40% dư nợ cho khu vực này mà không đề cao, không chịu nhiều áp lực về yếu tố lợi nhuận. “Đây là khu vực cần các chính sách ưu đãi nhất, cụ thể là lãi suất. Vì vậy, lợi nhuận thu được không cao như các nhóm khách hàng khác, nhưng đổi lại chúng tôi có được lượng khách hàng lớn, bền vững và an toàn. 85% lượng tiền gửi của chúng tôi là từ dân cư, cũng phản ánh và có được từ sự gắn bó đó”, ông Hưởng nói.

Riêng trong năm 2014, lợi nhuận giảm còn có một số yếu tố khá riêng biệt. Ngoài việc tăng cường trích lập dự phòng và sẵn sàng áp dụng Thông tư 09, ông Hưởng cho biết, LienVietPostBank đã tập trung chi phí để đầu tư phát triển mạng lưới và công nghệ.

Năm 2015 sẽ tăng vốn điều lệ lên mức 9.000 tỷ đồng

Về việc tăng vốn điều lệ: Năm 2014 là một năm thất bại với kế hoạch tăng vốn của LienVietPostBank. Ngân hàng có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 6.460 tỷ đồng lên 6.647 tỷ đồng dưới hình thức chào bán cổ phần riêng lẻ cho Tổng công ty bưu điện Việt Nam (VNPost) và/hoặc công ty con của VNPost. Số lượng phát hành là 18,7 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên kế hoạch này đã không thực hiện được.

Dẫu vậy ngân hàng vẫn có tham vọng nâng vốn điều lệ từ 6.460 tỷ đồng lên mức 9.000 tỷ đồng thông qua việc chào bán 254 triệu cổ phần (mệnh giá 10.000 đồng/cp, tương đương 2.540 tỷ đồng) trong năm 2015

Năm 2015, LienVietPostBank cũng đặt mục tiêu sẽ tăng tổng tài sản lên mức 135.000 tỷ đồng; Huy động vốn thị trường 1 đạt 115.000 tỷ đồng. Về tăng trưởng tín dụng năm 2015 NHNN cho phép LienVietPostBank tăng trưởng tín dụng 13% (tương đương 55.188 tỷ đồng), tuy nhiên do thực hiện chính sách tam nông của Chính phủ nên LienVietPostBank dự kiến tăng trưởng tín dụng sẽ vượt mức và xin phép NHNN điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng lên 82.000 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế đạt 936 tỷ đồng, tăng 75% so với năm trước; tỷ lệ chi trả cổ tức là 8% và nợ xấu duy trì ở mức dưới 3% trên tổng dư nợ.

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên