MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Liệu có thể giảm lãi suất thêm 2%?

23-10-2015 - 18:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Ông Trần Du Lịch cho rằng, việc lãi suất giảm được hay không tuỳ thuộc sự cạnh tranh giữa ngân sách với thị trường. Khi lãi suất Trái phiếu còn ở mức cao và an toàn thì khó kích thích giảm lãi suất cho vay.

Phát biểu tại Hội thảo "Định vị hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu", TS. Trần Du Lịch, Uỷ viên Uỷ ban kinh tế Quốc hội, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia đã cung cấp thông tin về chương trình "Nối kết ngân hàng với doanh nghiệp" tại TPHCM.

Sau hơn 3 năm thực hiện, hơn 5.000 doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM được hưởng ưu đãi vay tín dụng. Số tiền vay lũy kế lên đến vài trăm ngàn tỷ đồng và quan trọng là các doanh nghiệp này đều không vướng nợ xấu mới.

“Tổ chức tín dụng vừa giải quyết được nợ xấu cũ, vừa thu được nợ mới đúng hạn. Đây là điểm khá đặc biệt để cho thấy trong quản lý kinh tế “mọi lý thuyết chỉ là màu xám, chính cây đời mới mãi mãi xanh tươi”. Sáng tạo “đánh du kích” đã giải quyết vấn đề”, ông Lịch đánh giá.

Tuy nhiên, ông Lịch cũng nhấn mạnh phần lớn nợ xấu được loại bỏ khỏi bảng cân đối kế toán của các tổ chức tín dụng sau khi bán cho công ty mua bán nợ VAMC. Chúng ta đã tạm gói được cái cũ, để tạo ra cái mới. Nhưng nếu không giải quyết ngay, gói tài sản này bất động vài năm lại quay lại thương mại, cái cũ trở về, tình hình sẽ phức tạp.

Qua số liệu đến hết tháng 9/2015, tăng trưởng kinh tế đạt yêu cầu đề ra, đóng góp nội địa tăng 6,5% (mục tiêu là 6,2%), CPI đạt 0,6%, tín dụng đạt trên 10%, tỉ lệ nợ xấu giảm xuống mức 2,9%. Ngân hàng Nhà nước đã đóng vai trò quan trọng trong mục tiêu ổn định vĩ mô.

Hiện nay, hầu hết các gói ưu đãi của Chính phủ đều giao cho khối tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện một chủ trương giải quyết chính sách ưu đãi tín dụng cho 5 ngành: Xuất khẩu, nông nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, các ngành ưu tiên trong lĩnh vực mà nền kinh tế phải phục vụ phát triển.

TP.HCM báo cáo các ngành ưu tiên chiếm 70% tín dụng đã cấp. Ngoài ra, các địa phương như TP.HCM còn hỗ trợ lãi suất thêm cho các hộ nông dân sản xuất các cây, các con phù hợp với nền nông nghiệp sinh thái và công nghệ cao thành phố.

Ông Lịch cũng nhận định: “Lượng tín dụng tăng được như hiện nay, chúng ta có một tín hiệu để hi vọng quan hệ tín dụng giữa tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trở lại một cách bình thường vào năm 2016, chứ không tiếp tục “đi đánh du kích” mãi nữa”.

Đồng thời, ông kiến nghị Ngân hàng Nhà nước, liệu trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt từ 2016 có thể giảm lãi suất xuống được không? Theo các doanh nghiệp mà tiến sỹ Trần Du Lịch gặp gỡ, với lạm phát kỳ vọng năm nay là 2% mà lãi suất vay trung hạn là 9% thì không thể tái cơ cấu được. Liệu, lãi suất có thể giảm 2% xuống 7% được hay không? Ông Trần Du Lịch cho rằng, việc lãi suất giảm được hay không tuỳ thuộc sự cạnh tranh giữa ngân sách với thị trường. Khi lãi suất Trái phiếu còn ở mức cao và an toàn thì khó kích thích giảm lãi suất cho vay.

Ông nhấn mạnh lãi suất này tùy thuộc tình hình thực tế vào sự cạnh tranh giữa ngân sách với thị trường. Hiện nay, Quốc hội đang bàn năm 2016 sẽ phát hành 60.000 tỷ trái phiếu còn lại trong gói 170.000 tỷ thì liệu có thể giảm lượng phát hành để giảm nợ công?

"Hiện nay, vấn đề lớn nhất giữa ngân hàng và doanh nghiệp chính là lãi suất, liệu có thể giảm lãi suất xuống được mới là quan trọng?”, TS. Trần Du Lịch đưa ra câu hỏi.

Mai Ngọc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên