MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Loại USD khỏi rổ đầu tư

17-04-2014 - 14:52 PM | Tài chính - ngân hàng

Thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng của NHNN khiến cho tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ điều chỉnh “ăn” chênh lệch luôn thường trực với người dân và giới đầu cơ trước đây đã không còn.

Khoảng hơn 3 năm trước, biến động tỷ giá là một trong những thủ phạm gây khó khăn đối với điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của NHNN và nó cũng tác động làm ảnh hưởng tới sự bất ổn của kinh tế vĩ mô.

Việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN do nhiều nguyên nhân, với những mục tiêu khác nhau, tùy từng thời kỳ. Nhưng, bất cứ lần điều chỉnh tỷ giá nào cũng gây sức ép đến lạm phát.

Có thể điểm lại những lần điều chỉnh tỷ giá VND/USD với biên độ lớn như: cuối tháng 11/2009, NHNN đã điều chỉnh tỷ giá USD/VND tăng thêm đến 5,44%; đến đầu tháng 2/2010, tỷ giá được điều chỉnh thêm 3,36%. Và một năm sau, NHNN đã tiếp tục điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng từ 18,932 đồng lên 20,693 đồng/USD, tăng 9,3%. Đây là mức tăng kỷ lục, khiến lạm phát của Việt Nam tính theo năm trong năm 2010 là 11,75%, đã tăng lên mức kỷ lục 18,58% vào năm 2011. Lần điều chỉnh này đánh dấu sự thay đổi cách điều hành tỷ giá của NHNN. Trước hết, đó là luôn luôn đưa ra thông điệp rõ ràng đối với điều chỉnh tỷ giá ngay từ đầu năm.

Gần đây nhất, năm 2013, NHNN đưa ra thông điệp điều chỉnh từ 1 - 3%, nhưng cũng chỉ điều chỉnh 1% vào giữa năm. Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), có những thời điểm tỷ giá chịu áp lực tăng nhưng chủ yếu do yếu tố tâm lý, sau khi NHNN thực hiện đồng bộ các biện pháp thì tỷ giá đã ổn định trở lại. Tâm lý găm giữ ngoại tệ được đẩy lủi một bước, hoạt động của thị trường tự do bị thu hẹp, tình trạng đô la hóa giảm, lòng tin vào đồng nội tệ được nâng cao.

Thứ hai, theo phân tích của các chuyên gia ngân hàng, điểm đặc biệt trong điều hành CSTT nói chung và riêng với tỷ giá là từ đầu năm 2013 đến nay, NHNN đã sử dụng nghiệp vụ thị trường mở (OMO) thường xuyên và mạnh mẽ với tần suất liên tục. Bằng công cụ này, không những NHNN điều hành cung tiền hợp lý mà còn hỗ trợ hiệu quả để giữ tỷ giá ổn định. Vào những thời điểm các NHTM có dư thanh khoản mua vàng, mua USD thì NHNN hút tiền về bằng cách bán tín phiếu ra để thu hút tiền vào. Khi đó, các NHTM không còn dư để mua USD nữa. Thậm chí trong quý I/2014, nhiều NHTM còn bán USD cho NHNN.

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2014, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình một lần nữa khẳng định, diễn biến thị trường ngoại tệ rất ổn định, thể hiện ở việc chỉ trong quý I/2014, NHNN đã mua vào 7,7 tỷ USD tăng dự trữ ngoại hối. “Tất nhiên, vị thế đối ngoại đất nước tăng lên cũng rất phấn khởi, nhưng chính sách tiền tệ khó khăn vì phải bơm ra một lượng tiền đồng tương đương 7,7 tỷ USD, nhưng không làm tăng lạm phát, biến động tỷ giá gây áp lực lớn trong điều hành”, Thống đốc nói về thành công.

Với thông điệp mạnh mẽ, rõ ràng, khiến cho tâm lý găm giữ ngoại tệ chờ điều chỉnh “ăn” chênh lệch luôn thường trực với người dân và giới đầu cơ trước đây đã không còn. Chợ đô la trên phố Hà Trung (Hà Nội) không còn tấp nập như xưa, dù đôi lúc USD ngoài thị trường tự do có nhỉnh hơn chút ít nhưng chỉ tạo sóng về tâm lý trong vài ngày rồi lại trở về bình thường. Một điểm cộng nữa cho điều hành chính sách tỷ giá của NHNN là nếu vào đầu năm nay, cụ thể là ngày 3/1/2014, tỷ giá tại NHTM mua vào 21.075 đồng/USD, bán ra 21.115 đồng/USD và thời điểm này (ngày 10/4) vẫn ở mức trên.

Về phía DN có nhu cầu ngoại tệ, theo ông Nguyễn Văn Châu, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc CTCP Thúy Đạt (chuyên sản xuất hàng dệt, may xuất khẩu), so với vài ba năm về trước, nguồn USD cho vay các DN làm hàng xuất nhập khẩu đã “dễ chịu” hơn rất nhiều. Điều này đã hỗ trợ tốt hơn cho các DN trong việc cạnh tranh, mở rộng thị trường xuất khẩu. Còn với người dân, tâm lý găm giữ ngoại tệ đã không còn và gần như trong “rổ” đầu tư thì USD đang yếu thế nhất. Nhiều người đã quyết định loại USD khỏi kênh đầu tư của mình vì không nhìn thấy khả năng sinh lời trong tương lai.


Theo Chí Kiên

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên