MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lợi nhuận ngân hàng không dễ khởi sắc

02-11-2015 - 14:37 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo các ngân hàng thương mại, lợi nhuận năm nay chưa tươi sáng trở lại.

Lợi nhuận của các ngân hàng (NH) cao bao giờ cũng là niềm mong mỏi của các cổ đông, nhà đầu tư (NĐT) và của chính lãnh đạo NH. Vì vậy, thời gian qua trong bối cảnh nền kinh tế còn khó khăn, áp lực tạo lợi nhuận ở các nhà băng là không nhỏ, thậm chí đến mức “nhìn lại trước đây mà phát thèm”.

Theo các chuyên gia, thời điểm trước năm 2011, sở dĩ lợi nhuận ở một số NH ở mức cao là bởi tăng trưởng tín dụng có một thời gian bùng nổ, bình quân trên 30%, trong đó có năm lên tới 50%, trong khi các NH thường tìm kiếm lợi nhuận ở tín dụng là chủ yếu (chiếm khoảng 80-85%).

Đơn cử như năm 2010, các NHTM lớn có con số lợi nhuận sau trích lập dự phòng trên dưới 5.000 tỷ đồng, các NH bậc trung cũng khoảng 2.000 - 3.000 tỷ đồng, những NH sinh sau khoảng 1.000 tỷ đồng. Nhưng những năm sau đó, khi hệ thống NH đi vào tái cơ cấu, việc kiếm lợi nhuận NH không còn “dễ thở”. Đặc biệt thời điểm năm 2012, không ít NH do hoạt động kinh doanh từ vàng gặp khó khăn, cùng với tín dụng tăng chậm, đã kéo lợi nhuận xuống mạnh.

Từ năm 2014 và đặc biệt năm 2015, tín dụng đã tăng trở lại và năm nay tín dụng toàn hệ thống NH có thể tăng khoảng 17%, thì lợi nhuận liệu có khấm khá? Tuy nhiên, theo các NHTM, lợi nhuận năm nay cũng chưa tươi sáng trở lại. Theo đó, ngay từ đầu năm nay, các NH rất thận trọng khi đề ra kế hoạch lợi nhuận. Vậy vì sao lợi nhuận của các NH lại vẫn chưa thể khả quan?

Thứ nhất, khi NH phải thực hiện các tiêu chuẩn mới theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài thì một số khoản chi phí tăng lên.

Thứ hai, các NH vẫn phải trích lập mạnh dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu để hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức dưới 3% như vừa đạt được.

TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia cho rằng, vì phải trích lập dự phòng rủi ro và nỗ lực đưa nợ xấu về mức dưới 3% nên lợi nhuận NH khá thấp. Các TCTD cũng không thể “lơ” việc xử lý nợ xấu được bởi về mặt quản lý Nhà nước, văn bản số 5057/NHNN-TTGSNH đã yêu cầu các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài thực hiện phân loại nợ theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN.

Văn bản này yêu cầu, định kỳ hàng tháng, các TCTD phải thực hiện phân loại nợ theo quy định tại Thông tư 02 cho đến khi có thông báo mới của NHNN. Các chuyên gia cho rằng, Thông tư 02 buộc các NH phải quản lý chặt chẽ hơn vấn đề nợ xấu và cũng giúp cho các NH theo sát với thông lệ quốc tế hơn, nên có thể bước đầu ảnh hưởng tới lợi nhuận. Tuy nhiên, nợ xấu sẽ được xử lý tốt và mở đường cho tương lai.

Thứ ba, lãi suất cũng đặt ra nhiều thách thức với các NH, nhất là trong bối cảnh lạm phát năm nay ở mức thấp và cạnh tranh giữa các NH với nhau rất mạnh mẽ. Nên chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra (NIM) ở các NH đang khá thấp.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia NH, NIM hiện nay ở các NH chỉ khoảng 2,7%, trong khi bình thường phải khoảng 3 - 3,5% thì mới đảm bảo NHTM hoạt động có lãi tốt trong hoạt động tín dụng. Điều này cũng cho thấy tỷ suất lợi nhuận sinh lời của hệ thống NH rất thấp, nó chỉ khoảng trên 5% một chút.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh doanh cũng khẳng định, giai đoạn trước đây lợi nhuận NH thường có mức tăng trưởng khoảng 30%, còn hiện nay thì ở mức rất thấp.

Chí Kiên

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên