MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mặt bằng lãi suất cho vay có thể tăng

15-01-2016 - 08:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo BVSC, chi phí vốn huy động tăng lên chắc chắn sẽ gây áp lực trở lại đối với lãi suất cho vay.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), kể từ tuần cuối tháng 12 đến nay, thị trường bắt đầu ghi nhận đợt điều chỉnh lãi suất huy động tại một số ngân hàng. Đáng chú ý, đợt tăng lãi suất này không xuất phát từ các ngân hàng nhỏ như thường thấy mà có sự tham gia của các ngân hàng thuộc tốp đầu của khối cổ phần và quốc doanh, điển hình như Vietinbank, BIDV, Sacombank, MB…

Ở một diễn biến khác, sự căng thằng của lãi suất liên ngân hàng trong hai tháng qua cũng là điểm đáng lưu ý. Lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần hiện đều đã ở mức trên 5%/năm- mức cao nhất trong vòng hai năm qua. Mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hiện tại cho thấy tín hiệu căng thẳng cục bộ về thanh khoản trong hệ thống.

Theo BVSC, điều này khớp với dự báo của công ty trước đó, vào thời điểm cuối năm, các ngân hàng thường có tâm lý thận trọng và gia tăng dự trữ nhằm đảm bảo nhu cầu thanh khoản tăng cao.

Mặc dù vậy, đối với diễn biến tăng của lãi suất huy động hiện nay, BVSC thiên về khả năng các ngân hàng lớn đang đi chủ động “đi trước một bước” nhằm chuẩn bị nguồn vốn kinh doanh cho năm 2016 khi chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng được NHNN định hướng lên tới 20%. Chi phí vốn huy động tăng lên chắc chắn sẽ gây áp lực trở lại đối với lãi suất cho vay. BVSC dự báo mặt bằng lãi suất cho vay năm 2016 sẽ tăng khoảng 0,5 – 1%/năm.

Trước đó, tại phiên họp trực tuyến tổng kết năm 2015 của Chính phủ hồi cuối tháng 12, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã khẳng định mặt bằng lãi suất hiện nay là phù hợp với định hướng lâu dài theo mục tiêu lạm phát và dư địa để giảm mặt bằng lãi suất xuống nữa là rất khó.

Thậm chí Thống đốc còn phân tích, từ 6 tháng cuối năm 2015 đã có nhiều áp lực tăng lãi suất bởi nhu cầu vốn từ ngân hàng tăng rất mạnh. Tăng trưởng tín dụng của năm 2015 xấp xỉ khoảng 18%, trong khi đó tốc độ huy động vốn đạt 13%, như vậy, để đảm bảo tăng trưởng vốn tín dụng thì nhu cầu về vốn phải tăng lên rất nhiều, trong khi vẫn phải dành một lượng vốn lớn để hỗ trợ cho trái phiếu Chính phủ. Thống đốc khẳng định ông "phân tích thực tế đó trên cơ sở cơ cấu nguồn vốn như vậy, để thấy áp lực tăng lãi suất là rất cao".

 

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên