MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Năm 2015: Kinh doanh ngân hàng sẽ bớt khó khăn

04-05-2015 - 08:19 AM | Tài chính - ngân hàng

Về cơ bản bức tranh kinh doanh của các ngân hàng trong năm nay sẽ bớt khó khăn hơn các năm trước. Bởi lẽ vấn đề nợ xấu đang từng bước được giải quyết thông qua việc các tổ chức tín dụng tự trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC.

Đã có một số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý I/2015. Kết quả bước đầu cho thấy, hầu hết các ngân hàng đều vượt kế hoạch đề ra, nhiều ngân hàng dự định sẽ điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay.

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo rằng, năm nay sẽ là một năm kinh doanh bớt khó khăn hơn đối với các ngân hàng ở Việt Nam.

Hồ hởi báo lãi

Theo kết quả kinh doanh quý I vừa được Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thông báo, lợi nhuận trước thuế của riêng ngân hàng Eximbank đạt 545 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ 2014. Tính đến thời điểm 31/3/2015, tổng tài sản của Eximbank hiện khoảng 145.000 tỷ đồng; huy động vốn từ các tổ chức kinh tế và dân đạt 99.317 tỷ đồng; dư nợ cho vay đạt hơn 82.264 tỷ đồng; tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) đạt 13,79%, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn là 23,37%; tỷ lệ cho vay trên huy động vốn là 82,83%.

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) – Một trong những ngân hàng đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng khá cao trong hệ thống các ngân hàng TMCP cũng vừa công bố kết quả kinh doanh quý I.

Theo đó, lợi nhuận lũy kế đến 31/3/2015 của TPBank đạt 134 tỷ, vượt chỉ tiêu kế hoạch và tăng 12% so với cùng kì năm 2014. Huy động vốn tăng gần 11% so với đầu năm và tăng hơn 64% so với cùng kỳ năm trước; tín dụng quý I tăng 61% so cùng kỳ năm 2014.

Dựa vào kết quả kinh doanh quý I vừa qua, lãnh đạo TPBank chia sẻ: Mục tiêu đề ra cho năm 2015 của ngân hàng này hoàn toàn có thể đạt được.

Được biết, năm 2015 TPBank đặt kết hoạch nâng tổng tài sản lên trên 70.000 tỷ đồng, tăng 136% so với 2014, huy động vốn đạt trên 59.200 tỷ đồng, tăng 126% so với 2014, dư nợ tín dụng đạt hơn 40.400 tỷ đồng tăng 170% so với 2014. Lợi nhuận trước thuế đạt 620 tỷ đồng, tăng 115% so với 2014. Chất lượng tín dụng vẫn duy trì tốt và kiểm soát nợ xấu ở mức dưới 2%.

Tại cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2015 vừa diễn ra, ông Đỗ Minh Toàn - Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cũng đã chia sẻ với cổ đông về kết quả kinh doanh quý I của ngân hàng với 359 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng trưởng tín dụng hơn 3%. Cả năm ACB đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 13 – 15% và lợi nhuận trước thuế là 1.314 tỷ đồng.

Cũng theo ông Toàn, năm nay ACB có kế hoạch bán nợ xấu cho VAMC là 1.000 tỷ đồng. Đồng thời tự xử lý 1.600 tỷ đồng nợ xấu và trích lập dự phòng khoảng 2.000 tỷ đồng.

Với khoản dự phòng như vậy, trong năm nay ngân hàng sẽ xử lý gần như xong những tồn đọng của năm 2012 trở về trước. Năm 2016 ngân hàng dự kiến lợi nhuận 3.000 tỷ đồng và sẽ trở lại vị thế của ACB trước đây trong vòng 18 tháng tới.

Tổng giám đốc ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội ( SHB ) Nguyễn Văn Lê cũng cho biết, tính đến hết quý I năm nay tăng trưởng tín dụng của SHB đạt 7,6%, lợi nhuận trước thuế 219 tỷ đồng.

“Mức tăng trưởng tín dụng 11% do SHB đề ra xin ý kiến cổ đông là do từ đầu năm trên cơ sở chính sách dụng của NHNN thì SHB được phép tăng 11%. Tuy nhiên, căn cứ vào kết quả kinh doanh của quý I vừa qua thì rất có thể đến hết quý II chúng ta sẽ hoàn thành kế hoạch tăng trưởng tín dụng 11%. Vì thế chúng tôi dự kiến sẽ  xin thêm chỉ tiêu tăng trưởng lên mức 15% và đi cùng với đó là lợi nhuận 2015 của SHB cũng sẽ tăng so với kế hoạch (năm 2015 SHB đặt kế hoạch đạt 1.120 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế)” – Ông Lê nói với cổ đông.

Tại ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank), mặc dù không công bố con số cụ thể nhưng theo ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT thì kết quả kinh doanh của quý I năm nay của ngân hàng này đã vượt 20 – 30%. Và Techcombank cũng có dự kiến sẽ xin phép NHNN điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng lên 35% cho năm 2015 này, trước đó ngân hàng này chỉ đặt mức tăng trưởng tín dụng khiêm tốn 11%.

Bớt gánh nặng nợ xấu tín dụng sẽ tăng mạnh hơn

Theo dự báo của một chuyên gia tài chính, về cơ bản bức tranh kinh doanh của các ngân hàng trong năm nay sẽ bớt khó khăn hơn các năm trước. Bởi lẽ vấn đề nợ xấu đang từng bước được giải quyết thông qua việc các tổ chức tín dụng tự trích lập dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC.

Theo nhận định của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, việc giải quyết nợ xấu của các tổ chức tín dụng đang nhanh hơn so với số lượng nợ xấu mới phát sinh.

Ông Trương Văn Phước – Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng đồng tình với quan điểm này và nhấn mạnh rằng: Năm 2014 nếu không trích lập dự phòng rủi ro tín dụng thì lợi nhuận của hệ thống ngân hàng sẽ tăng 6% nhưng do phải trích lập để xử lý nợ xấu do đó lợi nhuận của hệ thống đã giảm 25,8%.

“Nợ xấu đang được khoanh lại và kinh tế đang phục hồi đó là yếu tố quan trọng để tín dụng của năm nay có tốc độ tăng trưởng nhanh hơn. Điều đó đồng nghĩa với việc lợi nhuận của các tổ chức tín dụng cũng tăng cao hơn vì ở Việt Nam hiện nay lợi nhuận của các ngân hàng chủ yếu đến từ các hợp đồng tín dụng (chiếm 90 – 95%) – Ông Phước nói.

Khánh Nhi

Hạnh Lệ

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên