Năm 2015: Rủi ro pháp lý sẽ là trọng yếu đối với ngành ngân hàng
Nhìn vào môi trường kinh doanh của năm 2015, sẽ có nhiều thay đổi thách thức đối với doanh nghiệp cũng như ngân hàng.
Năm 2014 khép lại được xem là một năm nhiều sự kiện đối với ngành tài chính ngân hàng, đặc biệt là ở góc độ pháp lý; với những vụ kiện tụng – xét xử nhiều vụ án lớn, có ảnh hưởng nhiều đến xã hội. Cuộc trò chuyện của chúng tôi với luật sư Trần Minh Hải – Công ty luật Basico là một lát cắt về lĩnh vực tài chính – ngân hàng trong năm 2014.
Là một luật sư bám sát với các hoạt động của ngành tài chính ngân hàng, năm 2014 là một năm như thế nào đối với ông?
Năm 2014 vừa qua đúng là một năm mà tôi có sự hợp tác, gắn bó sâu hơn với ngành ngân hàng. Cùng Công ty Luật Basico, tôi và các đồng nghiệp đã triển khai thêm nhiều dự án tư vấn nghiệp vụ, thêm nhiều khóa đào tạo pháp lý cho các ngân hàng, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, năm qua có lẽ là một năm bộn bề nhất về đại án ngân hàng đối với bản thân tôi cũng như các luật sư của BASICO. Đầu năm, chúng tôi tranh tụng trong phiên toà sơ thẩm Đại án Huyền Như để bảo vệ cho Công ty Chứng khoán Phương Đông (ORS) và Ngân hàng Nam Việt.
Sau đó là hàng loạt vụ án khác về ngân hàng, đặc biệt 6 phiên toà sơ thẩm, phúc thẩm trong các Đại án của ngành như Đại án Tham nhũng VDB Đăk Nông, Đại án Bầu Kiên... Trong các đại án ngân hàng này, các luật sư BASICO là luật sư bảo vệ chủ đạo cho các ngân hàng như Navibank, ACB, Ngân hàng OCB. Năm 2014 khép lại với chúng tôi bằng việc hoàn tất nhiệm vụ của mình với Đại án Huyền Như phúc thẩm.
Ấn tượng nhất của ông trong năm qua là gì?
Đó là những xung đột về áp dụng pháp luật xoay quanh hoạt động của hệ thống ngân hàng như vấn đề quyền tự do kinh doanh của doanh nhân, doanh nghiệp qua Đại án Bầu Kiên, về phân định trách nhiệm của ngân hàng với khách hàng qua Đại án Huyền Như, về những tiền lệ xấu trong mối quan hệ hợp tác nghiệp vụ kinh doanh giữa các ngân hàng trong Đại án VDB Đăk Nông... Những xung đột trong vận dụng pháp luật này phần lớn đã trở thành những bài học đắt giá cho ngân hàng, doanh nghiệp và sẽ còn là những vấn đề tác động lâu dài tới hệ thống ngân hàng, nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tôi cũng ấn tượng về những thay đổi lớn phù hợp với thuộc tính thị trường trong việc ban hành một số chính sách pháp luật trực tiếp liên quan đến doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.
Những chính sách đổi mới như giản lược nội dung bắt buộc đăng ký kinh doanh, trao quyền tự quyết con dấu cho doanh nghiệp, bỏ trần định mức khống chế chi khuyến mại, quảng cáo… là những bước khởi đầu cho một sự chuyển biến tích cực về tốc độ phát triển kinh doanh phù hợp quy luật thị trường trong nhiều năm nữa.
Nhiều người nói rằng, ngân hàng càng khó khăn, các vụ án càng diễn ra nhiều thì các luật sư lại càng vui vì có nhiều việc để làm. Ông thấy sao về ý kiến này?
Không hẳn như vậy, bởi lẽ chúng tôi luôn tâm niệm trong nghề nghiệp luật sư, việc tư vấn giống như phòng bệnh, việc tranh tụng vụ án giống như chữa bệnh cho Khách hàng. Với các căn bệnh pháp lý, thì việc “phòng” thực chất có giá trị hơn là “chống”. Hoạt động của Basico cũng lấy trọng tâm hướng về cung cấp các dịch vụ tư vấn pháp lý đa dạng cho giới ngân hàng và giới doanh nghiệp.
Về nguyên lý, vào thời điểm kinh doanh thuận lợi, các doanh nghiệp sẽ không ngần ngại dành một khoản ngân sách chi thuê tư vấn luật.
Nhưng tại những thời điểm kinh doanh khó khăn, mọi nguồn kinh phí hoạt động trở nên eo hẹp, thì việc sử dụng dịch vụ tư vấn luật sẽ có nhiều trở ngại đối với doanh nghiệp. Trước thực trạng này, đồng hành với doanh nghiệp, ngân hàng, thì các luật sư nên lo nhiều hơn là vui.
Theo ông năm 2015 sẽ là một năm như thế nào đối với các doanh nghiệp tài chính - ngân hàng, ở góc độ pháp lý?
Trước hết hãy nhìn vào môi trường kinh doanh của năm 2015, sẽ có nhiều thay đổi thách thức đối với doanh nghiệp cũng như ngân hàng.
Sự hình thành của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), cùng khả năng hội nhập toàn diện khi Việt Nam đàm phán thành công Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) là những tác động bên ngoài vào môi trường kinh doanh.
Điều này đòi hỏi doanh nghiệp, ngân hàng phải nhận thức được những thông tin pháp lý, chính sách thỏa thuận cam kết quốc tế cũng như những thay đổi dự kiến trong chính sách pháp luật quốc gia, để thích ứng kịp sự hội nhập, cạnh tranh, phát triển.
Hàng loạt các thay đổi về cơ chế, chính sách pháp luật kinh doanh trọng yếu vừa qua và sắp tới cũng đòi hỏi doanh nghiệp, ngân hàng phải có sự chuyển đổi cơ chế, chính sách nội bộ của mình.
Để tồn tại, doanh nghiệp cũng như ngân hàng phải tiếp tục vật lộn, tìm kiếm sáng tạo những định hướng mới, sản phẩm mới, dịch vụ mới trong hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, những hậu quả pháp lý đa dạng trong môi trường kinh doanh của năm 2014 và những năm trước đó khiến cho rủi ro pháp lý trở thành thách thức trọng yếu nhất đối với doanh nghiệp, ngân hàng.
Vậy thì, năm 2015 sẽ là một năm chứng kiến sự thay đổi trong quản trị rủi ro pháp lý kinh doanh của doanh nghiệp, ngân hàng, trên nguyên tắc rủi ro kinh doanh luôn song hành với rủi ro pháp lý.
Xin cảm ơn ông!
Khánh Nhi (thực hiện)