Năm 2016, làm gì để giàu?
Làm sao để giàu là vấn đề được cả nhân loại quan tâm. Và với người Á Đông, vấn đề này lại càng được chú ý hơn nữa. Mỗi khi Tết đến xuân về, người người lại chúc nhau giàu sang phú quý, phát tài phát lộc, người ta cũng đi đến nhà thờ, đình chùa, các địa điểm tâm linh để cầu an vui, hạnh phúc và giàu sang.
- 07-02-2016Café với Broker chứng khoán ngày tết
- 06-02-2016Nỗi niềm Broker trong ngày cuối năm
- 25-01-201610 sai lầm phong thủy khiến bạn làm mãi cũng không giàu
Vậy trong năm 2016, năm con Khỉ, người có tiền nên “đổ” vào đâu để tiền sinh tiền nhiều hơn nữa? Hiện có khá nhiều quan điểm khác nhau, song hầu hết các chuyên gia đều cho rằng, với bối cảnh nền kinh tế nước ta và thế giới hiện nay thì gửi tiết kiệm, tiếp đó là bất động sản sẽ là các kênh đầu tư hấp dẫn hơn cả. Nhân dịp đầu xuân mới, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Bùi Quang Tín về quan điểm của ông trong việc đầu tư năm nay.
PV: Thưa ông, ông có nghiên cứu về phong thủy hay không và năm Bính Thân sẽ hợp với đầu tư gì?
TS. Bùi Quang Tín: Tôi không phải là người nghiên cứu về phong thủy, nhưng là người Á Đông, tôi cũng có lưu tâm đôi chút.
Năm Bính Thân theo cách tính âm lịch của người Việt sẽ bắt đầu vào ngày 8/2/2016 và kết thúc vào ngày 27/1/2017. Trong năm nay, tình hình kinh tế khả quan hơn, và mỗi người sẽ đạt được những điều mà mình mong muốn.
Nền kinh tế 2016 sẽ có nhiều dấu hiệu tích cực, điều này có thể tiếp tục tới nửa đầu năm 2017. Năm nay, sao Nhị hắc Hành Thổ sẽ chi phối chính khu vực trung tâm nên những người hoạt động kinh doanh hay sản xuất trong các ngành công nghiệp năng lượng, giải trí, thị trường, giao thông, công nghệ cao, khai thác, an ninh, môi trường, bất động sản, nông nghiệp và tài chính (trong đó bao gồm cả lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, các quỹ đầu tư) sẽ có một năm khởi sắc. Những người làm ngân hàng, kỹ sư sẽ tích cực hơn nhưng phải gặp sức cạnh tranh lớn.
Ngoài ra, lĩnh vực kinh doanh liên quan đến kim loại như vàng cũng có thể sẽ gặt hái kết quả khả quan. Đầu tư đất đai cũng có màu tươi sáng.
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư cũng cần phải thận trọng với những biến động mạnh của thị trường sau giai đoạn làm ăn “phất” những tháng đầu năm. Con giáp này sẽ chuyển sang “oanh tạc” các lĩnh vực dầu khí, ngành công nghệ, viễn thông và internet.
Ông vừa nhắc tới vàng, vậy dưới góc nhìn kinh tế thì vàng sẽ hưởng lợi gì trong năm nay?
Trong những tuần đầu của năm 2016, vàng trong nước vẫn tỏ ra khá vững vàng bất chấp nhiều cơn rung lắc của giá vàng trên thị trường thế giới. Cụ thể giá vàng trong nước thường dao động trong khoảng 32,50 - 33 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, có những thời điểm giá thế giới điều chỉnh mạnh nhưng vàng trong nước lại tỏ ra khá bình thản. Chính sự điềm tĩnh gần đây của vàng trong nước mà khoảng cách chênh lệch giá giữa hai thị trường nội - ngoại chỉ duy trì phạm vi hẹp là quanh 3,2- 3,4 triệu đồng/lượng.
Xét ở khía cạnh vĩ mô thì thời điểm này giá vàng trong nước còn chịu sự ảnh hưởng khó lường từ tác động của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là sự sụt giảm của TTCK toàn cầu và giá dầu thô.
Trong những ngày đầu của tháng 2/2016, giá vàng thế giới tăng thêm khoảng 70 USD/oz, tức hơn 6% so với cuối tháng 1, đến thời điểm sáng ngày 6/2/2016 đã vượt 1.170 USD/oz. Các điều kiện tài chính trên thế giới đang bị siết chặt và triển vọng kinh tế toàn cầu yếu kém có thể ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế Mỹ và nền kinh tế các nước, trong đó có Trung Quốc, Nhật, các nước Châu Âu, …và điều này có lợi cho vàng. Kim loại quý cũng được hỗ trợ hơn nữa bởi đang có nhiều dự đoán cho rằng Fed có thể sẽ không nâng lãi suất mạnh tay trong năm nay do các điều kiện kinh tế đầu năm 2016 không tích cực như kỳ vọng.
Với những lý do như vậy, tôi cho rằng, giá vàng thời gian tới vẫn có thể tiếp tục tăng trên mức giá hiện nay. Tuy nhiên, cùng với lợi nhuận là rủi ro rất lớn khi kinh doanh trong thị trường này. Theo số liệu thống kê của các nhà kinh doanh vàng tại thị trường Việt Nam, tỷ lệ rủi ro thường trên 90% với nhà đầu tư, do đó, các nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.
Nhiều người cho rằng, với tình hình kinh tế trong nước hiện nay, gửi tiền ngân hàng sẽ có lợi hơn cả, quan điểm của ông thì sao?
Hiện nay, lãi suất tiền gửi VNĐ ở kỳ hạn 36 tháng cao nhất ở một số ngân hàng lên đến 8%/năm. Dự kiến lãi suất có thể tăng thêm 1-2%/năm trong vòng 6 tháng tới khi mà các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản, ….trở nên sôi động hơn và lúc đó nhu cầu vốn VNĐ sẽ ngày càng tăng. Do đó, tính bình quân trong vòng 1 năm tới thì lãi suất sẽ tăng và người gửi tiền có thể hưởng lãi suất lên tới 9,5%. Do đó, gửi tiền vào ngân hàng, theo tôi cũng là một kênh vừa an toàn lại vừa hấp đẫn.
Vậy còn kênh đầu tư là bất động sản thì sao?
Chính thức bước vào quý đầu tiên của năm 2016, thị trường BĐS đang cho thấy tín hiệu tích cực khi nhiều doanh nghiệp nô nức các hoạt động khởi công, mở bán. Sức hút của thị trường thể hiện qua lượng giao dịch sôi động ngay cận Tết âm lịch. Xét về yếu tố kinh tế, năm 2015 được xem là có sự phục hồi mạnh mẽ của cả trong nước lẫn quốc tế. Đi kèm với đó là các chính sách vĩ mô và luật kinh doanh BĐS 2015 ra đời có hiệu lực từ ngày 1/7/2015 cởi mở hơn, cùng chính sách cho phép người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam là những động lực để thị trường BĐS có những tín hiệu hồi phục tích cực về thanh khoản và mức giá đã có xu hướng tăng nhẹ. Tiếp đà tăng trưởng năm 2015, thị trường BĐS năm 2016 hứa hẹn sẽ có những kỳ tích ấn tượng hơn nữa với nhiều cơ hội được mở ra.
Xét trong dài hạn hơn, nền kinh tế nước ta đang tiếp tục được cải thiện, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, quy mô hộ gia đình giảm, dân số trẻ, …là những yếu tố then chốt thúc đẩy nguồn cầu BĐS trong một vài năm tới.
Nhưng cơ quan quản lý (NHNN) đang có dự định siết tín dụng đối với bất động sản, ông có cho rằng động thái này sẽ làm cho thị trường nhà đất bớt nóng hơn hay không?
Trong năm 2015, tín dụng trong lĩnh vực BĐS tăng trưởng cao hơn những năm trước. Theo Vụ Tín dụng (NHNN), hiện dư nợ cho vay kinh doanh BĐS vào khoảng 360.000 tỷ đồng. Như vậy, so với con số cách đây 3 năm (2012) khoảng 197.000 tỷ đồng, thì các ngân hàng đã “bơm” thêm vào lĩnh vực địa ốc 163.000 tỷ đồng (khoảng 7,4 tỷ USD), tăng 80%.
Còn theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tính đến cuối năm 2015, nhà đầu tư nước ngoài đã “rót” 2,39 tỷ USD vốn vào lĩnh vực kinh doanh BĐS tại Việt Nam, trong đó 34 dự án cấp mới và 12 lượt dự án tăng vốn. Như vậy, vốn ngoại vào BĐS chiếm 10,5% tổng vốn đầu tư và xếp thứ 3 về mức độ quan tâm.
Tín dụng BĐS đang có xu hướng tăng cao khi ngân hàng rộng cửa cho vay đã làm dấy lên lo ngại về tình trạng bong bóng bất động sản. Báo cáo kinh tế vĩ mô của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, sự phục hồi của BĐS là tín hiệu tích cực với nền kinh tế, tuy nhiên, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường này và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng BĐS có tính chu kỳ.
Chính phủ đã lưu ý NHNN cần chú trọng kiểm soát chặt chẽ các khoản cấp tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro bất động sản, dự án thu hồi vốn thời gian dài... tại Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016.
Việc xem xét sửa đổi Thông tư 36 với nội dung giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến bất động sản. NHNN muốn phát đi tín hiệu về dự kiến sẽ kiểm soát đối với thị trường về tốc độ tăng trưởng khá nóng của mảng kinh doanh đầu tư bất động sản trong năm 2015 vừa qua.
Việc điều chỉnh tỷ trọng rủi ro trong dự thảo sửa đổi TT36 sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp bất động sản, cổ phiếu của họ trong dài hạn cũng như các nhà đầu tư trên thị trường BĐS trong năm nay bởi việc này sẽ ảnh hưởng tới khả năng tiếp cận vốn các chủ đầu tư bất động sản trong năm nay và cũng sẽ ảnh hưởng tới nhu cầu mua nhà ở các dự án mà phân khúc người mua chủ yếu là các đối tượng đầu cơ. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giảm trần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để tài trợ cho vay trung dài hạn cũng sẽ ảnh hưởng tới phân khúc cho vay mua nhà trả góp đối với một số ngân hàng đang có tỷ lệ này ở ngưỡng cao.
Xét giữa các yếu tố hỗ trợ và bất lợi, tôi cho rằng kênh đầu tư BĐS trong năm nay vẫn còn nhiều hấp dẫn cho các nhà đầu tư và tỷ lệ lợi nhuận được kỳ vọng sẽ không thấp hơn năm 2015. Tuy nhiên, chúng ta cần luôn luôn lưu ý đến các chính sách điều chỉnh trên thị trường tài chính, bất động sản, … của Nhà nước nhằm có sự đầu tư kinh doanh phù hợp và đạt được tỷ lệ lợi nhuận như mong muốn và giảm được rủi ro cho dòng vốn đầu tư của mình.
Tôi đánh giá rằng, kênh đầu tư này được kỳ vọng sẽ mang đến mức lợi nhuận trung bình cho nhà đầu tư khoảng từ 15 – 30% trong năm nay.
Vậy còn đầu tư vào cổ phiếu thì sao thưa ông?
Khả năng tăng trưởng của TTCK trong dài hạn là rất lạc quan. Thứ nhất, thị trường đang được hỗ trợ bởi sự cải thiện của kinh tế vĩ mô. Thứ hai, Việt Nam đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của thị trường mà nới room cho nhà đầu tư nước ngoài là 1 điển hình..
Theo tính toán, tỷ lệ thu nhập hàng năm từ đầu tư (Yield) của TTCK hiện trên khoảng 8%, mức thu nhập bình quân trên 1 cổ phiếu (EPS) khoảng 13%/năm, với hệ số giữa giá cổ phiếu trên lợi nhuận (P/E) thị trường chung 7-8 lần (không tính nhóm cổ phiếu ngân hàng).
Nhằm chọn lựa loại và nhóm cổ phiếu để đầu tư thì chúng ta cần lưu ý là trong 6 tháng cuối năm thường là giai đoạn hạch toán doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp (DN) xây dựng, xây lắp (như CTD, FCN, LCG, HUT, PPI), viễn thông (ITD, ELC), BĐS (KDH, BCI, VPH, ITC, CEO) và vật liệu xây dựng (BMP, DNP, DHA, KSB). Kết quả kinh doanh của các nhóm DN này có thể sẽ tích cực nhất trong quý cuối năm. Bên cạnh đó, các DN thuộc lĩnh vực kho vận, đại lý vận tải (VSC, HMH, MAC, SFI) và bán lẻ ô tô (SVC, HHS) cũng bắt đầu vào mùa kinh doanh sôi động từ tháng 9 hàng năm.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, TTCK nước ta vẫn còn nhiều yếu tố bất định khá cao và bị ảnh hưởng bởi TTCK toàn cầu rất mạnh.
Việt Nam vừa ký kết Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), điều này có lợi cho thị trường chứng khoán không thưa ông?
Việc Việt Nam tham gia TPP tác động đến nhiều lĩnh vực, nhưng sẽ không tác động nhiều đến TTCK như việc Việt Nam tham gia Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).
Với TPP, dòng vốn không đi vào TTCK như thời điểm năm 2007 khi Việt Nam gia nhập WTO, mà có xu hướng tập trung vào mua bán và sáp nhập (M&A). Khi TPP có hiệu lực, môi trường dịch vụ và đầu tư của Việt Nam nhìn chung không khác nhiều so với hiện nay. Tuy nhiên, việc tham gia TPP, Việt Nam sẽ có nhiều doanh nghiệp (dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ…) phát triển, từ đó tạo cơ hội cho việc kinh doanh của họ thuận lợi hơn và sẽ giúp cho giá cổ phiếu trên TTCK lên giá và cuối cùng gián tiếp giúp cho TTCK sôi động hơn những năm vừa qua.
TPP cũng sẽ giúp Việt Nam cân đối lại thị trường xuất nhập khẩu thay vì như hiện nay (hiện trên 60% xuất nhập khẩu của Việt Nam là với khu vực Đông Nam Á, vì gần gũi nhau về vị trí địa lý, cũng như có các hiệp định thương mại tự do ASEAN). TPP sẽ đem lại cơ hội tăng trưởng xuất khẩu vì thuế trên các thị trường TPP giảm về 0%, cùng cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo việc làm và tạo năng lực mới, tạo cơ hội cho doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào chuỗi cung ứng.
Tác động quan trọng nhất từ TPP là những cam kết sâu rộng giúp Việt Nam phân bổ lại nguồn lực kinh tế, giúp tái cơ cấu kinh tế và tăng trưởng, khuyến khích sự tham gia của công chúng vào quá trình làm chính sách, cải thiện thể chế kinh tế, thủ tục hành chính, từ đó thu hút tất cả các nhà đầu tư, mang đến sự thay đổi tốt hơn cho thể chế.
Do đó, TTCK vẫn là 1 kênh đầu tư có mức sinh lời khá cao vào khoảng và dự kiến đạt mức trung bình từ 8 – 10% cho năm nay, nhưng đi kèm với mức sinh lời đó là rủi ro cũng không nhỏ khi mà thị trường tài chính vẫn còn ẩn chứa nhiều sự bất ổn trong thời gian tới.
Tựu chung lại, theo ông đầu tư vào đâu là sinh lời hơn cả?
Như phân tích ở trên, tôi cho rằng đầu tư vào thị trường BĐS vẫn là kênh sinh lời và an toàn nhất trong năm 2016, tuy nhiên cần chọn lựa kỹ các dự án tốt và luôn quan tâm đến sự thay đổi các chính sách của Nhà nước; kế đến là gửi tiền VNĐ vào ngân hàng.
Còn đối với những nhà đầu có mức độ chấp nhận rủi ro cao, thì việc lựa chọn kênh đầu tư vàng và chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn nhất khi mà hai kênh này có tỷ lệ sinh lời rất cao và rủi ro cũng cực lớn.
Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông. Nhân dịp xuân mới, kính chúc ông sức khỏe dồi dào và thành công viên mãn!