MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NĐT nước ngoài không muốn bán các khoản đầu tư tại Việt Nam

13-08-2014 - 20:32 PM | Tài chính - ngân hàng

Trong 3-4 năm nay hệ thống NH Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn nhưng NĐT nước ngoài quan tâm đến tiềm năng nhiều hơn như quy mô dân số, tốc độ tăng trưởng nhanh...

Ngày 13/08/2014, tại buổi công bố Báo cáo "Khảo sát ngành ngân hàng tại các thị trường mới nổi" của công ty Kiểm toán EY, ông Keith Pogson - Lãnh đạo phụ trách Dịch vụ Tài chính Ngân hàng của EY khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã trả lời báo chí về vấn đề nợ xấu và M&A ngân hàng tại Việt Nam.

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng M&A ngân hàng trong thời gian tới?

Ông Keith Pogson: Việc M&A tại Việt Nam đang có 2 động lực. Động lực chính là có một số NH đang có những khó khăn đặc biệt và NHNN đang có hướng xử lý theo cách cho các NHTMCP có vốn Nhà nước hoặc các Ngân hàng nước ngoài mua lại. Động lực thứ hai là việc hợp nhất cũng được các NHNN khuyến khích sao cho các NH trong nước hợp nhất với nhau để trở thành các NH trụ cột lớn mạnh hơn.

Tôi cho rằng thời gian tới, xu hướng các NHTMCP thực hiện M&A với nhau nhiều hơn. Điều này tốt cho họ bởi vì NH tăng quy mô lớn hơn thì có năng lực tốt hơn, ví dụ như khả năng đầu tư vào hạ tầng công nghệ để cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng. Nhưng các NH cần 1 khuôn khổ pháp lý thuận lợi và dễ dàng hơn. Hiện nay, các vụ M&A chủ yếu là do các NHTMCP có vốn nhà nước chi phối thực hiện theo yêu cầu của NHNN.

Tôi nghĩ mức trần lãi suất huy động dưới 6% không trực tiếp ảnh hưởng đến xu hướng M&A trong thời gian tới, mà nếu có sẽ là yếu tố tích cực. Vì với việc áp trần lãi suất, các NH nhỏ bị hạn chế trong việc hoạt động và có thể thúc đẩy họ tiến hành M&A.

Còn về quy định giới hạn tổng số cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ, tôi nghĩ là chỉ áp dụng với các trường hợp M&A thông thường còn với những NH thật sự có vấn đề thì NHNN có thể linh hoạt hơn. Điều này cũng là bình thường ở các nước khác khi NHTW sẵn sàng bán một ngân hàng cho nhà đầu tư nước ngoài. Thực tế gần đây các bạn cũng thấy là NHNN đã đồng ý cho phép việc đó rồi.

Nợ xấu vẫn là khó khăn nhất của hệ thống. Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp và hiệu quả của việc xử lý nợ xấu tại Việt Nam?

Về việc xử lý nợ xấu, tôi cho rằng có 2 phần việc phải làm. Thứ nhất là đẩy những tài sản nợ xấu đó ra khỏi bảng cân đối kế toán của NH sang VAMC để NH tập trung vận hành tốt. Điều này tôi nghĩ là thời gian qua chúng ta đã làm được rồi. Thứ 2 là xử lý những khoản nợ xấu đó bằng cách tái cấu trúc, tăng cường minh bạch nhưng thời gian qua chúng ta chưa làm đc.

Để giải quyết tận gốc những vấn đề nợ xấu thì không chỉ nỗ lực của Nhà nước mà còn phải cần toàn bộ các Bộ ngành liên quan. Việc đầu tiên là xây dựng một khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho việc giải quyết nợ xấu như cho phép mua bán nợ dễ dàng hơn, đàm phán lại các khoản vay, hoán đổi nợ thành vốn cổ phần hoặc là có động lực ưu đãi thuế cho các thương vụ chuyển nhượng nợ xấu.

Biện pháp thứ 2, nếu chỉ để nợ xấu ở đó thì không thể giải quyết được, phải có các biện pháp như tăng vốn, đưa thêm mô hình mới, ý tưởng kinh doanh mới vào. 1 số nước khác họ đã cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào mua bán nợ xấu.

Trước đây, trong một buổi họp báo của EY, ông có nói là các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến nợ xấu của Việt Nam. Không biết thời điểm hiện tại thì sự quan tâm đó ở mức độ nào?

Các NĐT nước ngoài vẫn rất quan tâm đến việc mua bán nợ xấu ở Việt Nam nhưng trở ngại lớn nhất vẫn là vấn đề pháp lý. Nếu không giải quyết được vấn đề này thì họ không thể tham gia.

Điều này cũng nhất quán với khảo sát của EY khi các NH không mặn mà với việc mua bán nợ bởi vì họ thấy là bán rồi nhưng họ vẫn phải trích lập dự phòng và tự thu hồi nợ. Họ phải chia sẻ margin cho công ty mua bán nợ

Đầu năm nay, Chính phủ đã ban hành quy định nới room cho NĐT chiến lược nước ngoài và bán 100% NH yếu cho nhà đầu tư nước ngoài nhưng chưa có thương vụ nào thành công. Theo ông thì vì sao lại như vậy?

Các NĐT nước ngoài quan tâm đến việc có thể tăng tỷ lệ sở hữu đối với các NH mà họ đầu tư, đặc biệt là tăng sự kiểm soát đối với điều hành hoạt động NH. Nhưng không nên nhìn lại những năm trước để thấy rằng không có trường hợp nào thành công. Trong 3-4 năm nay hệ thống NH Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn nhưng NĐT nước ngoài quan tâm đến tiềm năng nhiều hơn như quy mô dân số, tốc độ tăng trưởng nhanh, có một thế hệ tạo ra của cải tăng trưởng nhanh… nên họ sẽ vẫn quan tâm đến trong thời gian tới.

Khi trao đổi với các NĐT nước ngoài, tôi hỏi với tình hình khó khăn như vậy, có bán các khoản đầu tư không? Họ trả lời là “chúng tôi đã suy nghĩ rất kỹ khi đầu tư vào đây” và cho biết sẽ không bán các khoản đầu tư vì vẫn thấy tiềm năng của thị trường này trong tương lai.

Năm 2015 có cơ chế mở cho việc phá sản Ngân hàng. Vậy theo ông có nên cho phá sản những NH yếu kém?

Tôi nghĩ Việt Nam nên áp dụng luật phá sản cho các NH không hoạt động được để NH tốt có thể tập trung phát triển. Nhiều nước có thuật ngữ “ngân hàng zombie” để chỉ những NH vật vờ tồn tại nhưng không hoạt động được, cần thiết để cho phá sản.

NĐT nước ngoài sẽ chọn đầu tư một tỷ lệ hạn chế vào NH mạnh hay mua 100% NH yếu?

Các NĐT nước ngoài khi đầu tư vào một NH yếu sẽ phải bỏ ra 3, 4 năm để giải quyết các vấn đề và trong 5 năm đầu họ không thu được lợi nhuận trước khi NH có thể hoạt động tốt trở lại. Nếu NĐT là NH toàn cầu, có hệ thống lớn, có mối quan hệ thân thiện với các cổ đông trong nước thì họ có thể chấp nhận được. Nhưng nếu khó khăn càng lớn thì quy mô giải quyết càng nhiều, công sức họ bỏ vào càng nhiều và có thể đó không phải là cơ hội tốt.

Còn với cách thứ 2 là đầu tư một tỷ lệ hạn chế vào một NH mạnh thì giống như ngồi cạnh người lái xe khi tham gia cuộc đua, phải phụ thuộc vào họ. Nếu chọn được người lái chắc chắn, đi với tốc độ không quá nhanh thì họ sẵn sàng đầu tư, còn nếu người lái quá mạo hiểm thì đó sẽ không phải là sự đầu tư khôn ngoan.

Chúng ta nên đặt một câu hỏi khác, đó là với viễn cảnh chúng ta sẽ có những NH tương đương với NH trong cộng đồng ASEAN vào năm 2020 thì trong 6 năm nữa kể từ bây giờ, các NĐT nước ngoài sẽ xem xét mua các NH yếu kém của Việt Nam, bỏ ra vài năm để giải quyết các vấn đề và đến 2020 sẽ phát triển thì có hấp dẫn họ hay không?

Kịch bản khác mà tôi nghĩ các NĐT sẽ thích hơn là nếu mua 100% NH yếu, sau đó pháp luật thay đổi, cho phép họ mua thêm 1 vài NH như vậy và gom lại thành một NH lớn thì họ sẽ thấy hấp dẫn hơn.

>>> Ngân hàng Việt Nam không quá quan tâm đến việc bán tài sản cho VAMC

Hải Hà (ghi)

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên