Vào thời điểm này năm ngoái, bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều
những quan ngại từ các tổ chức tài chính nước ngoài rằng, Việt Nam có thể đối mặt
với một cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ tương tự như Thái Lan năm 1997.
Trên thực tế, dấu hiệu về tình trạng thua lỗ nặng, và tình
trạng thanh khoản kém ở một số ngân hàng thương mại nhỏ – hai yếu tố hàng đầu
gây khủng hoảng cũng dần lộ diện, làm cho tâm lý chung nặng nề thêm.
Một năm
sau, thật may mắn, điều này đã không xảy ra trong hệ thống, thậm chí không có bất
kỳ ngân hàng thương mại nào phải đóng cửa – điều khác xa so với cách đây mười
năm, khi một số đã phá sản do tác động của khủng khoảng kinh tế khu vực. Rõ
ràng, hệ thống đã đứng vững, cho dù những rủi ro vẫn còn tiềm tàng như: thâm hụt
cán cân thanh toán, nợ xấu, nợ quá hạn, sức ép tỷ giá,… Vì sao vậy?
Các chuyên gia trong và ngoài nước đã có trao đổi về vấn đề này, và họ đã có những góc nhìn rất khác nhau.
Chuyên gia kinh tế trưởng của ngân hàng Thế giới Martin Rama
nói: “Các nhà bình luận bên ngoài đã đánh giá quá thấp sức bật của nền kinh tế
Việt Nam, cũng như năng lực của các cơ quan thẩm quyền để vượt qua cơn bão
này”.
Ông Rama nhận xét, ở Việt Nam cũng xuất hiện việc giám sát quá yếu kém
trong lĩnh vực tài chính – tức là ngành ngân hàng cho vay bất động sản quá nhiều,
thời kỳ thị trường này bùng nổ, rồi đóng băng.
Tuy vậy, ông nói, quy định chỉ cho vay tối đa 70% giá trị của
bất động sản đã cứu cả ngành ngân hàng. Thông thường các ngân hàng chỉ đánh giá
1/2 giá trị của lô bất động sản.
Vì vậy, khi ngân hàng có tăng trưởng tín dụng
100% đi chăng nữa, thì không thể nào cho vay quá 35% giá trị của cái bất động sản
đó. Khi giá trị giảm đi, những khoản vay như thế đã có giá trị thế chấp dương
và không bao giờ bị âm. Hơn nữa, giá bất động sản không thể giảm đi đến 65%.
Ông cũng ca ngợi việc giám sát và quản lý tốt hơn của ngân hàng Nhà nước (SBV).
“Họ kịp thời xác định ra các ngân hàng thương mại nào khó khăn, can thiệp kịp
thời, hỗ trợ nguồn tiền. Ở Thái Lan năm 1997, những ngân hàng đó không được cho
vay, và nó lây lan sang các ngân hàng khác”.
Bên cạnh đó, người dân Việt Nam ngại không vay nhiều như các
nơi khác, nên đòn bẩy cho vay không cao bằng các nơi khác. Khi người ta đầu tư,
người ta phải tự lo vốn của mình, thì họ mới dám đầu tư. Đấy là yếu tố văn hoá,
kết hợp với những yếu tố quản lý và giám sát tốt của SBV. “Đây là điều mà các
nhà quan sát nước ngoài không hiểu nổi về đặc điểm của kinh tế Việt Nam, nên họ
đưa ra nhiều dự báo không đúng”, ông kết luận.
Trong khi đó, các chuyên gia trong nước đưa ra những giải
thích tương đối khác. Nguyên thống đốc ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm cho rằng,
các ngân hàng thương mại, đặc biệt là quốc doanh đã nhận được nhiều ưu ái, như
xoá nợ, giãn nợ từ Nhà nước.
Tuy nhiên, nguyên nhân chính các ngân hàng trụ qua
được cơn khủng hoảng lại bắt nguồn từ sự quản lý thiếu chặt chẽ, làm họ có cơ hội
gia tăng tài sản nhanh chóng.
“Quản lý lỏng lẻo nhất là để cho cổ phần ngân
hàng tăng. Tất cả đều vơ được. Anh ít nhất cũng vơ được một đến hai lần số vốn,
anh vơ nhiều nhất cũng được mười lần. Tức là các ngân hàng, đặc biệt là quốc
doanh chỉ ngồi cũng có ăn. Hơn nữa, nhiều ngân hàng hưởng lợi từ các chương
trình ưu đãi. Cuối năm 2008 tình hình khó khăn như thế, mà ông nào cũng bảo lãi
mấy trăm tỉ, mấy ngàn tỉ. Đó là quản lý lỏng lẻo”, ông Kiêm nói.
Bên cạnh đó,
việc nhiều ngân hàng xin được phát hành (trái phiếu) tương ứng với tín dụng
tăng lên, cũng giúp họ vượt qua khủng hoảng. Theo ông Kiêm, nhiều ngân hàng
cũng đang “hưởng lợi lớn” từ chương trình hỗ trợ lãi suất 4% trong tám tháng.
“Số vốn bỏ ra ngần này, thì dư nợ tín dụng phải tăng bằng này. Sao lại tăng có
2 – 3%, ít thế?”.
Trong khi đó, ông Vũ Thành Tự Anh từ chương trình giảng dạy
Fulbright cho rằng, khoản tiền giải ngân theo chính sách 4% là khoảng 300 ngàn
tỉ, tổng dư nợ khoảng 1,2 triệu tỉ.
Nếu đưa tất cả các khoản giải ngân này vào
kinh doanh sẽ làm tăng dư nợ tín dụng khoảng 16%. “Trên thực tế chỉ tăng dư nợ
2%, vậy thì 14% đi đâu? Tiền sẽ quay ngược trở lại các ngân hàng, giúp các ngân
hàng đứng vững”, ông nói.
Một chuyên gia tài chính, xin không nêu tên, nhận xét rằng,
đã có những ngân hàng thương mại nhỏ đáng ra là đã phá sản, tuy nhiên, SBV đã
can thiệp tốt.
“Hệ thống ngân hàng có tác động lan toả rất nhanh, sập một anh
là tác động dây chuyền. Vì vậy, SBV tìm cách giữ được ổn định hệ thống. Nhưng họ
cũng không cố được và muốn M&A (mua bán và sáp nhập). Hiện tại SBV đang chuẩn
bị văn bản pháp lý cho việc này. Nhưng nói thật, doanh nghiệp mà không sản xuất
được như hiện nay, thì các ngân hàng vẫn chết. Theo tôi, khó khăn sẽ còn thấy
rõ trong quý 3, quý 4 năm nay”, ông cho biết.
Theo Tư Giang
SGTT