MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng sẽ được cấp đổi hoặc cấp mới giấy phép hoạt động phù hợp hơn

15-06-2014 - 06:49 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 40/2011/TT-NHNN ngày 15/12/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Thông tư này quy định về việc cấp Giấy phép và tổ chức, hoạt động của ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài, tổ chức nước ngoài khác có hoạt động ngân hàng tại Việt Nam (gọi chung là các TCTD).

Có 4 nguyên nhân chính khiến NHNN phải ban hành Thông tư sửa đổi, bao gồm:

Các tác động không thuận lợi cho cơ quan quản lý và TCTD

Theo NHNN, do có sự thay đổi về quy định pháp luật (thay đổi từ Luật TCTD 1997, luật TCTD 2010, các văn bản hướng dẫn..) nên hiện nay về nguyên tắc các TCTD không được thực hiện những hoạt động đã được làm theo các quy định trước đây nếu các hoạt động này không được ghi cụ thể tại Giấy phép (ngay cả khi các hoạt động này đã được NHNN chấp thuận bằng văn bản nhưng không nêu rõ đó là văn bản sửa đổi bổ sung Giấy phép và là một phần không tách rời của Giấy phép).

Điều này có một số tác động không thuận lợi cho quản lý Nhà nước và hoạt động của các TCTD

Các tác động điển hình là: Làm hoạt động kinh doanh của các TCTD có nguy cơ bị gián đoạn (trong khi chờ được cấp phép bổ sung các nội dung hoạt động này) hoặc vi phạm quy định của pháp luật (nếu họ vẫn thực hiện các hoạt động này); Phát sinh các thủ tục hành chính không cần thiết cho chính cơ quan quản lý Nhà nước cũng như cho các TCTD trong việc sửa đổi, bổ sung Giấy phép.

Nhiều giấy phép lạc hậu, bất cập, không công bằng

Theo NHNN, do Giấy phép được cấp trước đây của nhiều TCTD đã lạc hậu: Nhiều NHTM, CNNHNNg được cấp Giấy phép từ đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước theo mẫu Giấy phép cũ khi Việt Nam vừa mới mở cửa với cách phân loại đối tượng khách hàng, phân loại giao dịch theo loại tiền cụ thể (VNĐ, ngoại tệ) theo quy định của pháp luật về đầu tư nước ngoài, về ngoại hối và phân loại các hoạt động theo tinh thần của Pháp lệnh ngân hàng cũ.

Vì vậy, mặc dù NHNN đã có một số điều chỉnh nội dung Giấy phép của NHTM, CNNHNNg, tuy nhiên nội dung hoạt động của TCTD tại các Giấy phép này còn lạc hậu, bất cập, chưa phù hợp với quy định hiện hành (Luật các TCTD, các văn bản hướng dẫn luật) và các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.

Tình trạng này còn tạo ra sự bất bình đẳng giữa những NHTM, CNNHNNg đã được cấp phép từ lâu với các NHTM, CNNHNNg mới được cấp phép hoặc mới được cấp lại (như các NHTM Nhà nước đã cổ phần hóa) do các nội dung hoạt động ghi tại các Giấy phép trước đây rất hạn chế so với các Giấy phép mới được cấp.

Mẫu Giấy phép tại Thông tư 40 chưa quy định đầy đủ, chính xác và cụ thể

Theo NHNN, Phụ lục 01 về mẫu Giấy phép ban hành kèm theo Thông tư 40 (Phần nội dung hoạt động tại các mẫu Giấy phép) không quy định rõ các nội dung hoạt động mà NHTM, CNNHNNg được thực hiện mà chỉ ghi chung chung là: “liệt kê các hoạt động đề nghị và được chấp thuận tương ứng theo quy định tại Mục 2 Chương V Luật Các TCTD” mà không phân biệt đối với: (i) các hoạt động cơ bản mà đương nhiên một NHTM được thực hiện; (ii) các hoạt động NHTM chỉ được thực hiện khi đáp ứng điều kiện nhất định và được NHNN chấp thuận.

Do sơ xuất nên nội dung hoạt động được quy định tại mục 2 Chương IV của Luật Các TCTD lại được ghi tại mục này là Chương V.

Ngoài ra, tại Phụ lục 01 mẫu Giấy phép thành lập văn phòng đại diện chưa đầy đủ và không phù hợp với trình tự, thủ tục cấp phép quy định tại Thông tư 40 (Căn cứ thành lập văn phòng đại diện tại Phụ lục 01 là phải có Biên bản họp Hội đồng thẩm định, trong khi quy trình xem xét việc cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Thông tư 40 không quy định phải thành lập Hội đồng thẩm định).

Còn vướng mắc, bất cập liên quan đến thủ tục cấp phép

Thông tư 40 không quy định thành phần Hội đồng thẩm định hồ sơ cấp Giấy phép thành lập TCTD bao gồm Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình cấp phép, cần có ý kiến thẩm định của Vụ Quản lý ngoại hối đối với các nội dung hoạt động ngoại hối mà các NHTM, CNNHNNg đề nghị được thực hiện. Do đó, việc bổ sung Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối vào thành phần Hội đồng thẩm định là cần thiết.

Theo NHNN, xuất phát từ các vướng mắc, bất cập nêu trên, NHNN cần ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 40 với nội dung: (1) Sửa đổi, bổ sung mẫu Giấy phép để cấp mới, cấp đổi cho các TCTD; (2) Quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp đổi Giấy phép cho các TCTD.

Mục tiêu của Thông tư là tạo cơ sở pháp lý để có thể thực hiện cấp đổi Giấy phép cho các TCTD khi họ có nhu cầu cấp đổi Giấy phép để cập nhật nội dung hoạt động theo đúng quy định của Luật Các TCTD hiện hành và hoàn thiện các mẫu Giấy phép (gồm cả cấp đổi, cấp mới) nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập nêu trên.

>>> IMF: Việt Nam cần có gói cải cách toàn diện ngành ngân hàng


Thành Hưng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên