Ngân hàng Việt Nam không quá quan tâm đến việc bán tài sản cho VAMC
Năm nay, các NH tập trung cho vay các doanh nghiệp có dòng tiền tốt hơn. Đây là sự thay đổi lớn so với cho vay truyền thống ở Việt Nam là cho vay dựa trên tài sản đảm bảo.
Ngày 13/08/2014, Công ty kiểm toán EY công bố Báo cáo khảo sát ngành Ngân hàng tại các thị trường mới nổi.
Khảo sát này được thực hiện qua phỏng vấn hơn 50 lãnh đạo ngân hàng cấp cao và hơn 9.000 khách hàng ở 11 thị trường tăng trưởng nhanh trong cả 3 giai đoạn trưởng thành chính. Các thị trường sơ khai gồm có Kenya, Nigeria, Việt Nam. Thị trường quá độ bao gồm Colombia, Ai Cập, Indonesia.Thị trường ổn định là Chile, Malaysia, Mexico, Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo kết quả khảo sát, có 15/17 ngân hàng Việt Nam trông đợi cải thiện một phần kết quả kinh doanh, 1 ngân hàng mong cải thiện nhiều và 1 ngân hàng vẫn như cũ. Các NH Việt Nam trông đợi vào sự cải thiện một phần tình hình kinh tế đất nước nhưng cũng quan ngại rằng nhu cầu tiêu dùng yếu và năng suất lao động thấp có thể ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế.
Kinh doanh bán lẻ và tiền gửi của doanh nghiệp là điều mà các NH lạc quan nhất. Theo đó, triển vọng cho vay nói chung kém tích cực hơn lần khảo sát trước nhưng các NH trông đợi nhiều nhất vào mảng cho vay tiêu dùng và Thẻ tín dụng. Báo cáo khảo sát Ngân hàng tiêu dùng toàn cầu mà EY thực hiện trước đó đã cho kết quả 41% khách hàng Việt Nam có kế hoạch mở hoặc chuyển sang dùng loại thẻ tín dụng khác trong năm tới.
Các NH cũng trông đợi nhu cầu tăng đáng kể đối với tiết kiệm cá nhân và các sản phẩm tiền gửi. Tại Việt Nam, nhu cầu tiết kiệm và gửi tiền tăng cao hơn so với các thị trường khác ở khu vực châu Á Thái Bình Dương.
Mặt khác, đối với các sản phẩm cho doanh nghiệp, các NH Việt Nam cho rằng phần lớn sản phẩm này sẽ tăng nhưng chậm hơn trước đây. Nhu cầu tăng mạnh nhất là cho vay SMEs và cho vay doanh nghiệp. Dự kiến, cho vay tăng trưởng ở tất cả các lĩnh vực, trừ xây dựng và bất động sản thương mại. Cho vay lĩnh vực năng lượng cũng dự kiến sẽ tăng do chính phủ có kế hoạch nâng cấp và xây dựng mới các nhà máy lọc dầu và đầu tư vào năng lượng tái tạo.
“So với năm 2013, các NH năm 2014 tập trung cho vay các doanh nghiệp có dòng tiền tốt hơn. Đây là sự thay đổi lớn so với cho vay truyền thống ở Việt Nam là cho vay dựa trên tài sản đảm bảo.” – ông Keith Pogson - Lãnh đạo phụ trách Dịch vụ Tài chính Ngân hàng, Ernst & Young khu vực Châu Á - Thái Bình Dương phát biểu.
Về các tỷ suất sinh lời, các NH cho rằng sẽ khó khăn để duy trì ROE ở mức hiện tại. Việc duy trì NIM được coi là một thách thức.
24% các NH Việt Nam tham gia khảo sát nghĩ rằng nợ xấu là vấn đề quan trọng nhất mà nền kinh tế đang đối mặt và 76% nghĩ rằng nợ xấu là vấn đề quan trọng nhất ảnh hưởng đến ngành ngân hàng.
Do đó những người tham gia khảo sát đều cho rằng quản trị rủi ro tín dụng là thách thức lớn nhất. 12/17 ngân hàng đang lên kế hoạch tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng trong vòng 3 năm tới và việc tăng cường quản trị rủi ro tín dụng được đánh giá là có tính quyết định đối với hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
“Điều thú vị nhất là các NH đánh giá cho việc chuẩn bị cho Basel III không cao, cũng không quá ưu tiên việc bán tài sản cho VAMC. Điều này khiến tôi ngạc nhiên vì trong năm 2014 chúng ta nói rất nhiều đến việc bán nợ xấu cho VAMC. Không biết việc bán tài sản thực tế diễn ra ra sao?” – Ông Keith Pogson nói.
Về môi trường pháp luật, có 9/17 NH Việt Nam dự đoán họ sẽ đối mặt với những thách thức từ việc gia tăng đáng kể các quy định pháp luật. Bên cạnh các quy định quốc tế, NH Việt Nam còn đối mặt với áp lực từ các quy định trong nước như mức trần lãi suất huy động dưới 6 tháng là 6%/năm; tổng số cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại một NHTMCP Việt Nam không được vượt quá 30% vốn điều lệ.
Tuy nhiên, các NH Việt Nam trông đợi vào sự gia tăng các quy định pháp luật ít hơn so với các thị trường khác. Ông Keith Pogson cho rằng, lý do có thể là vì các NH Việt Nam “rất sáng tạo trong việc tìm cách tuân thủ các quy định”.
Về tác động của việc giảm gói QE, các NH Việt Nam đánh giá việc này không tác động nhiều như các quốc gia khác.
“Có thể bởi vì ngành NH Việt Nam tương đối đóng, chưa liên thông nhiều với quốc tế. Thậm chí họ thấy đây là cơ hội tốt đối với thị trường Việt Nam”.
Điều này cũng tương đồng với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thế giới khi nâng hạng các NH Việt Nam trong thời gian gần đây.
Theo một phần khảo sát khác, các NH Việt Nam đánh giá Ngân hàng Nhật Bản là những đối thủ lớn nhất qua thực tế một số Ngân hàng lớn của Nhật đã trở thành đối tác chiến lược của những Ngân hàng lớn tại Việt Nam.
“Tôi không đồng ý với đánh giá này vì sau này Việt Nam sẽ phát triển mạnh về bán lẻ trong khi các Ngân hàng Nhật không mạnh về mảng này. Đối thủ của các NH Việt Nam phải là các NH trong khu vực ASEAN”- ông Keith Pogson nhận định.
Ông Keith Pogson cũng chia sẻ về việc 2/3 số Ngân hàng được hỏi ở Malaysia và Indonesia trả lời rằng họ lo ngại nhất về các Ngân hàng trong khu vực ASEAN chứ không phải Ngân hàng nước ngoài.
>> VAMC được hưởng một tỷ lệ trên số tiền thu hồi nợ
Hải Hà