MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý lãi suất giảm mà huy động vốn ngoại tệ vẫn tăng

09-12-2015 - 17:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Dù lãi suất USD đã được NHNN đưa về mức gần 0 song người dân vẫn tích cực gửi tiền tại các ngân hàng. Về phía các nhà băng, do cầu ngoại tệ tăng những tháng trước Tết Nguyên đán nên họ cũng đẩy mạnh huy động vốn bằng USD.

TS. Nguyễn Đức Độ
TS. Nguyễn Đức Độ
Chuyên gia Tài chính
66 bài viết

Theo báo cáo của UBND TP. HCM, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước đến cuối tháng 11/2015 đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với cuối 2014, tăng 16,7% so với cùng kỳ và tăng 1,09% so với tháng trước. Trong đó, vốn huy động bằng nội tệ đạt 1,27 triệu tỷ đồng, chiếm 84% tổng vốn huy động, tăng 12,18% so với cuối 2014; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 235,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 16% tổng vốn huy động, tăng 11,05% so với cuối 2014.

Huy động vốn bằng ngoại tệ tăng đều đặn tháng sau so với tháng trước ngay cả khi lãi suất được điều chỉnh giảm khá sâu. Để tìm hiểu rõ hơn về lý do vì sao người dân tích cực gửi tiết kiệm ngoại tệ vào ngân hàng trong khi lãi suất giảm về mức 0 - 0,25%, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính (Bộ Tài chính).

PV: Thưa ông, lãi suất tiền gửi USD đã được NHNN giảm xuống mức thấp nhất còn 0,25% đối với cá nhân và 0% đối với tổ chức, nhưng tại sao huy động vốn bằng USD vẫn tăng liên tục trong vài tháng qua?

TS. Nguyễn Đức Độ: Lợi nhuận kiếm được từ việc nắm giữ USD có hai dạng: một là từ lãi suất huy động và hai là kỳ vọng USD lên giá.

Lãi suất tiền gửi USD giảm không nhiều, chỉ giảm 0,5 hoặc 0,25% cộng với việc năm trước NHNN chỉ điều chỉnh từ 1-2% nhưng năm vừa qua phá giá đến 5% cho nên có thêm cơ sở để nhiều người kỳ vọng giá USD ngày một cao, chưa kể FED tăng lãi suất trong thời gian tới, họ vẫn sẵn sàng nắm giữ USD bất chấp lãi suất thấp.

Nhu cầu ngoại tệ cuối năm thường tăng cao chính vì vậy mà các ngân hàng đang triển khai nhiều chương trình thu hút tiền gửi USD, theo ông các ngân hàng sẽ hưởng lợi thế nào nếu lượng tiền gửi ngoại tệ liên tục tăng trong thời gian gần đây?

Thực chất lãi suất huy động USD thấp hơn rất nhiều so với lãi suất tiền gửi VND, kể cả trong trường hợp vừa qua NHNN phá giá 2% và nới biên độ lên +/-3%. Với khung lãi suất huy động thấp như hiện nay cộng với khoảng 5% phá giá vẫn thấp hơn lãi suất huy động tiền đồng, ngân hàng vẫn có lợi. Ngân hàng thích huy động tiền USD hơn sau đó chuyển ra tiền đồng và cho vay bằng tiền đồng.

Một nghịch lý cho thấy trong khi người dân kỳ vọng giá USD tăng nên tích trữ nhiều trong khi ngân hàng thì dự đoán USD có thể không thể tăng giá nên họ huy động bằng USD, chi phí rẻ hơn rất nhiều.

Chỉ còn vài ngày nữa là FED sẽ họp để quyết định về lãi suất đồng USD, vậy sức ép đối với NHNN trong việc điều hành tỷ giá sẽ như thế nào và mức độ điều chỉnh trong thời gian tới ra sao, thưa ông?

Theo tôi, sức ép của thị trường hiện nay là có nhưng chủ yếu về mặt tâm lý, thị trường Việt Nam với Mỹ cũng không liên thông đến mức dòng vốn có sự dịch chuyển ngay mà chỉ là tâm lý lo ngại. Hơn nữa, chuyện FED được dự báo lâu rồi. Giá USD trên thị trường thế giới đã phản ánh được thông tin ấy chưa thì chưa biết được và cũng không thể đảm bảo FED tăng lãi suất, USD sẽ lên giá, nó cũng có thể giảm cũng có thể tăng, đây là trò đánh cược mà khi xảy ra mới biết được.

Còn đối với thị trường ngoại tệ Việt Nam, vai trò của NHNN là vô cùng quan trọng, NHNN định hướng như thế nào thì thị trường sẽ diễn biến theo đúng định hướng đó. Ngoài ra, cơ quan điều hành này nắm trong tay rất nhiều công cụ: lãi suất, ngoại tệ chưa kể nhiều ngân hàng thương mại quốc doanh xung quanh, chính vì thế, khả năng kiểm soát của NHNN đối với thị trường là tương đối mạnh.

Việc NHNN sẽ tuyên bố như thế nào về chính sách năm 2016, theo tôi, mục tiêu chính vẫn là duy trì sự ổn định. Vừa rồi, NHNN đã phá giá 5%, sau đó tốc độ tăng trưởng tiền gửi VND chậm lại và tiền gửi USD tăng nhanh hơn, vì thế theo tôi chắc không có chuyện NHNN phá 4-5% nữa, mà chỉ ở quãng 2-3%.

Trong lần họp với các lãnh đạo ngân hàng thương mại mới đây, Thống đốc NHNN có phát biểu rằng sẽ điều hành chính sách tỷ giá theo hướng ổn định nhưng không cố định, từ đó có thể hiểu rằng sắp tới có cơ chế mới trong điều hành, có thể là điều chỉnh thông qua thị trường liên ngân hàng linh hoạt hơn, ví dụ tăng giảm vài đồng mỗi ngày.

Và như vậy thì những người “đánh quả” ngắn hạn sẽ không mặn mà tham gia. Trước đó, họ kỳ vọng vào mức độ điều chỉnh lớn, trong một tuần ngăm ngắm, họ có thể kiếm lời 0,5-1%, nhưng nếu mỗi ngày tăng giảm vài đồng, thị trường đi ngang nhiều người sẽ bỏ cuộc.

Bên cạnh đó, mục tiêu của NHNN quan trọng nhất hiện nay là hạ lãi suất và muốn hạ được lãi suất thì phải ổn định được tỷ giá. Người dân phải nắm giữ VND thì mới hạ được lãi suất. Cho nên, theo tôi, khả năng phá giá mạnh là không có và NHNN đang tìm mọi cách để dân bán USD ra thị trường.

Vâng, xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên