MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

NHNN hạ lãi suất USD, có mạo hiểm thanh khoản?

28-09-2015 - 11:26 AM | Tài chính - ngân hàng

Lãnh đạo một ngân hàng cho biết với mức giảm lãi suất lần này này, tính ra phần lãi không đáng kể, người gửi tiền đã xác định ngay từ đầu gửi USD tại ngân hàng hàng xem như một phương tiện cất giữ, tích lũy, đảm bảo sự đa dạng hóa nguồn tiền tiết kiệm.

Bắt đầu từ ngày 28/9, NHNN áp dụng khung điều chỉnh lãi suất tiền gửi USD với tổ chức còn 0%/năm (mức cũ 0,25%/năm); lãi suất tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm (mức cũ là 0,75%/năm).

Có ý kiến cho rằng khi USD không còn hấp dẫn, vậy ai sẽ gửi USD vào ngân hàng và ngân hàng sẽ lấy nguồn USD từ đâu để cho doanh nghiệp vay mua hàng nhập khẩu? Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo ngân hàng thương mại và chuyên gia tài chính để bình luận xoay quanh động thái lần này của NHNN.

Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết Chính phủ và NHNN đã thực hiện chủ trương chống đô la hóa trong 10 năm, từ 2005 đến nay nhằm hạn chế sử dụng đồng USD và ngoại tệ trên lãnh thổ Việt Nam kể cả tiền gửi và tiền vay.

Ông cho biết tất cả chính sách tiền tệ của mọi quốc gia nếu như xuất hiện nhiều đồng tiền trong một nền kinh tế của mình sẽ tạo nhiều khó khăn nên đất nước nào cũng chống hiện tượng ngoại tệ hóa.

Tại Việt Nam, lộ trình này được thực hiện thông qua việc giảm dần lãi suất của đồng USD để hạn chế và sử dụng đồng USD.

“Việc giảm lãi suất USD lần này chính là gây bất lợi về mặt lãi suất đồng USD sẽ tạo lợi thế cho đồng VND, tăng khoảng cách chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và VND”, ông Phước nhấn mạnh.

Ông cũng khẳng định không có chuyện người dân cố thủ USD trong nhà. Các tổ chức cá nhân sẽ bán đi một phần tiền gửi USD đó để chuyển dịch sang đồng VND, khi đó hệ thống ngân hàng có nguồn cung bằng đồng USD dồi dào.

Nhu cầu vay ngoại tệ đang giảm nhiều

Ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho biết, sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá khá mạnh, nhu cầu vay ngoại tệ của khách hàng doanh nghiệp trong 2-3 tháng vừa qua có dấu hiệu giảm khá.

NHNN có đầy đủ tính toán để đưa ra quyết sách và các ngân hàng cũng vừa điều chỉnh bảng giá niêm yết lãi suất tuy nhiên để nhìn nhận tác động của động thái giảm lãi suất lần này của NHNN cần có thêm thời gian dể thăm dò thị trường như thế nào.

Ông Quang không nghĩ rằng khách hàng rút USD về để chuyển đổi sang kênh khác. Khoảng một vài năm nay, NHNN giữ lãi suất tiền gửi USD ở mức rất thấp để giảm tình trạng găm giữ ngoại tệ và đô la hóa.

Nếu khách hàng có nguồn tiền gửi ngoại tệ lớn, họ cũng đã đa đạng hóa các kênh đầu tư từ lâu, trứng bỏ nhiều giỏ như bất động sản, vàng, tiền đồng, cổ phiếu, … còn những món nhỏ lẻ ví dụ như 1.000-2.000 USD thì cũng không đáng kể nên sẽ không có chuyện họ rút tiền về để chuyển đổi kênh đầu tư.

Với mức giảm này, tính ra phần lãi không đáng kể, họ đã xác định ngay từ đầu gửi USD tại ngân hàng hàng xem như một phương tiện cất giữ, tích lũy, đảm bảo sự đa dạng hóa nguồn tiền tiết kiệm.

Ông cho biết thêm đối với riêng trường hợp ngân hàng OCB, ngoài nguồn huy động ngoại tệ trong nước, ngân hàng còn tiếp cận các nguồn cung từ các định chế nước ngoài nên nguồn huy động khá ổn định trong khi đó nguồn vay giảm theo tình hình chung nên hệ số thanh khoản đối với ngoại tệ vẫn rất tốt.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên