NHNN: Xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn
Toàn hệ thống đang có hơn 142.000 tỷ đồng nợ xấu.
Theo báo cáo của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình gửi tới kỳ họp thứ Sáu Quốc hội khóa XIII, đến cuối tháng 9/2013, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống chiếm 4,62% trên tổng dư nợ. Tổng số dư nợ xấu toàn hệ thống là 142,33 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9 nghìn tỷ đồng (tăng 20,2%) so với cuối năm 2012.
Mặc dù tốc độ tăng của nợ xấu đã được kiềm chế, song tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng liên tục tăng lên do dư nợ tín dụng tăng trưởng chậm. Theo đó, đến cuối tháng 9/2013, tỷ lệ nợ xấu trong tổng dư nợ tín dụng là 4,62%, tăng so với mức 4,08% của cuối năm 2012 và 3,07% cuối năm 2011.
Các giải pháp xử lý nợ xấu (cơ cấu lại nợ, giãn nợ, xử lý nợ xấu bằng trích lập dự phòng, bán nợ cho VAMC) đã bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng việc xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn
Nguyên nhân là do việc xử lý nợ xấu còn phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường, trong khi tiêu thụ hàng hoá còn chậm, năng lực tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp còn thấp; các giải pháp điều hành kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường bất động sản cần phải có thời gian phát huy tác dụng.
Bên cạnh đó, thị trường bất động sản chậm phục hồi, thị trường tài chính trì trệ gây khó khăn cho việc bán, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay để thu hồi nợ; các giải pháp xử lý nợ xấu vẫn chưa được triển khai đồng bộ và phát huy tác dụng (biện pháp chủ yếu vẫn là TCTD tự xử lý nợ xấu) đã làm giảm mức độ lành mạnh tài chính, hiệu quả kinh doanh của TCTD trong ngắn hạn.
Thêm nữa, cơ chế, chính sách xử lý tài sản bảo đảm tiền vay còn nhiều rất vướng mắc, phức tạp, chậm được khắc phục, hoàn thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho xử lý nợ xấu; thiếu sự hỗ trợ tài chính của Chính phủ cho việc xử lý nợ xấu; môi trường kinh doanh không thuận lợi khó thu hút các nguồn vốn đầu tư tài chính cho việc xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm.
Tuy nhiên NHNN tin tưởng rằng, nếu 5 nhóm giải pháp xử lý nợ xấu đồng bộ theo Đề án xử lý nợ xấu được hệ thống các TCTD (Đề án 254), khách hàng vay vốn và các cấp, các ngành, chính quyền các địa phương triển khai mạnh mẽ, quyết liệt thì sẽ thực hiện được mục tiêu phấn đấu đến năm 2015 xử lý được cơ bản số nợ xấu hiện nay.