MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ cho vay lại của Chính phủ: Đổ lỗi cơ chế khi nợ quá hạn

24-02-2014 - 10:12 AM | Tài chính - ngân hàng

Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, nên huy động vốn vay ODA đang có xu hướng giảm dần với thời hạn ngắn hơn, lãi suất cho vay tăng lên dẫn đến nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh.

Theo Bộ Tài chính, do chưa chủ động nghiên cứu và đưa ra được yêu cầu về mức độ, phương thức hỗ trợ rõ ràng đối với các khoản nợ cho vay lại của Chính phủ, nên khi dự án phát sinh nợ quá hạn thì không xác định được đâu là do lỗi chủ quan mà quy tất cả thành lỗi do cơ chế, chính sách.


Hiện tại, Việt Nam đã bước vào nhóm nước có thu nhập trung bình, nên huy động vốn vay ODA đang có xu hướng giảm dần với thời hạn ngắn hơn, lãi suất cho vay tăng lên dẫn đến nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh. Bên cạnh đó, do khó khăn của nền kinh tế dẫn đến nợ xấu từ các khoản cho vay lại và bảo lãnh Chính phủ gia tăng, làm tăng gánh nặng trả nợ của Chính phủ.


Sử dụng chưa tiết kiệm

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, các khoản nợ cho vay lại của Chính phủ đã phát huy tác dụng, đã huy động được nguồn lực lớn từ nước ngoài chủ yếu theo điều kiện ưu đãi cho đầu tư cơ sở hạ tầng trong khi thị trường vốn trong nước chưa cung ứng được lượng vốn lớn với thời hạn dài, năng lực tự vay, tự trả vốn nước ngoài của các doanh nghiệp còn hạn chế. Vốn vay về cho vay lại chiếm bình quân khoảng 30 - 35% tổng vốn vay nước ngoài của Chính phủ được cam kết và giải ngân hàng năm.

Công tác giải ngân và thu nợ từ các dự án cho vay lại đã và đang được thực hiện tốt, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 3,45% tổng dư nợ cho vay lại. Các khoản cho vay theo hạn mức tín dụng qua các ngân hàng thương mại được hoàn trả đầy đủ cho Bộ Tài chính, không phát sinh nợ quá hạn.

Theo Bộ Tài chính, nợ cho vay lại của Chính phủ chủ yếu tập trung ở các dự án thuộc lĩnh vực có giá sản phẩm đầu ra do Nhà nước quản lý như giá điện, nước, phí đường bộ, đường cao tốc cần được Nhà nước hỗ trợ và có khả năng hoàn vốn thấp. Tuy nhiên, do chưa chủ động nghiên cứu và đưa ra được yêu cầu về mức độ, phương thức hỗ trợ rõ ràng, vì vậy khi dự án phát sinh nợ quá hạn thì không xác định được đâu là do lỗi chủ quan mà quy tất cả thành lỗ do cơ chế, chính sách.

Việc cho vay lại chính quyền địa phương vẫn chưa thành các nguyên tắc nhất quán và chưa khuyến khích các địa phương sử dụng vốn vay tiết kiệm. Trong khi đó, nguồn vốn vay nước ngoài được hỗ trợ không đồng đều cho các địa phương.

Một bất cập nữa được Bộ Tài chính chỉ ra đó là hiện nay chưa có chế tài đầy đủ để xử lý các trường hợp không trả được nợ và trong phần lớn các trường hợp không trả được nợ, Bộ Tài chính chỉ có thể báo cáo Thủ tướng Chính phủ để cho gia hạn nợ, xoá nợ... mà không thể thu hồi vốn thông qua cơ chế thu hồi tài sản đảm bảo hoặc yêu cầu doanh nghiệp phá sản để thanh lý tài sản, thu hồi nợ.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nhu cầu vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng rất lớn, trong đó có nguồn vốn vay, đã làm nợ công có xu hướng tăng nhanh trong thời gian qua, có thể ảnh hưởng tới sự bền vững nợ công (năm 2006 ở mức 405 nghìn tỷ đồng, bằng 41,5% GDP; năm 2010 là 1.392 nghìn tỷ đồng, bằng 54,9% GDP và năm 2012 là 1.643 nghìn tỷ đồng, bằng 55,7% GDP).


Tính đến ngày 31-12-2012, tổng số nợ công là 1.642.916 tỷ đồng, bằng 55,7% GDP năm 2012. Dự kiến đến cuối năm 2013, dư nợ Chính phủ mức 1.573.810 tỷ đồng, bằng 42,6% GDP, dư nợ công mức 2.074.838 tỷ đồng, bằng 56,2% GDP. Dự kiến đến cuối năm 2014 dư nợ Chính phủ mức 1.952.280 tỷ đồng, bằng 46,2% GDP, dư nợ công mức 2.528.380 tỷ đồng, bằng 59,8% GDP.


Mở rộng cơ chế để nâng cao trách nhiệm

Tính đến ngày 31-12-2012, tổng số nợ Chính phủ là 1.279.994 tỷ đồng, bằng 43,3% GDP; trong đó nợ nước ngoài 726.314 tỷ đồng (chiếm khoảng 57%), nợ trong nước 553.680 tỷ đồng (chiếm khoảng 43%).

Đối với vay về cho vay lại, tính đến thời điểm cuối năm 2012, tổng dư nợ các khoản cho vay lại là 10,84 tỷ USD, tương đương 225,85 nghìn tỷ đồng (quy đổi theo tỷ giá hạch toán ngân sách tháng 12-2012).

Tổng nợ quá hạn cho vay lại là 373,94 triệu USD, chiếm 3,45% tổng dư nợ cho vay lại. Các khoản cho vay theo hạn mức tín dụng qua các ngân hàng thương mại được hoàn trả đầy đủ cho Bộ Tài chính, không phát sinh nợ quá hạn.

Về nghĩa vụ nợ của Chính phủ (không kể đảo nợ) so với thu ngân sách Nhà nước (NSNN) hàng năm luôn đảm bảo nằm trong giới hạn an toàn, bình quân khoảng 14-15% so với tổng thu NSNN.

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại với việc tăng cường cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và doanh nghiệp-nhà đầu tư, giữa Chính phủ và chính quyền địa phương đối với các khoản vay nước ngoài của chính phủ về cho vay lại. Mở rộng cơ chế cho vay lại cho chính quyền địa phương để nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của địa phương; bảo đảm đối xử công bằng giữa các địa phương. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý và xử lý rủi ro về nợ công với việc tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và chủ động triển khai phương án xử lý rủi ro đối với một số khoản nợ của Chính phủ.


Theo Minh Anh

hangnt

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên