MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu và hành động “vùi đầu xuống cát” của đà điểu

20-10-2014 - 17:12 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo truyền thuyết, khi gặp nguy hiểm con đà điểu thường vùi đầu xuống cát. Hình ảnh này đang được nhiều chuyên gia liên hệ với thái độ đối diện nợ xấu của ngành ngân hàng hiện nay.

Muốn xử lý nợ xấu, nhưng lại không dám đối diện, phơi bày sự thật về nợ xấu…

Tại sao các tổ chức tín dụng (TCTD) lại ngần ngại với nợ xấu? Theo giới chuyên gia, các ngân hàng vừa là nạn nhân, vừa là tội đồ của nợ xấu. Vì vậy, nếu phơi bày nợ xấu thì chẳng khác gì các ngân hàng từ lấy đá ghè chân mình.

Né tránh

Có một thực tế, ai cũng nhận thấy đó là ngành ngân hàng đang né tránh vấn đề nợ xấu, không muốn đối diện với nó. Tại sao vậy? Con số nợ xấu thật sự là bao nhiêu và tác động của nó tới hệ thống ngân hàng thế nào?

Theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu theo cơ quan thanh tra giám sát (Ngân hàng Nhà nước) thì khoảng 8% (con số được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra ngày 29.9). Như vậy, với tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế xấp xỉ 3 triệu tỷ đồng, thì nợ xấu là 240.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, thị trường còn tồn tại 2 con số nợ xấu khác, đó là, một từ báo cáo tổng hợp của các TCTD với khoảng 4% (do Thống đốc Nguyễn Văn Bình đưa ra hôm trả lời chất vấn Ủy ban Thường vụ Quốc hội); một con số nữa là của các hàng xếp hạng tín nhiệm quốc tế, mà cụ thể là Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s với tỷ lệ là 15%, tương đương khoảng 400.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, theo tổng hợp, tính đến cuối năm 2013, tổng vốn chủ sở hữu của 33 ngân hàng là 343.569 tỷ đồng. Hai con số này nói lên điều gì?

Một chuyên gia ngân hàng cho rằng dường như nợ xấu đã ăn mòn vào vốn chủ sở hữu của các ngân hàng, thậm chí, trong tình huống xấu nhất là toàn bộ vốn chủ sở hữu của hệ thống ngân hàng đã bị triệt tiêu.

“Nếu thật sự nợ xấu đã ăn mòn vốn điều lệ của các ngân hàng thì hệ thống ngân hàng lại đang rơi vào khủng hoảng. Để giải quyết vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước phải chủ động tái cấp vốn cho các ngân hàng đang rơi vào tình trang khó khăn. Nhưng tái cấp vốn thì phải biết ngân hàng nào đang thiếu, thiếu bao nhiêu, hệ thống ngân hàng thiếu bao nhiêu”, ông phân tích.

Theo ông, bản chất của nợ xấu ở các ngân hàng Việt Nam được chia thành 3 nhóm: nợ doanh nghiệp Nhà nước, nợ liên quan đến bất động sản và nợ liên quan đến lợi ích nhóm. Trong 3 nhóm này đều có nợ xấu liên quan đến sở hữu chéo, bởi vậy, các ngân hàng không dám đưa ra phán quyết đối với những công ty con của mình, lợi ích nhóm. Do vậy, các ngân hàng không muốn xử lý vì điều đó có khác gì tự chặt chân, chặt tay của mình.

“Để giải quyết được nợ xấu cần phải công khai, nếu không, giải pháp VAMC cũng không thể giải quyết được nợ xấu, mà chỉ chữa được những bệnh thời tiết, vì mầm mống gây bệnh nợ xấu vẫn tồn tại trong cơ thể của nền kinh tế”, vị này bình luận.

Vị này còn cho rằng, thái độ né tránh nợ xấu không chỉ ở các ngân hàng, mà ngay các cơ quan quản lý cũng có ý né tránh. “Ngân hàng Nhà nước hình như không muốn phơi bày nợ xấu, vì họ không dám đối diện với sự thật về nợ xấu và lo sợ không xử lý được. Bởi vậy, những giải pháp đưa ra chỉ mang tính chất đối phó và giải quyết được bao nhiêu thì giải quyết”, ông bình luận.

Vì sao phải cần “tiền tươi”?

Không đồng tình với cái nhìn bi quan này, TS. Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Hội đồng quản trị của BIDV, cho rằng nợ xấu đang được thể hiện rất rõ ràng và minh bạch, bởi từ tháng 6, các ngân hàng đã áp dụng theo Thông tư 09. Tuy nợ xấu có tăng lên nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.

Ông Lực còn cho biết, hiện giải pháp xử lý nợ xấu thông qua VAMC và trích lập dự phòng rủi ro đang khá hiệu quả, tuy có chậm so với kỳ vọng của thị trường.

VAMC tính từ khi thành lập đến nay đã mua được 91.000 tỷ đồng nợ xấu và cũng đã bán được hơn 3000 tỷ đồng, cơ cấu lại nợ cho những doanh nghiệp có khả năng phục hồi khoảng 10.000 tỷ đồng.

“Kết quả của VAMC cùng những nỗ lực hình thành thị trường mua bán nợ xấu, hành lang pháp lý của cơ quan quản lý rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần phải tăng thêm vốn điều lệ của VAMC lên 2000 tỷ đồng để làm vốn mồi kích cầu thị trường. Cách này cũng được nhiều nước trên thế giới áp dụng và thành công”, ông Lực bình luân.

Còn về phía ngân hàng, họ không che dấu nợ và đang tích cực trích lập dự phòng. Theo ông Lực, từ đầu năm đến nay các TCTD đã trích lập được 78.000 tỷ đồng và tính tổng từ năm ngoái đến nay thì các ngân hàng đã tự xử lý nợ xấu được khoảng 163.000 tỷ đồng bằng cách trích lâp dự phòng rủi ro.

Về vấn đề này, một chuyên gia ngân hàng cho rằng về những giải pháp xử lý nợ xấu là ông không bàn đến, bởi trên bàn Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có rất nhiều giải pháp được trình. Ở đây, ông chỉ nói về xử lý nợ xấu bằng việc tự trích lập dự phòng rủi ro.

Theo ông, dự phòng rủi ro chỉ là cách hạch toán mang tính trừu tượng, chứ không có một khoản tiền thật nào được đem cất vào quỹ như quỹ hưu trí, quỹ tiết kiệm…

Ví dụ, ngân hàng A có dư nợ là 100 đồng, thì phải trích lập dự phòng chung là 0,75%, tương đương 0,75 đồng; trích lập dự phòng nợ xấu, ví như con số nợ xấu là 60 đồng: nhóm 3 thì 20%, nhóm 4 là 50%, nhóm 5 là 100%. Tổng tiền trích lập dự phòng là 30 đồng.

Như vậy, với 100 đồng này, ngân hàng phải cấn trừ vào kết quả kinh doanh 30,75 đồng và doanh thu đạt được là 69,25 đồng. Trường hợp, nếu năm này ngân hàng chỉ có 20 đồng lợi nhuận, mà nợ xấu là 30,75 đồng, thì ngân hàng bị âm 9,25 đồng. Số tiền này sẽ trừ thẳng vào vốn điều lệ của ngân hàng.

“Quay lại con số 100 đồng dư nợ, nợ xấu 30,75 đồng, doanh thu còn là 69,25 đồng và tài sản đảm bảo có trị giá 200 đồng. Tuy nhiên, đó là giá trị thời điểm định giá cho vay, nay kinh tế khủng hoảng, giá sụt giảm và giá trị tài sản này đến thời điểm bán để thu hồi vốn còn 50 đồng.

Với số tiền thu hồi nợ là 50 đồng, thì ngân hàng bị thiệt hại 19,25 đồng, cộng với 30,75 đồng nợ xấu nữa, thiệt hại của ngân hàng năm này là 50 đồng. Số tiền này sẽ bị trừ thẳng vào vốn chủ sở hữu. Nếu năm nay kết quả kinh doanh của ngân hàng sinh lời 30 đồng, thì ngân hàng chỉ bị trừ 20 đồng trong vốn chủ sở hữu, còn nếu sinh lời lớn hơn 50 đồng thì ngân hàng không bị trừ mà còn có lãi”, ông phân tích.

Từ ví dụ trên, theo ông, thị trường có thể tự làm phép tính cho riêng mình và giải thích lý do vì sao ngân hàng cần “tiền tươi”, chứ không phải là một tờ giấy “hiến máu”. 

>>> Xử lý nợ xấu nên như thế nào?

Theo Trần Giang

hangnt

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên