MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nội dung cơ bản và cơ chế xử lý nợ xấu của VAMC

28-05-2013 - 13:40 PM | Tài chính - ngân hàng

VAMC là cơ sở pháp lý quan trọng để NHNN triển khai xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng.

Ngày 18/5/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Nghị định 53). Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 09/7/2013.

Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để NHNN triển khai xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng. Để làm rõ các nội dung của Nghị định quan trọng này, bài viết dưới đây xin được giới thiệu các nội dung cơ bản của Nghị định 53 và cơ chế xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Công ty Quản lý tài sản).

1. Về thẩm quyền của NHNN đối với việc thành lập, tổ chức của công ty quản lý tài sản

Theo Nghị định 53, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có quyền hạn và trách nhiệm sau đây: (i) Thành lập Công ty Quản lý tài sản nhằm xử lý nợ xấu, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng hợp lý cho nền kinh tế. Công ty Quản lý tài sản là doanh nghiệp đặc thù, được tổ chức dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ. Vốn điều lệ của Công ty là 500 tỷ đồng; (ii) Phê duyệt Điều lệ và nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty quản lý tài sản; (iii) Cấp đủ vốn điều lệ cho Công ty quản lý tài sản;

(iv) Bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch và các thành viên Hội đồng Thành viên, Trưởng ban kiểm soát và các thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc và các Phó Tổng giám đốc của công ty quản lý tài sản; (v) Thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại công ty quản lý tài sản; (v) Quản lý Nhà nước, giám sát, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với công ty quản lý tài sản trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về mua, bán và xử lý nợ xấu...

2. Về phạm vi hoạt động của công ty quản lý tài sản

Theo quy định tại Nghị định 53, Công ty Quản lý tài sản được thực hiện các hoạt động sau đây: (i) Mua nợ xấu của các tổ chức tín dụng; (ii) Thu hồi nợ, đòi nợ và xử lý, bán nợ, tài sản bảo đảm; (iii) Cơ cấu lại khoản nợ, điều chỉnh điều kiện trả nợ, chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần của khách hàng vay; (iv) Đầu tư, sửa chữa, nâng cấp, khai thác, sử dụng, cho thuê tài sản bảo đảm đã được Công ty Quản lý tài sản thu nợ; (v) Quản lý khoản nợ xấu đã mua và kiểm tra, giám sát tài sản bảo đảm có liên quan đến khoản nợ xấu, bao gồm cả tài liệu, hồ sơ liên quan đến khoản nợ xấu và bảo đảm tiền vay;

(vi) Tư vấn, môi giới mua, bán nợ và tài sản; (vii) Đầu tư tài chính, góp vốn, mua cổ phần; (viii) Tổ chức bán đấu giá tài sản; (ix) Bảo lãnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân vay vốn của tổ chức tín dụng; (x) Hoạt động khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Công ty Quản lý tài sản sau khi được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho phép. Ngoài ra, Nghị định 53 cũng cho phép Công ty Quản lý tài sản được ủy quyền cho tổ chức tín dụng bán nợ thực hiện một số hoạt động của mình.

3. Về điều kiện đối với các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua

Theo quy định tại Nghị định 53, Công ty Quản lý tài sản mua các khoản nợ xấu có đủ 5 điều kiện sau:

Thứ nhất, khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, bao gồm nợ xấu trong các hoạt động cấp tín dụng, mua trái phiếu doanh nghiệp, ủy thác mua trái phiếu doanh nghiệp, uỷ thác cấp tín dụng và hoạt động khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Thứ hai, khoản nợ xấu có tài sản bảo đảm; Thứ ba, khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm phải hợp pháp và có hồ sơ, giấy tờ hợp lệ; Thứ tư, khách hàng vay còn tồn tại; Thứ năm, số dư của khoản nợ xấu hoặc dư nợ xấu của khách hàng vay không thấp hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn cụ thể về điều kiện các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua.

Ngoài ra, Nghị định 53 cũng quy định theo đề nghị của Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc Công ty Quản lý tài sản mua lại các khoản nợ xấu của TCTD không đáp ứng đầy đủ 5 điều kiện quy định.

4. Về phương thức mua nợ xấu

Nghị định 53 quy định Công ty Quản lý tài sản mua nợ xấu của tổ chức tín dụng dưới một trong hai phương thức sau đây: Một là, mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị ghi sổ số dư nợ gốc khách hàng vay chưa trả đã được khấu trừ số tiền dự phòng cụ thể đã trích lập chưa sử dụng cho khoản nợ xấu đó, đồng thời trả cho tổ chức tín dụng bán nợ bằng trái phiếu đặc biệt do Công ty Quản lý tài sản phát hành;

Hai là, mua nợ xấu của tổ chức tín dụng theo giá trị thị trường bằng nguồn vốn không phải trái phiếu đặc biệt trên cơ sở thỏa thuận và giá trị khoản nợ xấu được đánh giá lại. Đối với khoản nợ xấu này, ngoài việc phải đáp ứng 5 điều kiện khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua thì khoản nợ đó phải được đánh giá có khả năng thu hồi đầy đủ số tiền mua nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu có khả năng phát mại và khách hàng vay có triển vọng phục hồi khả năng trả nợ.

Đồng thời, Nghị định 53 cũng quy định trường hợp tổ chức tín dụng có tỷ lệ nợ xấu từ 3% trở lên hoặc một tỷ lệ nợ xấu khác do Ngân hàng Nhà nước quy định không bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản thì Ngân hàng Nhà nước xem xét, áp dụng các biện pháp:

Thứ nhất, tiến hành thanh tra hoặc yêu cầu tổ chức tín dụng thuê công ty kiểm toán hoặc tổ chức định giá độc lập đánh giá lại chất lượng và giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu và vốn điều lệ của tổ chức tín dụng đó; chi phí kiểm toán, định giá do tổ chức tín dụng thanh toán; Thứ hai, trên cơ sở kết quả thanh tra, định giá và kiểm toán độc lập, tổ chức tín dụng phải bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản để đảm bảo tỷ lệ nợ xấu của tổ chức tín dụng ở mức an toàn; thực hiện trích lập dự phòng rủi ro và tuân thủ các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; cơ cấu lại tổ chức tín dụng theo phương án được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

5. Các quyền của Công ty Quản lý tài sản trong hoạt động xử lý nợ xấu

Theo quy định tại Nghị định 53, Công ty Quản lý tài sản được thực hiện quyền: (i) Yêu cầu tổ chức tín dụng bán nợ, khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các thông tin, tài liệu về tổ chức và hoạt động của khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm; thông tin, tài liệu về các khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã được bán cho Công ty Quản lý tài sản; (ii) Đề nghị tổ chức tín dụng bán các khoản nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản; (iii) Tham gia quá trình cơ cấu lại khách hàng vay sau khi góp vốn, mua cổ phần tại khách hàng vay; (iv) Nhận chính tài sản bảo đảm để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm; (v) Thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý, thu hồi nợ;

(vi) Đề nghị cơ quan quản lý nhà nước có liên quan, cơ quan bảo vệ pháp luật hoàn tất các thủ tục, hồ sơ pháp lý về tài sản bảo đảm và phối hợp, hỗ trợ trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm và thu hồi, xử lý nợ, tài sản bảo đảm; (vii) Đề nghị các cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm thực hiện đăng ký giao dịch bảo đảm liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu do Công ty Quản lý tài sản mua chưa được đăng ký giao dịch bảo đảm. Trong trường hợp này, Công ty Quản lý tài sản trở thành bên nhận bảo đảm và được thực hiện việc đăng ký giao dịch bảo đảm dựa trên hợp đồng mua bán nợ xấu mà không phải ký lại hợp đồng bảo đảm với bên bảo đảm;

(viii) Giám sát, kiểm tra các tổ chức tín dụng trong việc thực hiện các hoạt động được Công ty Quản lý tài sản uỷ quyền; (ix) Được hưởng một tỷ lệ nhất định trên số tiền thu hồi các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt; và (x) Các quyền khác của chủ nợ, bên nhận bảo đảm theo quy định của pháp luật.

​6. Về biện pháp xử lý nợ xấu và cơ cấu lại nợ xấu

Theo quy định tại Nghị định 53, Công ty Quản lý tài sản được thực hiện các biện pháp xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm sau: (i) Thực hiện các quyền của chủ nợ, bên nhận bảo đảm đối với khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm nhằm thu hồi nợ, tài sản bảo đảm; (ii) Tổ chức đôn đốc, yêu cầu trả nợ, thu nợ từ khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ và bên bảo đảm. (iii) Thực hiện cơ cấu lại khoản nợ xấu, hỗ trợ khách hàng vay; (iv) Thỏa thuận với khách hàng vay về việc chuyển nợ thành vốn góp, vốn cổ phần để tham gia cơ cấu lại tài chính và hoạt động của khách hàng vay; (v) Thu nợ bằng nhận chính tài sản bảo đảm của khoản nợ; thu hồi, thu giữ và xử lý tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật;

(vi) Bán nợ cho các tổ chức, cá nhân; (vii) Khởi kiện khách hàng vay, bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm ra Toà án; (viii) Nộp đơn yêu cầu Toà án tiến hành các thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ và đối với bên có nghĩa vụ trả nợ, bên bảo đảm không có khả năng thực hiện nghĩa vụ.

Đồng thời, Nghị định 53 cũng quy định Công ty Quản lý tài sản thực hiện cơ cấu lại nợ nhằm hỗ trợ khách hàng vay theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước thông qua các biện pháp như: Thứ nhất, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, thời hạn trả nợ phù hợp với điều kiện sản xuất, kinh doanh của khách hàng vay; Thứ hai, áp dụng lãi suất của khoản nợ đã mua phù hợp với khả năng trả nợ của khách hàng vay và điều kiện thị trường; Thứ ba, giảm một phần hoặc miễn toàn bộ số lãi đã quá hạn thanh toán mà khách hàng vay chưa có khả năng trả nợ.

Trong trường hợp đánh giá khách hàng vay có khả năng phục hồi tốt, Công ty Quản lý tài sản xem xét, đầu tư, cung cấp tài chính để hỗ trợ khách hàng vay xử lý khó khăn tài chính tạm thời và phục hồi sản xuất kinh doanh hoặc thực hiện bảo lãnh cho khách hàng vay vốn của tổ chức tín dụng khi đánh giá khách hàng có khả năng phục hồi tốt hoặc có dự án mới có hiệu quả đảm bảo trả được nợ vay.

7. Về xử lý tài sản bảo đảm của Công ty Quản lý tài sản

Nghị định 53 quy định nguyên tắc xử lý tài sản bảo đảm của Công ty Quản lý tài sản được thực hiện theo thoả thuận của các bên. Trường hợp không có thoả thuận của các bên về xử lý tài sản bảo đảm, việc xử lý tài sản bảo đảm được bán đấu giá thông qua các phương thức: (i) Bán đấu giá qua tổ chức bán đấu giá chuyên nghiệp; (ii) Công ty Quản lý tài sản bán đấu giá.

​Đồng thời, Nghị định 53 cũng quy định cụ thể việc bán đấu giá tài sản tài sản của công ty quản lý tài sản như sau: (i) Công ty Quản lý tài sản quyền bán đấu giá tài sản bảo đảm không cần sự đồng ý của bên bảo đảm; (ii) Kết quả đấu giá, hợp đồng bán tài sản của Công ty Quản lý tài sản cho bên mua tài sản là căn cứ xác định nghĩa vụ tài chính, công chứng, chứng thực, làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm và chấm dứt quyền sở hữu,quyền sử dụng tài sản của bên bảo đảm hoặc bên sở hữu tài sản;

(iii) Trường hợp Công ty Quản lý tài sản bán đấu giá tài sản bảo đảm có đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì người nhận chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản. Thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật về đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản;

(iv) Trường hợp pháp luật quy định việc chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phải có sự đồng ý bằng văn bản của chủ sở hữu, thì hợp đồng mua bán tài sản giữa chủ sở hữu tài sản hoặc người phải thi hành án với người mua tài sản về việc xử lý tài sản bảo đảm thì hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp được dùng thay thế cho các loại giấy tờ này.

8. Về việc phát hành trái phiếu đặc biệt

Theo Nghị định 53, Công ty Quản lý tài sản được phát hành trái phiếu đặc biệt để mua lại các khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng với các đặc điểm: Thứ nhất, trái phiếu đặc biệt được phát hành dưới hình thức chứng chỉ, bút toán ghi sổ hoặc dữ liệu điện tử; Thứ hai, mệnh giá trái phiếu đặc biệt có giá trị bằng giá mua của khoản nợ xấu theo được quy định; Thứ ba, trái phiếu đặc biệt được phát hành bằng đồng Việt Nam có thời hạn tối đa 05 năm và lãi suất bằng 0%; Thứ tư, trái phiếu đặc biệt được sử dụng để vay tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Nghị định 53 cũng quy định tổ chức tín dụng sở hữu trái phiếu đặc biệt có các quyền sử dụng trái phiếu đặc biệt để vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước, đồng thời có nghĩa vụ (i) Trích lập dự phòng rủi ro hàng năm đối với trái phiếu đặc biệt vào chi phí hoạt động theo tỷ lệ không thấp hơn 20% mệnh giá trái phiếu trong thời hạn của trái phiếu đặc biệt để tạo nguồn xử lý nợ xấu khi được mua lại từ Công ty Quản lý tài sản; (ii) Sử dụng trái phiếu đặc biệt để mua lại theo giá trị ghi sổ các khoản nợ xấu được Công ty Quản lý tài sản mua bằng trái phiếu đặc biệt nhưng chưa được xử lý hoặc thu hồi toàn bộ vào thời điểm trái phiếu đặc biệt đến hạn theo quy định.

9. Về tổ chức thực hiện

Theo quy định tại Nghị định 53, để Công ty Quản lý tài sản có thể đi vào hoạt động và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước, các Bộ ngành có liên quan cần phải ban hành các quy định và văn bản hướng dẫn của cụ thể về:

(1) nghiệp vụ mua, bán và xử lý nợ xấu; (2) việc cho vay tái cấp vốn trên cơ sở trái phiếu đặc biệt; (3) mức lãi xuất cho vay tái cấp vốn; (4) việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với trái phiếu đặc biệt; (5) việc trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro đối với khoản đầu tư, cung cấp tài chính, bảo lãnh; doanh thu, chi phí, phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ của Công ty; (6) hạch toán kế toán... Việc ban hành kịp thời, đồng bộ các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 53 của các bộ, ngành, việc kiện toàn bộ máy tổ chức và việc ban hành đầy đủ các quy trình nội bộ của công ty quản lý tài sản là yêu cầu cấp thiết để Công ty Quản lý tài sản có thể triển khai thực hiện hoạt động xử lý nợ xấu đúng lộ trình./.

Theo SBV

hangnt

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên