MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới room ngân hàng, thế nào là hợp lý?

01-09-2015 - 08:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Các chuyên gia cho rằng nếu Chính phủ nới tỷ lệ bán cổ phần ngân hàng lên trên 30% sẽ hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên trước mắt việc nới room cần có lộ trình từng nấc một và cần phân theo nhóm lớp ngân hàng để áp dụng mức room phù hợp.

Với bối cảnh hệ thống ngân hàng đang trong giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ như hiện nay thì việc tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài (room cho khối ngoại) được nhiều người xem là một giải pháp thích hợp để gọi vốn “tiền tươi thóc thật”, dòng tiền bơm vào hệ thống nhằm nâng cao năng lực tài chính, thúc đẩy mở rộng quy mô, xử lý nợ xấu, tiếp thu công nghệ và kinh nghiệm quản trị tốt hơn.

Tuy nhiên theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/9, nhiều doanh nghiệp sẽ được nới room cho vốn ngoại lên 100%.

Trong khi đó, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng Việt Nam vẫn ở mức 30%, trong đó một tổ chức không được sở hữu quá 20%.

Đứng ở góc độ giới đầu tư nước ngoài, với mức room này họ khó có tiếng nói chi phối trong Hội đồng quản trị. Vì vậy, họ cũng rất mong chờ Chính phủ sớm xem xét nới room.

Về phía các ngân hàng, một số ngân hàng đã cạn room cho nhà đầu tư nước ngoài ví dụ như Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank). Ngân hàng này đã bán cổ phần cho đối tác nước ngoài lên mức 30%; trong đó, MayBank nắm 20% và IFC nắm 10%.

Tại Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), tổng sở hữu của khối ngoại hiện là 27,75% trong đó The Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ sở hữu 19,73%, hai đơn vị thuộc IFC giữ 8,02%.

Một số ngân hàng khác, tỷ lệ cổ phần nắm giữ của đối tác ngoại cũng đang ở mức tối đa 20% đối với nhà đầu tư tổ chức như HSBC tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng Société Générale tại Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Commonwealth Bank tại Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB); BNP Paribas của Pháp tại Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB),…

Mới đây, VietinBank cho biết đang có kế hoạch xin NHNN và Thủ tướng Chính phủ xem xét nới room ngoại và nếu cần thiết sẽ đề xuất VietinBank là ngân hàng thí điểm đầu tiên tăng sở hữu vốn ngoại. Theo ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank việc nới room có thể theo lộ trình lên 30%, 35%, 40% và những mức khác nữa.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện của Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, trong đề án tái cơ cấu, SCB đã xin Chính phủ được phép bán cổ phần cho nước ngoài trên 51% và SCB đã nhận được sự đồng ý về mặt nguyên tắc. Hiện một cổ đông nước ngoài đang nắm giữ 14,5% vốn SCB.

Vị lãnh đạo này cho biết thêm nới room để khuyến khích các nhà đầu tư ngoại tích cực tham gia là điều rất đáng xem xét và đáng làm. Nếu chúng ta có dòng tiền thật là điều vô cùng tốt trong giai đoạn tái cấu trúc của ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên việc nới room cũng cần đi theo lộ trình bắt đầu nâng từ 30 lên 49% và sau đó là lên cao hơn.

TS. Trương Văn Phước, Phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia cho biết: " Việc mở cửa thị trường tài chính cụ thể là ngành ngân hàng là điều tốt, tuy nhiên chúng ta cần có lộ trình. Việc nâng cho ai, mức bao nhiêu để xử lý tình trạng sở hữu chéo, tái lập lại năng lực tài chính, quản trị...còn phụ thuộc vào từng ngân hàng".

Bên cạnh việc các nhà đầu tư ngoại rót tiền tươi thóc thật vào thị trường, ở một khía cạnh khác, TS. Vũ Đình Ánh cho rằng việc mở cửa ồ ạt cho khối ngoại vào ngành ngân hàng sẽ gây phức tạp câu chuyện về cam kết, mức độ độc lập và khả năng chủ động về chính sách tiền tệ.

Theo ông, nếu nới room thì cần phân loại ít nhất làm 3 loại: một nhóm là các ngân hàng TMCP Nhà nước; một nhóm ngân hàng TMCP tốt và một nhóm ngân hàng TMCP yếu kém để áp dụng một mức room khác nhau. Ông cho rằng đây không phải là một xu hướng bởi nó xuất phát từ nhu cầu bản thân mỗi ngân hàng.

Trước đó, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng nhìn nhận rằng chuyện nới room đối với ngành ngân hàng khó có thể được thực hiện trong vòng 1-2 năm tới bởi đây là ngành có tính nhạy cảm cao, có thể ảnh hưởng đến an ninh ngành.

Kim Tiền

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên