Vì vậy, câu chuyện “bình ổn
thị trường vàng” sẽ là chủ đề “nóng” trong năm 2013…
Nghịch lý vẫn còn
Lần đầu tiên câu chuyện “bình ổn thị
trường vàng” đã được đưa lên bàn nghị sự và đã hâm nóng nghị trường Quốc
hội năm 2012. Sau giải trình về những bất ổn của thị trường này, một
lời cam kết sẽ lập lại trật tự vốn náo động suốt một thời gian dài do…
đầu cơ cũng đã được lãnh đạo NHNN đưa ra. Ngay sau đó, NHNN đã triển
khai khá quyết liệt nhiều biện pháp nhằm ổn định thị trường, lấy lại
niềm tin của người dân. Tuy nhiên, cho đến nay, những chuyển biến của
thị trường vàng vẫn diễn ra khá chậm chạp, thị trường vẫn “nóng” chuyện
bình ổn…
Đến thời điểm này, khi đã sang năm 2013,
thị trường vàng Việt Nam vẫn tồn tại những diễn biến ngoài mong đợi.
Nếu như NHNN đã rất thành công trong điều hành thị trường lãi suất và
ngoại tệ trong thời gian gần đây thì với thị trường vàng lại chưa được
như ý. Người dân vẫn băn khoăn vì sao chưa thấy rõ một động thái cương
quyết nào của NHNN trong việc ra tay dẹp bỏ sự chênh lệch giá vô lý trên
thị trường này, đặc biệt từ khi thương hiệu vàng quốc gia được trao vào
tay SJC.
Thêm nữa, những động thái và cách xử lý vấn đề đầu cơ trên thị trường là
đưa gần như toàn bộ cơ chế độc quyền về sản xuất, nhập khẩu và mua bán
vàng miếng cho SJC cũng sẽ còn dấy lên nghi ngại về những phát sinh
trong thời gian tới. Thực tế đã có xảy ra những hệ lụy ngoài mong muốn
khi giá vàng SJC cao hơn giá vàng thế giới và các thương hiệu khác đến
hơn 4 triệu đồng/ lượng.
Trong bối cảnh đó, Thống đốc NHNN khẳng định “không đặt vấn đề giá trong
nước phải sát giá thế giới, mà chỉ đặt mục tiêu ổn định giá vàng để ổn
định kinh tế vĩ mô…”. Giá vàng sẽ chênh lệch thế nào trong năm 2013 khi
không có sự bình ổn về giá? Bất kỳ thị trường nào, giá luôn là yếu tố
quan trọng giữ cho thị trường ổn định. Tuy nhiên, giá chỉ là một yếu tố
trong chiến lược bình ổn thị trường vàng. Để bình ổn được thị trường,
cần bắt tay nhanh vào việc lập lại các cửa hàng, doanh nghiệp (DN) kinh
doanh vàng miếng. Theo đó, từ ngày 10/1/2013, chỉ những địa điểm được
cấp phép mới có quyền kinh doanh vàng miếng.
Như vậy, đã có khoảng hơn 5.600 cửa hàng vàng chỉ còn được phép kinh
doanh đồ trang sức. Những DN được phép kinh doanh vàng miếng phải đạt đủ
các tiêu chuẩn như có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên; có từ 2 năm
kinh nghiệm trong lĩnh vực mua bán vàng; đã nộp từ 500 triệu đồng trở
lên tiền thuế của hoạt động kinh doanh vàng trong 2 năm năm gần nhất; có
mạng lưới bán hàng từ 3 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
Với quyết tâm đưa thị trường vàng vào thế ổn định, NHNN đã xóa sổ 70%
các điểm giao dịch vàng và hạn chế việc găm giữ vàng của các tổ chức tín
dụng để chống đầu cơ vàng. Cùng với đó, NHNN quy định kể từ ngày
10/1/2013, trạng thái vàng, tức giá trị số dư vàng miếng phát sinh do
mua bán vàng, cuối ngày của các tổ chức tín dụng không được vượt quá 2%
so với vốn tự có và không được duy trì trạng thái vàng âm. Các tổ chức
tín dụng phải báo cáo hàng ngày trạng thái vàng của mình cho NHNN.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán,
những chính sách mới này không thể làm giảm các hiệu vàng cũng như không
làm giảm được việc găm giữ vàng. Cụ thể, 5.600 cửa hàng không được phép
kinh doanh vàng miếng đương nhiên sẽ không đóng cửa bởi vì vẫn được
phép kinh doanh vàng trang sức. Mặt khác, các DN được phép kinh doanh
vàng miếng sẽ mở thêm hàng loạt các điểm kinh doanh vàng miếng của mình.
Như vậy, sẽ có nhiều cửa hàng vàng mới được khai trương và không loại
trừ tình trạng mua bán vàng miếng trái phép hoặc ẩn giấu dưới nhiều hình
thức tại các cửa hàng vàng chưa có phép vẫn tiếp diễn, thậm chí còn
phát triển. Thêm nữa, không có căn cứ nào đảm bảo việc báo cáo hàng
ngày, kiểm tra kiểm soát có thể hạn chế việc găm giữ vàng quá 2% vốn
điều lệ.
Cần giải pháp mới
Theo phân tích của các chuyên gia, để
bình ổn thị trường vàng theo hướng bền vững cần phải tôn trọng các quy
luật thị trường, trong đó, NHNN chỉ thực hiện chức năng quản lý và hoạch
định chính sách mà không tham gia sản xuất kinh doanh hoặc điều tiết
thị trường bằng các biện pháp hành chính, không trực tiếp can dự việc
kinh doanh của các DN. Các DN đáp ứng đủ điều kiện sản xuất - kinh doanh
thì phải để họ tự hoạt động theo cơ chế thị trường. Thị trường vàng
Việt Nam phải liên thông với thị trường thế giới, loại bỏ yếu tố giá
cách biệt như hiện nay bằng các giải pháp thị trường. Cung phải gắn với
cầu, tiến tới tự do hóa xuất nhập khẩu, Nhà nước chỉ điều tiết bằng
chính sách thuế như các nước khác trên thế giới.
Bên cạnh đó, cần có chính sách chuyển đổi từ thị trường vàng vật chất
sang thị trường vàng có nhiều sản phẩm phái sinh, chuyển hướng từ giao
dịch vàng miếng sang giao dịch các sản phẩm khác của vàng (chứng chỉ
vàng, vàng tài khoản...) trên một trung tâm giao dịch tập trung, tạo cho
các DN và nhà đầu tư có thêm nhiều công cụ bảo hiểm rủi ro và hội nhập,
tiếp cận được những sản phẩm tài chính thông dụng trên thị trường quốc
tế.
Để thị trường phát triển ổn định, minh
bạch về nguyên tắc, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước phải đảm bảo
bình đẳng giữa các đối tượng tham gia thị trường, hết sức hạn chế việc
phân biệt, đối xử. Đây là giải pháp tốt nhất để có được sự đồng thuận
của thị trường. Thực tế, cách tổ chức thị trường hay câu chuyện xuất -
nhập khẩu vàng tạo ra cung - cầu trên thị trường trong nước và xử lý mối
quan hệ giữa giá vàng và tỷ giá hối đoái trong thời gian qua đều chưa
tốt. Điều này dẫn tới giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế
giới nhưng luôn chênh lệch với giá vàng thế giới ở mức quá lớn.
Các lãnh đạo ngân hàng và chuyên gia
đồng quan điểm, để bình ổn thị trường cần trả lời được ba câu hỏi: Thứ
nhất, vàng là phương tiện thanh toán hay sản phẩm hàng hóa? Thứ hai, có
nên giao chức năng quản lý thị trường vàng cho một cơ quan cụ thể có đầy
đủ quyền lực, công cụ và trách nhiệm để bình ổn thị trường vàng? Thứ
ba, liên thông giữa thị trường vàng trong nước và thế giới bằng cách
nào?
Theo Tài chính & Đầu tư số 1+2-2013