MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nộp tiền mặt vào ngân hàng cũng sẽ mất phí, có nên?

12-06-2014 - 10:59 AM | Tài chính - ngân hàng

Chuyên gia cho rằng chỉ nên áp dụng thu phí nộp tiền với Doanh nghiệp hoặc ngân hàng có thể bắt đầu thu phí khi số tiền nộp vượt qua một định mức nào đó.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Thông tư quy định phí dịch vụ tiền mặt để lấy ý kiến đóng góp. Thông tư này quy định về phí dịch vụ tiền mặt, bao gồm cả phí nộp và rút tiền mặt tại NHNN, phí nộp và rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Cụ thể, khi nộp, rút tiền mặt qua tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước, khách hàng phải chịu mức phí là 0,005% trên tổng giá trị tiền mặt nộp hoặc rút.

Đối với khách hàng của các tổ chức tín dụng thì các tổ chức tín dụng được quyền ấn định mức phí nộp tiền mặt cho khách hàng nhưng không vượt quá 0,03% tổng giá trị tiền mặt nộp vào tài khoản thanh toán và phải niêm yết công khai.

TCTD được quyền ấn định mức phí rút tiền mặt đối với khách hàng của mình nhưng không vượt quá 0,05% tổng giá trị tiền mặt rút ra từ tài khoản thanh toán

>>> Dự kiến phí rút tiền mặt tại TCTD tối đa là 0,05% tổng giá trị

Theo Ngân hàng nhà nước, hiện nay, Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có tỷ lệ sử dụng tiền mặt cao. Trong thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo NHNN áp dụng các biện pháp nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt để từng bước giảm dần thanh toán bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện các ngân hàng còn áp dụng mức thu phí khác nhau, thấp hơn nhiều so với phí chuyển khoản hoặc không thu phí, vì vậy chưa có ảnh hưởng nhiều đến việc khách hàng lựa chọn sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt thay cho việc sử dụng tiền mặt để thanh toán.

Việc thu phí rút tiền mặt từng gây nhiều tranh cãi khi hiện nay, đa số các công ty đều đã thực hiện trả lương qua tài khoản ngân hàng và người dân có thói quen rút tiền tại máy ATM để chi tiêu. Khi thu nhập bình quân của người Việt Nam chưa cao, việc rút tiền mất phí thậm chí khiến cho một số doanh nghiệp muốn bỏ dịch vụ trả lương qua tài khoản còn người dân thì rút hết tiền lương một lần để tiết kiệm tiền phí.

Với sự cạnh tranh khá khốc liệt trong ngành ngân hàng bán lẻ, hiện tại nhiều ngân hàng vẫn không thu phí rút tiền mặt tại ATM. Một số ngân hàng thu phí rút tiền khác hệ thống hoặc khác tỉnh/thành phố nơi mở tài khoản.

Trở lại bản dự thảo Thông tư trên, có nhiều người sẽ ngạc nhiên khi thấy phần thu phí hoạt động nộp tiền mặt. Thực tế, nếu khách hàng nộp tiền tại chi nhánh/tỉnh/thành phố mà mình mở tài khoản thì thông thường không mất tiền. Nhưng nếu nộp tiền tại điểm giao dịch khác tỉnh/thành phố với nơi mở tài khoản thì sẽ bị thu phí. Khảo sát tại một số ngân hàng, phí nộp tiền mặt khác tỉnh/thành phố của ACB là 0,03% số tiền, tối thiểu 15.000 đồng, tối đa 1.000.000 đồng; của Techcombank là 0,03% số tiền, tối thiểu 20.000 đồng, tối đa 1.000.000 đồng...

Là một người hoạt động lâu năm trong ngành tài chính ngân hàng, Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận xét, việc thu phí dịch vụ tiền mặt là cần thiết để bù đắp cho các chi phí hoạt động của ngân hàng. Việc nộp tiền phải thu phí cũng đúng, bởi vì khi khách hàng nộp tiền, nhân viên NH phải kiểm đếm, làm các thủ tục giấy tờ để thu tiền, tức là ngân hàng sẽ mất chi phí nhân công, chi phí giấy tờ, khấu hao máy móc…

Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng chỉ nên áp dụng thu phí nộp tiền với Doanh nghiệp vì bình thường số tiền mà cá nhân nộp tiền vào Ngân hàng không nhiều. Hoặc không, ngân hàng có thể bắt đầu thu phí khi số tiền nộp vượt qua một định mức nào đó.

Theo NHNN, việc dự thảo thông tư này với những quy định cụ thể về phí dịch vụ tiền mặt là mang tính chất định hướng nhằm mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt và phù hợp với bối cảnh, điều kiện Việt Nam hiện nay. Khi điều kiện cho phép, NHNN sẽ có những điều chỉnh theo lộ trình và bước đi phù hợp. Hy vọng sau khi nhận được các ý kiến đóng góp, NHNN sẽ cho ra đời một thông tư hợp lý, cụ thể và rõ ràng.

Hà Phương

trangntm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên