MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nước xa không cứu được lửa gần

12-05-2013 - 17:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Thời hạn siết chặt quy định về phân loại nợ trích lập dự phòng rủi ro theo quy định tại Thông tư 02 khiến cả doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và chính các ngân hàng thương mại đều lo ngại.

Theo tinh thần của Thông tư 02, các quy định về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro sẽ được thực hiện đúng chuẩn, tiệm cận với thông lệ quốc tế và cũng là bước đệm tích cực bởi năm 2015, hệ thống ngân hàng trong nước phải thực hiện theo Hiệp ước quốc tế về tiêu chuẩn an toàn vốn- Basel II.

Tuy nhiên, với tình hình thực tế như hiện nay, Thông tư 02 sẽ “bồi” thêm một đòn nữa xuống cơ thể vốn đang yếu ớt của doanh nghiệp (DN). Một trong những kiến nghị mà cộng đồng DN gửi tới Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong các buổi làm việc tiếp tiếp xúc với DN ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước hồi tháng 4 là yêu cầu giãn Thông tư 02. Các DN đều cho rằng, nên tránh dồn thêm áp lực khi họ đang khó khăn, cũng như tránh hạn chế khả năng tiếp cận vốn của họ, nếu thực hiện, không chỉ quy mô nợ xấu tăng mà số lượng DN bị khai tử cũng sẽ tăng đột biến.

Tiến sĩ Cao Sĩ Kiêm- Chủ tịch Hiệp hội DN vừa và nhỏ - bày tỏ:“Ở góc độ người làm ngân hàng lâu năm, tôi ủng hộ việc thực hiện Thông tư 02, tuy nhiên ở góc độ đại diện DN, tôi đề nghị nên linh hoạt trong quá trình thực hiện”.

Ông Kiêm phân tích: Việc phân loại và xử lý nợ xấu phụ thuộc vào “sức khỏe” của DN, hiện nay nhiều DN đang suy giảm sản xuất - kinh doanh, tình trạng phá sản tăng. Nếu thẳng thừng phân loại nợ thì DN sẽ không đủ chuẩn tiếp cận vốn và nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng cao.

Quan điểm được nhiều ngân hàng thương mại đưa ra là nên xem xét tình thế trước mắt của DN, nếu họ sống lại và khỏe thì tự khắc nợ xấu của ngân hàng cũng được cải thiện và lành mạnh hơn.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhìn nhận: Việc tạm dừng chưa áp dụng thông tư là cách gỡ khó thiết thực nhất cho DN bởi thời điểm này chưa phù hợp.“Ngân hàng Nhà nước nên đưa ra lộ trình áp dụng thông tư”- ông Ánh nói.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Đức Hưởng- Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank - phân tích: Nếu không gia hạn Thông tư 02 thì 80% nông dân và DN liên quan đến đối tượng này sẽ ra “đứng đường”.“Chúng ta đang cố gắng hạ lãi suất cho vay xuống để tạo khoảng cách ngắn giữa khách hàng và ngân hàng, nếu thực hiện ngay thì chi phí của các ngân hàng thương mại sẽ tăng lên rất nhanh, khiến họ phải xem xét có nên hạ lãi suất cho vay hay không”- ông Hưởng bày tỏ.

Ông Đào Hảo- Phó Tổng giám đốc Vietcombank - chia sẻ: Nếu áp dụng ngay thì hầu hết nợ xấu của các ngân hàng sẽ tăng lên. Nhiều DN mong muốn được kéo dài thời gian để họ chuẩn bị. Theo ông Hảo, “việc hoãn lại một năm sẽ không là quá dài mà là bước để cả ngân hàng và DN chuẩn bị cho lộ trình mới”.

Theo Thùy Linh

hangnt

Báo công thương

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên