MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Phản pháo" ý kiến của sếp Ngân hàng Bưu điện Liên Việt

19-08-2014 - 11:28 AM | Tài chính - ngân hàng

Sếp Ngân hàng Liên Việt thổ lộ đa số các ngân hàng nghĩ để tiền trong tủ cho chắc chắn, sau này kinh tế hồi phục rồi tính tiếp. Còn chuyên gia Bùi Kiến Thành thẳng thắn: “Nói thế nghe sao được!”.

Không dám cho vay vì... sợ “mắc tội”

Tại Diễn đàn Kinh tế miền Trung tổ chức cuối tuần qua, tham luận của ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàng Bưu điện Liên Việt có nhắc đến vấn đề tín dụng cho nền kinh tế.

Ông Hưởng cho rằng: Hiện nay, nền kinh tế vẫn chưa tìm lấy lối thoát khi ngân hàng thừa nguồn, còn doanh nghiệp và địa phương lại thiếu vốn. Vì thế, mấy năm nay, bài toán trên vẫn chưa thể nào giải được.

Ngoài ra, một băn khoăn đáng lưu ý được vị lãnh đạo Ngân hàng Bưu điện Liên Việt chia sẻ là: Trong lúc kinh doanh khó khăn thì xu hướng "hình sự hóa" kinh tế lại trỗi dậy.

Cũng vì thế, theo ông Hưởng, tất cả các ngân hàng đều ngại đầu tư tín dụng vì sợ bị quy vào tội thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái.

“Thực sự nền kinh tế đang khó khăn nên đầu tư gặp rất nhiều rủi ro, cho nên đa số ngân hàng nghĩ là để tiền trong tủ cho chắc chắn, sau này kinh tế hồi phục rồi tính tiếp. Đấy cũng chính là một nguyên nhân khiến tín dụng chỉ tăng trưởng hơn 3% trong 7 tháng vừa qua” – theo nội dung tham luận của ông Nguyễn Đức Hưởng.

Trao đổi với phóng viên ngày 18-8, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành thẳng thắn: “Nói thế nghe sao được!”.

“Trách nhiệm của ngân hàng là cho doanh nghiệp vay để sản xuất kinh doanh. Nếu ngân hàng làm đúng theo trách nhiệm của mình, làm đúng quy định của pháp luật thì không ai có thể quy chụp lỗi lầm cho ngân hàng cả” – ông Bùi Kiến Thành nói.

“Rõ ràng doanh nghiệp đang rất 'khát' vốn. Ngân hàng phải giúp doanh nghiệp phục hồi, xem xét giải ngân cho các doanh nghiệp nào có khả năng, có nhu cầu. Không thể nói tôi sợ bị quy vào tội thiếu trách nhiệm hoặc cố ý làm trái để quay lưng lại với doanh nghiệp” – theo chuyên gia Bùi Kiến Thành.

Ông Bùi Kiến Thành nói: Doanh nghiệp cần vốn để sản xuất kinh doanh, để vượt qua khó khăn. Khi đó, doanh nghiệp có thể trả được những khoản nợ xấu cho ngân hàng. Ngược lại, nếu doanh nghiệp “chết” thì ngân hàng cũng “chết” theo. Cho nên chúng ta cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển, vì họ chính là lực lượng làm ra sản phẩm, tạo thêm việc làm

"Phải chú ý đến chất lượng tín dụng"

Chuyên gia Bùi Kiến Thành cũng cảm thấy khó hiểu khi ngân hàng chậm trễ cho doanh nghiệp vay song lại mạnh tay đầu tư vào trái phiếu Chính phủ để hưởng lợi nhuận cao hơn và rủi ro ít hơn.

Bên cạnh đó, năm 2014, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14%. Ông Bùi Kiến Thành tỏ ra ngạc nhiên khi tín dụng đột nhiên tăng khá cao trong tháng 7. Bởi vì tăng trưởng tín dụng trong 5 tháng đầu năm 2014 đạt 1,31%, đến 6 tháng đầu năm đã tăng lên 3,52%. Như vậy, chỉ trong vòng 1 tháng, tín dụng tăng khá nhanh, tăng thêm 2,21%, cao gần gấp đôi mức tăng tín dụng cả 5 tháng đầu năm cộng lại. Tiếp sang 7 tháng đã tăng lên 3,68%.

Ông Bùi Kiến Thành thắc mắc: “Tôi không hiểu vì sao tín dụng lại đột ngột tăng nhanh như vậy chỉ trong vòng 2 tháng. Không biết tín dụng đã vào lĩnh vực nào, lĩnh vực đó có được ưu tiên hay không, hay lại vào đầu cơ tích trữ như bất động sản, chứng khoán… Chính vì vậy, con số tăng trưởng tín dụng không không phải là vấn đề cuối cùng.

“Không phải đưa tín dụng ồ ạt ra nền kinh tế là tốt mà phải chú ý đến chất lượng tín dụng, đến việc kiểm soát dòng tiền. Nếu không sử dụng hợp lí, lạm phát sẽ bị đẩy lên, bất ổn vĩ mô lại tái diễn” – ông Bùi Kiến Thành chia sẻ.

Tôi có một đề xuất đột phá là, Công ty quản lí tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) tham gia vào việc quản lí nợ xấu ngay khi bắt đầu dự án đầu tư, tức là có thêm chức năng bảo lãnh cho một số dự án có hiệu quả, nếu có vấn đề thì mua nợ ngay. Đó là một biện pháp đột phá mà chưa ai đề xuất.

Ngoài ra, trong giai đoạn hiện nay, trong lúc chưa huy động được nguồn vốn từ trái phiếu, công trái Chính phủ thì Chính phủ đứng ra bảo lãnh một số dự án kinh tế thông qua Bộ Tài chính, kể cả dự án an ninh quốc phòng để các ngân hàng mạnh dạn rút vốn ra đầu tư. Khi đó sẽ có môi trường, có điều kiện kinh doanh để kinh tế phát triển.

Việc bảo lãnh của Chính phủ chỉ là một đòn tâm lý để làm vững chắc niềm tin của các nhà đầu tư và các ngân hàng, thế thì mới khơi thông được dòng vốn ở miền Trung này. Nhờ đó, các ngân hàng sẽ không còn kinh doanh đơn thuần mà phải nghiên cứu các sản phẩm chuyên biệt cho miền Trung.

(Trích tham luận của ông Nguyễn Đức Hưởng, PhóChủ tịch Thường trực HĐQT Ngân hàngBưu điện Liên Việt tại Diễn đàn kinh tế miền Trung)


hangnt

Báo Hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên