MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát mại khó khăn và tâm lý “Makeno”

08-02-2014 - 19:56 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc phát mại tài sản bảo đảm khó khăn không chỉ do các quy định của pháp luật hay sự chây ỳ của bên đi vay mà còn xuất phát từ chính bản thân các quy định nội bộ của nhiều TCTD hiện nay.

Việc phát mại tài sản bảo đảm (TSBĐ) nếu được tiến hành thông thoáng, nhanh chóng là một trong những yếu tố quan trọng giúp xử lý nợ xấu (XLNX). Bởi vậy, đây không chỉ là mong muốn, kỳ vọng của các chuyên gia, của các TCTD mà còn cả của VAMC - một “tổ chức chuyên trách” trong XLNX. Với số nợ xấu đã mua gần 40 nghìn tỷ đồng năm 2013 và kế hoạch mua tiếp từ 70 đến 100 nghìn tỷ đồng trong năm nay từ các TCTD, tất yếu VAMC sẽ phải tìm cách xử lý thông qua phát mại, hóa giá tài sản...

Tuy nhiên, khó khăn nằm ở chỗ thủ tục phát mại, xử lý và đấu giá chưa hoàn thiện. “Điều này rất cần có sự hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành để hoàn thiện thủ tục pháp lý. Chỉ khi các nhà đầu tư yên tâm với tài sản thế chấp cho khoản nợ xấu đó có đầy đủ cơ sở pháp lý để chuyển đổi sở hữu, họ sẽ tham gia” – ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch thường trực VAMC nói với báo giới gần đây.

Khó quá thì để lại cho người kế nhiệm

Theo TS. Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, các quy định pháp lý liên quan đến vấn đề phát mại TSBĐ hiện nay chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động này mà một trong những nguyên nhân mang tính “gốc rễ” nằm ở việc các quy định pháp lý có thiên hướng bảo vệ quyền lợi của người đi vay hơn là đứng về lợi ích của người cho vay. Các thủ tục xử lý, thanh toán thu nợ, chuyển nhượng quyền sử dụng, sở hữu tài sản (đặc biệt là bất động sản – loại tài sản được sử dụng chủ yếu nhất làm TSBĐ) còn nhiều phức tạp, kéo dài qua nhiều khâu, nhiều cấp, nhiều bất cập, thiếu đồng bộ và đặc biệt là chưa quy định cụ thể các biện pháp nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong quá trình xử lý TSBĐ dẫn đến khó khăn trong khâu phát mại.

Những nguyên nhân “gốc rễ” tạo nguyên cớ cho người đi vay, khi không hoàn thành được nghĩa vụ trả nợ, chuyển sang thái độ chây ỳ với tâm lý “việc gì phải hợp tác, mặc kệ nó” trong khi về mặt bản chất thì họ là những “con nợ” nên không có động cơ lợi ích trong việc hợp tác thúc đẩy tiến trình xử lý TSBĐ. Hệ quả là bản thân các TCTD nơi nhận thế chấp TSBĐ ngại thực hiện phương án cuối cùng và mang tính “cực chẳng đã” là phải mở thủ tục phát mại TSBĐ.

“Ở các nước phát triển, khi các con nợ không làm hết vai trò của một bên đi vay thì không chỉ phải chấp nhận bị phát mại tài sản mà thậm chí còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - TS. Vũ Đình Ánh cho biết. Theo ông, “đứng trước những phức tạp như vậy thì TCTD sẽ phải cân nhắc giữa lợi ích của việc phát mại cộng với chi phí tổng thể (cả về thời gian, nguồn lực...) phải bỏ ra hay là thôi cứ treo để đấy”. Đây cũng là một trong những nguyên nhân có thể làm nảy sinh “tư duy nhiệm kỳ” trong việc giải quyết các TSBĐ phải phát mại – mà thực chất đã là đống nợ xấu của TCTD. Bởi, nếu mất đến 5-7 năm, chưa kể chi phí cho các thủ tục do luật định, để giải quyết các tài sản này thì rất dễ nảy sinh tâm lý đẩy những “cục nợ” ấy lại cho những người kế nhiệm.

Cân đối lợi ích hai bên

Để giải quyết vấn đề này, theo TS. Ánh, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý liên quan cần đặc biệt quan tâm đến yếu tố cốt lõi của vấn đề là cân đối quyền lợi và trách nhiệm của bên đi vay và bên cho vay. Khi đó, các quy định và thủ tục pháp lý sẽ vừa có tính chất bắt buộc đối với các bên liên quan đến khoản nợ và tài sản thế chấp đi kèm, vừa tạo động cơ khuyến khích các bên trong giải quyết nhanh công nợ.

“Tại các nước như Mỹ, Úc, Đức, khi ngân hàng có trong tay giấy chứng nhận đăng ký TSBĐ rồi thì trong trường hợp phải đưa ra tòa án, ngay lập tức thẩm phán sẽ ra quyết định cho thi hành ngay, không còn phải tranh luận giữa luật sư 2 bên nữa. Luật của họ ưu tiên cao cho chủ nợ có bảo đảm” - ông Ánh cho biết.

Việc phát mại TSBĐ khó khăn không chỉ do các quy định của pháp luật hay sự chây ỳ của bên đi vay mà còn xuất phát từ chính bản thân các quy định nội bộ của nhiều TCTD hiện nay. Nhìn từ góc độ nội bộ các TCTD, bà Nguyễn Thùy Dương – Phó tổng giám đốc Khối Dịch vụ tài chính ngân hàng của Công ty Ernst & Young Việt Nam cho rằng, quy trình quản lý TSBĐ chưa chặt chẽ, từ lúc bắt đầu định giá, tiếp nhận, theo dõi, định giá TSBĐ sau khi cho vay, giải chấp và thanh lý TSBĐ. Tại nhiều TCTD, việc phân tách chức năng giữa bộ phận thẩm định, phê duyệt tín dụng và bộ phận đánh giá TSBĐ chưa rõ ràng.

“Ở nhiều TCTD, cán bộ tín dụng vừa có thể thẩm định tín dụng, vừa có thể định giá TSBĐ trong khi hai công việc này đòi hỏi các kỹ năng hoàn toàn khác nhau. Hay nói cách khác là hai nghề khác nhau. Các yếu tố này sẽ làm cho khả năng tiếp nhận khách hàng xấu tăng cao và một khi khách hàng đã xấu, việc phát mại TSBĐ cũng sẽ khó khăn”- bà Dương nói.

“Đây là thời điểm các TCTD cần thay đổi mô hình quản trị tín dụng, từ cấp độ giao dịch đến cấp độ quản lý danh mục, từ quản lý tĩnh sang quản lý theo luồng công việc, từ phân tán sang tập trung, từ thủ công sang tự động” - theo bà Dương. Nói một cách khác, cần xây dựng được quy trình tín dụng khép kín, bài bản, có tính chuyên môn hóa cao, chặt chẽ từ khâu “khởi tạo đến khởi kiện”.

Bên cạnh đó, cần xây dựng và nâng cao nhận thức về văn hóa quản trị rủi ro (QTRR). “Văn hóa về QTRR dường như chưa được coi trọng lắm bởi mọi người cứ nghĩ QTRR là cái gì đó rất mơ hồ” – bà Dương nhìn nhận. Trong khi các vụ việc gần đây cho thấy, hoặc các chốt kiểm soát quá lỏng, hoặc cán bộ ngân hàng khi tham gia trong từng quy trình cụ thể không nắm vững được các rủi ro nằm ở đâu để kịp thời xử lý.

Ngoài ra, theo bà Dương, các TCTD cũng cần tính đến các công cụ để có thể quản lý được rủi ro chứ không thể chỉ dựa trên “chủ nghĩa kinh nghiệm”. Theo đó, những công cụ hiện đại như các hệ thống cảnh báo sớm về các khoản vay có vấn đề, hay hệ thống quản lý TSBĐ tốt cần được ứng dụng.

Nhiều TCTD hiện vẫn thực hiện quản lý TSBĐ một cách phân tán, thủ công. Do vậy, dù vô tình hay cố ý, sai sót trong quá trình tác nghiệp xảy ra rất nhiều. Trong toàn bộ quy trình quản lý TSBĐ, TCTD chỉ nắm ở khúc giữa. Tức là chỉ theo dõi phần TSBĐ đã được cho vay và cho đến khi giải chấp hoặc quyết định phát mại tài sản. Quá trình TSBĐ có thể có những biến động cần được theo dõi, được đánh giá lại định kỳ, các bước quy trình ra sao tại chi nhánh... đều không được theo dõi một cách tập trung. 


Ngoài ra, sau khi TSBĐ được phát mại hoặc thanh lý, các thông tin về chi phí thu hồi, giá trị thu hồi như thế nào, thời gian thu hồi bao lâu... cũng không được theo dõi một cách có hệ thống. Việc các TCTD đang làm hiện nay phần lớn chỉ là ghi nhận về mặt kế toán đối với các khoản thu từ phát mại TSBĐ.

Bà Nguyễn Thùy DươngPhó tổng giám đốc Khối Dịch vụ tài chính ngân hàng của Công ty Ernst & Young Việt Nam

Theo Đỗ Lê

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên