MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quản ngọn, bỏ gốc

13-09-2013 - 14:11 PM | Tài chính - ngân hàng

Khi mà chất lượng vàng miếng đã được NHNN chuẩn hóa bằng một thương hiệu duy nhất là SJC, thì vấn đề chất lượng vàng đang được “đổ” dồn vào lĩnh vực vàng trang sức, mỹ nghệ vốn còn bỏ ngỏ.

Ngoài việc có quy chế về kiểm soát chất lượng vàng trang sức để cơ quan quản lý “cầm cân nảy mực”, thì vấn đề mấu chốt ở đây là cần có một Trung tâm kiểm định chất lượng vàng trang sức đủ uy tín để trước hết là đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, sau là cơ sở để các DN cạnh tranh, bảo vệ uy tín của mình trên thương trường.

Bàn về chuyện cái cân vàng…

Khi mà chất lượng vàng miếng đã được NHNN chuẩn hóa bằng một thương hiệu duy nhất là SJC, thì vấn đề chất lượng vàng đang được “đổ” dồn vào lĩnh vực vàng trang sức, mỹ nghệ vốn còn bỏ ngỏ.

Với nhiệm vụ là cơ quan quản lý, đo lường chất lượng các sản phẩm hàng hóa, trong đó có vàng, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Dự thảo Thông tư quản lý chất lượng vàng trang sức, quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường.

Đây đã là bản dự thảo lần thứ 6 của Thông tư này và dự kiến chỉ trong tháng 9/2013, sẽ được ký ban hành chính thức. Thế nhưng, nội dung Dự thảo bản gần đây nhất vẫn còn nhiều vấn đề khúc mắc.

Để đảm bảo quản lý chất lượng vàng, đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu sản xuất, gia công, mua bán vàng trang sức, mỹ nghệ và kể cả kinh doanh mua, bán vàng miếng, Dự thảo quy định các tổ chức cá nhân kinh doanh vàng phải có dụng cụ đo lường vàng để xác định khối lượng hoặc hàm lượng. Cân phải được kiểm định tại tổ chức kiểm định được công nhận hoặc chỉ định theo quy định của pháp luật về đo lường và có chứng chỉ kiểm định còn thời hạn giá trị.

Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng phải có thiết bị xác định hàm lượng vàng có phạm vi đo và độ chính xác phù hợp với yêu cầu kỹ thuật đo lường do tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu công bố.

“Cân và thiết bị xác định hàm lượng vàng phải được người sử dụng tự kiểm tra định kỳ ít nhất mỗi tuần/lần. Hồ sơ thực hiện việc kiểm tra định kỳ được lưu giữ tại địa điểm thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền.” – Dự thảo Thông tư ghi. Song, theo một số chủ DN kinh doanh vàng, quy định như vậy sẽ dẫn tới tình trạng suốt ngày DN lo đi kiểm định cân, do đó chỉ nên quy định DN kiểm tra định kỳ khoảng 3 - 6 tháng/lần.

Nếu cứ quy định cứng nhắc mà không có cơ chế giám sát chặt chẽ thì dễ dẫn đến tình trạng “chạy” giấy phép kiểm định cân thì “xôi hỏng bỏng không”. “Nên quy định cơ quan chỉ định đơn vị kiểm tra thiết bị xác định hàm lượng vàng để tránh tiêu cực” – một doanh nhân kinh doanh vàng đề xuất.

Tại Điều 3, phần giải thích từ ngữ, Dự thảo thông tư đưa ra định nghĩa: “Vàng trang sức, mỹ nghệ là các sản phẩm vàng có hàm lượng vàng trong thành phần kim loại chính từ 8 kara (tương đương 33,33%) trở lên, đã qua gia công, chế tác để phục vụ nhu cầu trang sức, trang trí mỹ thuật”. Như vậy, so với Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, định nghĩa này thừa cụm từ “trong thành phần kim loại chính”.

Theo các DN kinh doanh vàng, Dự thảo nên “bê” nguyên định nghĩa về vàng trang sức, mỹ nghệ đã được “chốt” trong Nghị định 24. Việc thêm cụm từ trên là không cần thiết, thậm chí còn dài dòng và thiếu sự đồng nhất giữa Nghị định và Thông tư trong cùng một lĩnh vực vàng trang sức.

…Và nhiều bất cập

Tại Điều 5 của Dự thảo, thì chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phân hạng thành 8 loại: 8k… 24k. Cũng theo các doanh nhân kinh doanh mặt hàng này, việc phân hạng này là không phù hợp vì trên thực tế, vàng trang sức, mỹ nghệ rất đa dạng. Có thể chỉ trong một sản phẩm là vàng trang sức thì mỗi bộ phận như dây chuyền, mặt dây chuyền, các chi tiết hoa văn đính trên sản phẩm... đã có hàm lượng vàng khác nhau.

Vì vậy, theo ông Đinh Nho Bảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, chỉ nên quy định hàm lượng vàng trang sức, mỹ nghệ tối thiểu, còn sản xuất vàng trang sức có hàm lượng như thế nào là tùy thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng và chiến lược kinh doanh của DN.

Theo Điều 8, Dự thảo Thông tư thì việc quản lý chất lượng sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ được thể hiện thông qua quy định các sản phẩm trên phải được đóng mã ký hiệu và hàm lượng vàng trên từng sản phẩm. Điều này, theo giới kinh doanh là chuyện đương nhiên, vì phải có mã ký hiệu và hàm lượng thì mới quản lý được chất lượng.

Nhưng trong Điều 9, Dự thảo lại quy định: Các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ phải thực hiện việc ghi nhãn và vị trí của nhãn vàng trang sức, mỹ nghệ theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa. Nhãn vàng trang sức, mỹ nghệ có thể được ghi trực tiếp bằng cách khắc cơ học, khắc laser, đúc chìm, đúc nổi hoặc bằng phương pháp thích hợp hoặc thể hiện trên tài liệu đính kèm sản phẩm. Đối với vàng trang sức mỹ nghệ nhập khẩu, ngoài nhãn mác ghi bằng tiếng nước ngoài, phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt thể hiện các thông tin ghi nhãn và xuất xứ hàng hóa.

Ông Bảng cho rằng, như vậy Dự thảo Thông tư mới chỉ dừng ở việc quản lý chất lượng sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường mà chưa quan tâm tới quản lý chất lượng sản phẩm ngay từ các đơn vị sản xuất. Nếu theo các quy định trên thì chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ mới quản lý được phần ngọn. Vì vậy, Dự thảo Thông tư nên có các quy định về trách nhiệm của các DN sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ.

Bên cạnh đó, Dự thảo Thông tư mới chỉ quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh vàng phải ghi nhãn mác cho các sản phẩm. Điều này, không phù hợp vì hiện nay các loại hàng hóa của Việt Nam đều do nhà sản xuất ghi nhãn mác sản phẩm. Và thực tế, rất nhiều sản phẩm vàng trang sức, mỹ nghệ được sản xuất thủ công từ các hộ gia đình, làng nghề mà không phải từ một DN “chính quy ” nào.

Như vậy, dù đã qua 6 lần chỉnh sửa, bổ sung nhưng Dự thảo Thông tư quản lý chất lượng vàng trang sức vẫn chưa “đủ sức” thuyết phục người tiêu dùng, phân phối và nhà sản xuất về hiệu quả nỗ lực chấn chỉnh lĩnh vực kinh doanh vàng trang sức.

Ngoài việc có quy chế về kiểm soát chất lượng vàng trang sức để cơ quan quản lý “cầm cân nảy mực”, thì vấn đề mấu chốt ở đây là cần có một Trung tâm kiểm định chất lượng vàng trang sức đủ uy tín để trước hết là đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, sau là cơ sở để các DN cạnh tranh, bảo vệ uy tín của mình trên thương trường.


Theo Đức Nghiêm

hangnt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên