MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định tuổi vàng có “bắt cóc bỏ dĩa”?

23-06-2014 - 11:17 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo quy định mới, hàm lượng vàng trong trang sức, mỹ nghệ vàng 24k không nhỏ hơn 99,9%, 20k không nhỏ hơn 83,3%, 18k không nhỏ hơn 75%. Giới hạn sai số vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên là 0,1%...

Mặc dù đã áp dụng Thông tư 22/2013/TT-BKHCN về việc quản lý đo lường chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường kể từ ngày 1-6, nhưng đến nay vẫn còn 90% doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này vẫn chưa nắm rõ quy định.

Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM (SJA), cho biết sau gần 1 tháng thực hiện Thông tư 22 nhưng đến nay trong tổng số 3.000 doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nữ trang trên địa bàn TP chỉ mới có 10% là những đầu mối lớn biết đến Thông tư 22 để thực hiện theo quy định.

Trong khi đó, đây lại là quy định bắt buộc đối với việc kiểm soát vàng trang sức, mỹ nghệ. Qua khảo sát cho thấy, trong khi các doanh nghiệp lớn lĩnh vực này đã sẵn sàng thì doanh nghiệp nhỏ lẻ, thủ công lại đang tỏ ra lúng túng, nhất là với xử lý hàng tồn kho.

Theo quy định mới, hàm lượng vàng trong trang sức, mỹ nghệ vàng 24k không nhỏ hơn 99,9%, 20k không nhỏ hơn 83,3%, 18k không nhỏ hơn 75%... Giới hạn sai số vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên là 0,1%, vàng hợp kim có hàm lượng từ 80% đến dưới 90% là 0,2%, vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80% là 0,3%.

Điều này xuất phát khi thị trường lâu nay vẫn tồn tại tình trạng doanh nghiệp làm đúng tuổi vàng có phí gia công cao, rất khó cạnh tranh với các tiệm vàng nhỏ lẻ làm vàng thấp tuổi để hạ phí gia công. Trong khi các doanh nghiệp lớn trong ngành chỉ chiếm 10% thị phần.

Trước đây, vàng 18k tỷ lệ vàng ròng chính xác phải 75%, nhưng trên thực tế các tiệm vàng, các doanh nghiệp kinh doanh chỉ áp dụng tỷ lệ vàng ở mức phổ biến 65-68%, một số nơi tỷ lệ vàng chỉ còn 54-60%. Do đó, người mua vàng trang sức và người bán lâu nay thường thống nhất với nhau việc mua đâu phải bán đó và sản phẩm khi bán bị hạ giá rất nhiều, chỉ còn khoảng 40-50% giá trị lúc mua. Tình trạng ăn gian tuổi vàng khiến người tiêu dùng bị móc túi nhưng không có cơ sở để đòi quyền lợi.

Vì thế, việc áp dụng Thông tư 22 được nhiều chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá là sát sườn trong công tác đo lường, tổ chức quản lý vàng trang sức mỹ nghệ trên thị trường Việt Nam. Qua đó, sẽ hạn chế được chất lượng vàng mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một giá như hiện nay.

Nhưng cái khó của các doanh nghiệp là thời gian quá ngắn để có thể xử lý với lượng hàng tồn kho. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp cho biết, chưa đầu tư máy móc kịp. Đặc biệt, với các doanh nghiệp kinh doanh vàng nhỏ lẻ vẫn tỏ ra lúng túng trước các quy định trên.

Theo ông Phạm Văn Tám, chủ tiệm vàng Kim Hảo, đồng thời là Phó Chủ tịch SJA, vì thời gian để chuẩn bị cho việc thực hiện các quy định mới quá ngắn, doanh nghiệp chưa nắm hết thông tư nên khi áp dụng gần như 100% doanh nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu.

“Hiện nhiều doanh nghiệp trong ngành kim hoàn vẫn gọi điện hỏi tôi về các quy định của Thông tư 22 như thế nào, nên nếu cơ quan chức năng kiểm tra hầu như doanh nghiệp sẽ bị xử phạt và ngưng hoạt động” - ông Tám nói.

Đồng quan điểm trên, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, cho rằng cần có lộ trình để các doanh nghiệp chuẩn bị. Có thể thời gian 9 tháng để chuẩn bị trước khi Thông tư 22 đi vào thực tiễn không phải là ít, nhưng cũng chưa hẳn là nhiều để các doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực nữ trang chuẩn bị để đáp ứng tốt các điều kiện. Theo ông Khánh cần có lộ trình và áp dụng theo từng giai đoạn.


>>> Không hiểu Thông tư 22: Coi chừng mất vàng

Theo Bảo Lâm

hangnt

Sài Gòn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên