MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quy định về chất lượng vàng: Vẫn còn nặng hình thức

30-05-2014 - 07:11 AM | Tài chính - ngân hàng

Hiện nay, người mua và người bán đều chịu rủi ro vì chưa có một chuẩn mực cụ thể nào.

Từ ngày 1.6.2014, Thông tư 22/2013 (ban hành ngày 26.9.2013) của Bộ Khoa học và Công nghệ về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường chính thức có hiệu lực.

Điều này đã khiến không ít người mua, người bán và người đang dự trữ vàng hoang mang, lo ngại. Bởi họ đang sở hữu một lượng vàng tồn đọng nhất định và chưa đạt chất lượng, còn bây giờ không biết sẽ xử lý ra sao.

Đồng cảm với những lo lắng này, trao đổi với chúng tôi, chuyên gia kinh tế - TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là điều rất dễ hiểu, vì doanh nghiệp, người dân chưa có sự chuẩn bị từ trước.

"Việc quy chuẩn hóa các tiêu chí về vàng, chất lượng vàng là điều cần thiết. Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa có được một quy chuẩn chặt chẽ, rõ ràng, đúng với thông lệ quốc tế, nên đây là điều cần phải thực hiện.

Bây giờ chúng ta mới làm thì thật ra cũng đã trễ, nhưng muộn còn hơn không. Việc người mua và người bán đều lúng túng trước Thông tư này là dễ hiểu. Hiện nay, người mua và người bán đều chịu rủi ro vì chưa có một chuẩn mực cụ thể nào. Việc đưa ra chuẩn mực cần phải rõ ràng, phải có một cơ quan đưa ra chuẩn mực này, một cơ quan kiểm định và cơ quan thực hiện. Theo tôi thì hiện nay mọi thứ vẫn còn đang bỏ ngỏ" - TS. Hiếu nói.

Cũng theo TS. Hiếu, để thực hiện Thông tư 22 thì cần phải có một lộ trình từ 6 - 9 tháng để chuyển từ hiện trạng chưa được chuẩn hóa sang hiện trạng được chuẩn hóa và có sự xử phạt hành chính nếu như không đạt chuẩn này. Và trên thực tế, Thông tư 22 đã được ban hành từ tháng 9.2013 và tính đến thời điểm hiện nay đã hơn 9 tháng nên doanh nghiệp, người dân không thể "trách" cơ quan ban hành.

"Theo tôi, đây là khoảng thời gian hợp lý để người dân, doanh nghiệp biết và thực hiện. Còn nếu rủi ro, theo đúng luật thì người mua, người bán phải chịu. Bởi vì các cơ quan ban hành luật không bắt buộc phải có cảnh báo gì. Chỉ là trên thực tế, vì có rất ít người biết, nhớ hay quan tâm đến Thông tư này nên cơ quan ban hành có thể cân nhắc sử dụng nhiều biện pháp tuyên truyền để người dân biết đến nhiều hơn" - TS. Hiếu cho biết.

Tuy nhiên, TS. Hiếu cũng nhấn mạnh đến nhiều vấn đề trong Thông tư 22 vẫn chưa được làm rõ. Chẳng hạn như ai sẽ chịu trách nhiệm về việc chuẩn hóa thiết bị đo hàm lượng vàng? Cấm những chất gây hại trong nữ trang là những chất nào? Ai sẽ là người xử phạt khi các doanh nghiệp vi phạm? Mức phạt quy định là bao nhiêu?...

"Thông tư có hiệu lực từ 1.6.2014 cũng là muộn, nên bắt buộc phải có cơ quan kiểm định, kiểm tra chất lượng. Nếu không có cơ quan này thì khi một doanh nghiệp, một người dân vi phạm và đưa ra trước tòa thì chính tòa án cũng không có khả năng thẩm định. Rõ ràng đây là khâu chúng ta cần quan tâm đến.

Theo tôi, việc đưa ra Thông tư 22 và bỏ ngỏ những điều này thì mới chỉ được hình thức còn nội dung thì chưa ổn, chưa được quan tâm một cách chặt chẽ" - TS. Hiếu nói.

Đồng quan điểm với TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, việc xác định hàm lượng, tiêu chuẩn vàng là hoàn toàn đúng đắn và rất cần thiết. Còn việc đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm về việc chuẩn hóa thiết bị đo hàm lượng vàng thì chỉ là vấn đề nhỏ, chúng ta có thể hoàn thiện được.

"Việc mà người dân đã mua phải vàng kém chất lượng là chuyện đã rồi và không thể tránh được nữa, cho nên từ nay trở đi người dân sẽ cần phải thận trọng hơn khi mua bán.

Tôi ủng hộ việc phải kiểm tra và xác định hàm lượng. Vì trong kinh tế học thì có bất đối xứng thông tin, có nghĩa là người bán thì biết là đồ "rởm" nhưng người mua thì không biết. Cho nên cần phải sự kiểm tra để người dân tránh được" - TS. Doanh cho biết.

Theo Duyên Duyên

hangnt

Một thế giới

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên