MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Quyết tâm thanh lọc hệ thống ngân hàng qua góc nhìn chuyên gia

26-10-2014 - 22:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Lĩnh vực ngân hàng là huyết mạch của nền kinh tế, do đó mọi biến động dù nhỏ nhất của ngành này đều có tác động đến nhiều lĩnh vực khác.

Gần đây một số lãnh đạo ngân hàng đã bị cơ quan điều tra bắt giam vì những sai phạm nghiêm trọng trong lĩnh vực tiền tệ. Phải chăng sẽ tiếp tục có những "cuộc đại thanh lọc" hệ thống này trong thời gian tới?

Lời cảnh báo mạnh mẽ


Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội xoay quanh câu chuyện một số lãnh đạo ngân hàng bị bắt giữ phục vụ công tác điều tra trong thời gian gần đây. Theo ông, việc bắt giữ lãnh đạo cấp cao của một số ngân hàng trong thời gian vừa qua thể hiện tính thượng tôn pháp luật, và những "tiếng kêu", bức xúc của cử tri, của doanh nghiệp đã được lắng nghe.

Ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Ông Kiên chia sẻ, dù lĩnh vực ngân hàng là mạch máu của nền kinh tế thì cũng không thể vin vào cớ đó làm sai để trục lợi cá nhân. Đây là tác dụng của tái cơ cấu, đổi mới thể chế hoạt động nền kinh tế.Đây cũng là lời cảnh báo mạnh mẽ cho các tổ chức tín dụng và những ai đã làm sai, trục lợi cá nhân thì nên dừng lại. Đối với những người có ý định làm sai thì lấy đó là tấm gương cho mình.

Ông Kiên cũng cho rằng những vụ việc sẽ sớm được đưa ra ánh sáng trong thời gian tới khi quá trình tái cơ cấu ngân hàng đang diễn ra rốt ráo.

Cần phải vừa xử nghiêm tiêu cực, vừa bảo đảm an toàn hệ thống

Ông Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Đó là chia sẻ của Chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân bên hành lang Quốc hội. Khi mà kinh tế vẫn trong vòng suy giảm, bong bóng bất động sản, nợ xấu... hiện vẫn đang là bài toán khó giải thì chắc chắn tiêu cực ở hệ thống ngân hàng là không thể tránh khỏi.

Theo ông, đây cũng là thực tế diễn ra ở nhiều quốc gia. Vấn đề ở đây là trong lĩnh vực ngân hàng, công tác thanh tra, giám sát phải được đặt lên hàng đầu. Công tác đào tạo nhân lực cho ngân hàng cũng không chỉ thuần túy về nghiệp vụ mà cần gắn với đạo đức kinh doanh. Phải tạo ra được ranh giới giữa ngân hàng với khách hàng để hạn chế những tiêu cực.

Còn vấn đề gì đụng đến tham nhũng, lợi dụng chức quyền thì phải xử hình sự. Với những vụ việc xảy ra như vụ ông Hà Văn Thắm, chúng ta phải bảo đảm an toàn hệ thống. Vì vậy, vừa phải xử lý nghiêm những tiêu cực, nhưng đồng thời phải đặt vấn đề an toàn của hệ thống.

Muốn trong sạch bộ máy, trước hết phải bắt "sâu"

Ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện Kinh tế lập pháp của Quốc hội.

Viện trưởng Viện Kinh tế lập pháp của Quốc hội Đinh Xuân Thảo cho biết: Từ trước đến nay, nhiều người vẫn hoài nghi có “lợi ích nhóm” trong lĩnh vực ngân hàng nên sẽ rất khó xử lý. Ông cho rằng, có thể có “lợi ích nhóm” nhưng chỉ ở một chừng mực nào đó. Viện trưởng Viện Kinh tế lập pháp lấy ví dụ qua một số vụ án lớn như vụ bầu Kiên, lúc đầu nhiều người cũng e ngại nhưng cuối cùng vẫn được xử lý rất nghiêm khắc. Với đà thực hiện tái cơ cấu hiện nay, đối với những trường hợp sai phạm phải xử lý nghiêm để có tác dụng răn đe tốt hơn.

Theo nhận định của ông, chúng ta đang trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung vào lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng. Ngoài sắp xếp lại thì còn có việc giải quyết nợ xấu, kiện toàn lại tổ chức bộ máy. Do đó, chúng ta phải bắt được những "con sâu, con mọt" để làm tổ chức ngân hàng trong sạch hơn.

>>> Điểm lại một số vụ việc có dấu hiệu sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng gần đây

Theo Tuấn Việt

hangnt

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên