Reuters: Việt Nam quá chậm chạp trong giải quyết nợ xấu
NHNN ước tính nợ xấu của hệ thống hiện ở mức 6%, tương đương 7,8 tỷ USD. Số vốn 24 triệu USD ban đầu của VAMC là quá nhỏ để các ngân hàng có thể tái cấu trúc.
Khi công ty sản xuất đồ gỗ của anh Nguyễn Mạnh Hùng làm ăn phát đạt, đơn hàng ồ ạt đổ về từ các khách hàng giàu có muốn mua đồ nội thất thủ công. Sau khi trừ chi phí và tiền lương cho 35 nhân công, anh Hùng thu được tới 25.000 USD mỗi tháng.
Hai năm sau, bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế tăng trưởng chậm lại, công việc kinh doanh của anh Hùng cũng lao đao theo. Công ty thua lỗ 4.000 USD mỗi tháng, kể cả khi đã cắt giảm nhiều chi phí và tạm thời cho 30 lao động nghỉ việc vì không còn đủ tiền để trả lương.
“Tôi chỉ cần một vài khách hàng để có thể sống sót. Tuy nhiên, các khách hàng đều đã đồng loạt hủy đơn hàng. Sẽ không có ngân hàng nào cho tôi vay tiền”, anh Hùng than thở.
Nỗi thống khổ của anh Hùng phản ánh phần nào bức tranh về nền kinh tế Việt Nam. Khu vực ngân hàng ngập chìm trong nợ xấu và không thể cung cấp “chiếc phao cứu sinh” cho các doanh nghiệp. Hơn nữa, các biện pháp can thiệp của chính phủ dường như vẫn chưa đủ mạnh.
Reuters trích dẫn thông tin từ Phó Thống đốc NHNN Đặng Thanh Bình cho biết, Công ty quản lý tài sản VAMC sẽ được thành lập với số vốn ban đầu là 24 triệu USD. Tuy nhiên, theo nguồn tin từ các ngân hàng thương mại, số tiền này là quá nhỏ so với vấn đề nợ xấu đang “trói chân” hầu hết các khu vực của nền kinh tế.
NHNN ước tính số nợ xấu của hệ thống ngân hàng hiện ở mức 6%, tương đương 7,8 tỷ USD. Do đó, theo Matt Hildebrandt – chuyên gia kinh tế đến từ JP Morgan Chase chi nhánh Singapore, số vốn của VAMC là quá nhỏ để các ngân hàng có thể tái cấu trúc.
Thêm vào đó, chuyên gia này còn lo ngại tiến trình hình thành VAMC diễn ra quá chậm chạp. Điều đó có nghĩa là nền kinh tế có thể tiếp tục ở trong trạng thái èo uột thêm vài năm nữa.
Bước khởi đầu quan trọng
VAMC là ý tưởng tương tự như những nỗ lực xây dựng lại hệ thống ngân hàng sau thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 – 1998 của Thái Lan. Ban đầu, VAMC sẽ mua nợ xấu thế chấp do bất động sản. Nợ được mua ở mức giá ghi trên sổ sách và được sử dụng làm tài sản đảm bảo cho khoản tái cấp vốn từ NHNN.
Mặc dù VAMC không cần nắm trong tay tiền mặt để giải quyết nợ xấu, số vốn quá nhỏ của công ty này khiến nhiều người đặt câu hỏi NHNN sẽ đặt mức trần hỗ trợ như thế nào đối với các trái phiếu đặc biệt.
Reuters trích lời của ông Bình trong email trả lời tờ báo này cho rằng có thể VAMC sẽ giải quyết được 50% nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Ông cũng khẳng định VAMC là một khởi đầu quan trọng để có thể thu được kết quả khả quan trong năm nay. Sau đó, phụ thuộc vào tình hình, VAMC có thể mở rộng qui mô nợ và tài sản thế chấp để đạt được mục tiêu cuối cùng là đưa tỷ lệ nợ xấu về vùng an toàn.
Tuy nhiên, giới phân tích và một số lãnh đạo ngân hàng thương mại cho rằng đây là nhận định quá lạc quan. Ông Bình không hề cho biết ai sẽ chi trả cho VAMC, công ty này sẽ xử lý số nợ xấu mua vào như thế nào hay chỉ đơn giản là chuyển nợ từ nơi này sang nơi khác.
Bẫy thanh khoản
Tăng trưởng tín dụng chậm lại cũng là một “đòn mạnh” giáng vào nền kinh tế.
Các ngân hàng Việt Nam – vốn có tỷ lệ nợ xấu cao nhất ở châu Á – đã mạnh mẽ thắt chặt cho vay và tạo nên bẫy thanh khoản trên thị trường tiêu dùng có qui mô 90 triệu người. Khu vực bất động sản khốn đốn. Đã từng được coi là “ngôi sao đang lên” tiếp theo của châu Á, kinh tế Việt Nam đang phát triển với tốc độ thấp nhất 13 năm.
Kết quả là, hơn 100.000 doanh nghiệp phải đóng cửa trong 2 năm 2011 và 2012. Tính riêng trong quý I năm nay, đã có 13.000 doanh nghiệp phá sản. Doanh số bán lẻ quý I chỉ tăng 11,8% - thấp nhất trong vòng 8 năm trở lại đây.
Tháng 3 vừa qua, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết lãi suất (hiện trong khoảng 9 – 16%) sẽ được hạ xuống mức dưới 13% để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn. Tuy nhiên, một vài doanh nghiệp than phiền rằng tốc độ triển khai chính sách trên quá chậm chạp và lãi suất hiện vẫn ở mức 17 – 18%.
"Như ngồi trên ghế điện"
Mặc dù vậy, một vài tia hi vọng đã xuất hiện. Lần đầu tiên trong vòng 2 thập kỷ, Việt Nam có được thặng dư thương mại và dự báo sẽ tiếp tục thặng dư trong năm nay. World Bank dự báo nền kinh tế tăng trưởng 5,2% trong năm 2013. Lạm phát giảm từ mức hơn 20% của tháng 12/2011 xuống còn 6,6%.
Tiền đồng cũng đã ổn định sau vài lần hạ giá. Tăng gần 15% kể từ đầu năm đến nay với 95% khối lượng mua bởi người Việt, Vn Index là một trong những chỉ số có diễn biến tốt nhất ở châu Á.
Tuy nhiên, dường như TTCK đang che giấu những vấn đề sâu xa hơn. “Giao dịch ở thị trường này giống như ngồi trên ghế điện vậy”, Trần Tiến Dũng – nhà đầu tư nhỏ lẻ 43 tuổi nói. Anh đã bán gần hết cổ phiếu trong tháng 2 vừa qua và thu về lợi nhuận 20%. Anh Dũng cho rằng các vấn đề của nền kinh tế đã lộ diện nhưng bức tranh tương lai chẳng có gì sáng sủa.
Các chuyên gia kinh tế nhận định Việt Nam quá chậm chạp trong việc dọn sạch nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, đây lại là điểm mấu chốt để dòng vốn đầu tư nước ngoài có thể hồi sinh.
Alfred Chan, chuyên gia đến từ Fitch Ratings, cho rằng Việt Nam vẫn chưa đánh giá hết tầm quan trọng của vấn đề nợ xấu. Tính minh bạch còn rất thấp và các kế hoạch cải cách đều sơ sài và không được thực hiện nhanh gọn.
Ngoài ra, Việt Nam còn phải giải quyết nhiều vấn đề khác, trong đó có khu vực doanh nghiệp nhà nước. 100 DNNN lớn nhất đang gánh số nợ 64 tỷ USD. Rất nhiều doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành tràn lan và tập trung quá nhiều vào thị trường bất động sản vốn đang đóng băng.
Louis Taylor, CEO của Standard Chartered Bank tại Việt Nam, nhận định các ngân hàng ngoại có thể giúp đỡ dọn nợ xấu cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Tuy nhiên, có vẻ như các ngân hàng yếu nhất thiếu đi sức hút mạnh mẽ đối với các ngân hàng ngoại.
Hiện nay, đối tác nước ngoài không được nắm giữ quá 30% số vốn của một ngân hàng nội. Hồi tháng 2 vừa qua, NHNN đề nghị nâng mức giới hạn nhưng chỉ là trong các trường hợp đặc biệt và Thủ tướng sẽ quyết định tỷ lệ đối với ngân hàng được xếp loại yếu.
Các ngân hàng thương mại cho rằng khu vực ngân hàng nên được tự do hơn để củng cố công tác quản lý rủi ro và bơm vốn. Tuy nhiên, một số người cho rằng các ngân hàng ngoại bị một bộ phận coi là những “gã khổng lồ không được chào đón”. Dường như các ngân hàng không muốn những người ngoại quốc đến, “xoi mói sổ sách và lật tung mọi thứ”.
Thu Hương